Những bức xúc từ chợ cóc, chợ tạm ở Hà Nội

Cản trở giao thông và ô nhiễm môi trường

Theo số liệu của Sở Thương mại Hà Nội, hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội có 124 chợ cóc, chợ tạm, trong đó có khoảng mười chợ tạm, còn lại là chợ cóc. Chợ tạm là những chợ họp trên các đường phố, vỉa hè, có ban quản lý chợ, được đầu tư ở mức độ. Người kinh doanh ở chợ tạm được cấp đăng ký kinh doanh, có đóng thuế, được kiểm soát của các cơ quan chức năng. Còn chợ cóc là tụ điểm mà người mua, người bán tự họp lại, không có hạ tầng, không có ban quản lý. Người kinh doanh ở chợ cóc trốn được nhiều khoản thuế và phí đồng thời nằm ngoài sự quản lý của nhiều cơ quan chức năng... Tuy khác nhau đôi chút, nhưng nhìn chung cả hai loại chợ này đều gây những bức xúc về vệ sinh môi trường, trật tự giao thông và trật tự đô thị.

Chợ Nguyễn Cao (phường Ô Đống Mác, quận Hai Bà Trưng) là một trong những chợ tạm hoạt động khá lâu, khoảng 30 năm nay. Chợ nằm trên phố Nguyễn Cao chỉ dài vài trăm mét nhưng có đến 346 hộ kinh doanh cố định đủ tất cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu hằng ngày, phục vụ nhu cầu mua bán của nhân dân các phường trong khu vực. Trong chợ, các hàng quán được bố trí ở dưới lòng đường và hai bên vỉa hè của phố, chỉ để lại hai lối đi nhỏ chừng 1m ở hai bên. Diện tích các quầy hàng rất nhỏ, chừng 1 - 2m2 cho mỗi hộ kinh doanh. Chợ chật đến nỗi ngay cả trụ sở tổ quản lý chợ cũng được bố trí trên tầng 2 của nhà vệ sinh công cộng được dựng tạm trên hè phố.

Trong chợ, các ngành hàng không được sắp xếp, quy hoạch hợp lý, các chủ kinh doanh cứ tiện ai nấy ngồi. Các hàng kinh doanh các mặt hàng tươi sống như cá, gia cầm ngồi ngay cạnh hàng bán thực phẩm chín rất mất vệ sinh. Chợ không có hệ thống dẫn nước sạch và hệ thống thoát nước đến từng quầy hàng. Vì thế, đường đi trong chợ tuy không lầy lội nhưng lúc nào cũng ẩm ướt. Phân, lông của gà, vịt, vẩy, lòng cá đổ lênh láng trên đường đi, bốc mùi hôi nồng nặc. Chị Xuân, bán hàng rau ở chợ thừa nhận: "Chợ bẩn và chật chội quá. Những cũng vì phải kiếm sống nuôi gia đình nên tôi phải bám trụ ở đây".

Người bán hàng, người mua hàng đã khổ nhưng các gia đình sinh sống ở phố chợ còn khổ hơn nhiều. Một người dân khu vực này cho biết: "Ngoài việc đi lại khó khăn thì môi trường sống rất kém. Trẻ con không có chỗ vui chơi, người già không được nghỉ ngơi, thư giãn vì chợ luôn ồn ào. Mỗi khi mở cửa ra là hứng đủ mọi mùi tanh hôi của chợ ùa vào".

Ngoài chợ tạm, hiện nay Hà Nội cũng đang đau đầu vì nạn chợ cóc tự phát mọc lên ở khắp mọi nơi. Nếu như chợ tạm thường gây những bức xúc về vệ sinh môi trường thì chợ cóc lại là thủ phạm chính gây nên tình trạng ùn tắc giao thông trên các đường phố, khu dân cư.

Chợ cóc họp trên phố Phúc Xá (phường Phúc Xá, quận Ba Đình) là một thí dụ. Mặc dù trên địa bàn phường đã có chợ Long Biên với diện tích rộng hàng nghìn m2, nhưng từ mười năm nay, chợ cóc hoạt động tấp nập trên phố này, cản trở giao thông. Theo quy định, các hàng quán ở chợ được bố trí trên hè phố. Nhưng hè phố rất nhỏ, chỉ rộng chừng 70 - 80cm, không đủ chỗ bày hàng, cho nên người bán thường lấn ra, bày hàng dưới lòng đường. Mọi việc đi lại, mua bán của khách hàng đều diễn ra dưới lòng đường rất lộn xộn. Vào giờ cao điểm, xe đạp, xe máy đi qua đây đã khó, ô-tô càng khó đi hơn và rất dễ gây tai nạn vì người đi bộ mải mua bán nên không chú ý quan sát.

"Ngoài những bức xúc về vệ sinh môi trường, về trật tự an toàn giao thông, các chợ cóc còn là nơi báo động về tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, văn minh thương mại kém và thất thu thuế" - Bà Nguyễn Hồng Vân, Phó phòng Quản lý thương mại (Sở Thương mại Hà Nội) cho chúng tôi biết. Kinh doanh ở chợ cóc, người bán hàng không được cấp đăng ký kinh doanh, chỉ nộp vé chợ, còn không phải nộp tiền thuê chỗ, tiền thuế... Chợ cóc họp trên đường phố thì đương nhiên không có hệ thống cấp nước, thoát nước thải. Vì thế một chậu nước dùng để rửa hàng chục con cá sau khi mổ, sau đó thì hắt luôn ra đường là xong. Ngoài ra, nạn cân điêu, nói thách, bán hàng kiểu chụp giật diễn ra khá phổ biến ở các chợ cóc vì tính chất tạm bợ của kiểu chợ này. Chợ cóc cũng không nằm trong sự kiểm soát của các lực lượng chức năng về công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy...

Những vướng mắc trong quá trình giải tỏa

Năm 2004 được thành phố  Hà Nội chọn là năm thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện môi trường xã hội. Theo đó, Hà Nội chủ trương trong vòng hai năm 2004 - 2005 xóa bỏ toàn  bộ chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn thành phố. Theo kế hoạch, trong năm 2004 giải tỏa 65 chợ, còn lại 59 chợ sẽ giải tỏa trong năm 2005.

Thực hiện chủ trương này, từ đầu năm đến nay, chính quyền các quận phối hợp các lực lượng chức năng đã giải tỏa được 30 chợ cóc, chợ tạm. Nhiều tụ điểm chợ hoạt động lâu năm dưới lòng đường, cản trở giao thông, ô nhiễm  môi trường gây bức xúc trong dư luận như chợ tạm  trên các phố Đặng Trần Côn-Đoàn Thị Điểm, Cao Đạt, ngõ Tức Mạc... đã được giải tỏa, là một thành công lớn. Sau khi giải tỏa, các lực lượng chức năng tổ chức chốt giữ nên không xảy ra tình trạng tái chiếm. Ngành giao thông công chính tổ chức thảm lại đường, lát lại vỉa hè... trả lại vẻ phong quang cho đường phố, cải thiện việc đi lại và môi trường sống cho nhân dân khu vực.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Phòng Quản lý Thương mại (Sở Thương mại Hà Nội) thì việc giải tỏa các chợ cóc, chợ tạm chưa đạt hiệu quả cao, tiến độ thì quá chậm, so với kế hoạch đề ra là 65 điểm trong năm 2004. Nhiều chợ đã được đưa vào kế hoạch giải tỏa trong năm nay nhưng không tiến hành được. Nguyên nhân chủ yếu thành phố chưa có đủ chợ mới để sắp xếp những hộ kinh doanh ở chợ bị giải tỏa tiếp tục buôn bán.

Chợ Nguyễn Cao nằm trong kế hoạch giải tỏa trong năm 2004. Chợ có gần 400 hộ kinh doanh, theo kế hoạch thì sau khi giải tỏa các hộ kinh doanh có hộ khẩu trên địa bàn quận được bố trí vào chợ Vĩnh Tuy. Thế nhưng theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng thì hiện giờ chợ Vĩnh Tuy chưa được khởi công xây dựng do những vướng mắc về thủ tục đầu tư. Ngoài chợ Nguyễn Cao, trên địa bàn quận còn có chợ tạm Hoà Bình với số lượng hộ kinh doanh lớn, hơn 730 hộ hoạt động trên một số ngõ, phố của phường phố Huế cũng là một điểm nóng, từ nhiều năm nay chưa có hướng giải quyết.

Nếu như việc giải tỏa chợ tạm không thực hiện vì những khó khăn trong việc bố trí nơi bán hàng cho các hộ kinh doanh cũ thì đối với việc giải tỏa các chợ cóc, gian nan nhất là khâu duy trì. Anh Nguyễn Anh Cường, Chủ tịch UBND phường Hàng Bột (quận Đống Đa) cho biết: chỉ tính riêng trên địa bàn phường có tới bốn chợ cóc họp trong ngõ Quan Thổ I, Thịnh Hào, Văn Hương và ngõ 221 phố Tôn Đức Thắng. Thế nhưng cứ dẹp chợ ở ngõ này thì những người bán hàng lại chạy sang ngõ bên kia. Việc giải tỏa đúng là "bắt cóc bỏ đĩa".

Việc thành phố  quyết tâm giải tỏa hết chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn là một chủ trương đúng. Một đô thị văn minh, hiện đại thì không thể để hơn 100 chợ tự phát họp trên đường phố, trong các ngõ ngách của khu dân cư. Tuy nhiên, thành phố cũng cần xem xét dành quỹ đất, đầu tư xây mới các chợ tại các khu vực mới phát triển; sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các chợ trong khu vực nội thành cũ qua nhiều năm sử dụng đã sập xệ để sau khi giải tỏa các chợ tạm có đủ chỗ bố trí các hộ kinh doanh tiếp tục buôn bán. Mặt khác, người tiêu dùng thủ đô cũng nên thay đổi thói quen mua bán, không mua hàng theo kiểu tiện đâu mua đấy, mà nên tìm đến những cơ sở thương mại có địa chỉ rõ ràng, sản phẩm bảo đảm chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Có như vậy, mới giải quyết tận gốc nạn chợ cóc, chợ tạm, bảo đảm văn minh đô thị cho thành phố.

KIỀU HƯƠNG