Vườn quốc gia Xuân Thủy - Nam Định nằm trong Khu dự trữ được công nhận là Khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế. Đây cũng là khu vực đầu tiên của Đông Nam Á tham gia Ramsar. Nơi đây bảo tồn các loài chim di cư có tầm quan trọng quốc tế trong đó có loài Cò mỏ thìa (Platalea minor) - một loài chim di cư đặc biệt quý hiếm mà trên toàn thế giới chỉ còn hơn 300 cá thể, lúc nhiều nhất cũng chỉ lên đến 1.000 cá thể, trong đó Vườn quốc gia Xuân Thủy hiện là điểm duy nhất của Việt Nam thường xuyên đón nhận gần 100 cá thể di trú từ tháng 9 đến tháng 5 hàng năm. Vườn quốc gia Xuân Thủy còn là nơi trú chân của hơn 200 loài chim di cư và chim bản địa, trong đó có hơn 60 loài chim nước.
Một loài cò bản địa trong Vườn quốc gia Xuân Thủy. |
Khu đất ngập nước còn được coi như một vườn ươm cho sự sống của biển, với 500 loài động thực vật thuỷ sinh và cỏ biển, nhiều loài thuỷ hải sản có giá trị kinh tế cao như tôm, cua, cá biển, vạng, vọp, trai, sò, cá tráp, rong câu chỉ vàng....
Ngoài ra, hệ thống rừng ngập mặn tại Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng còn có tác dùng thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và được coi là “tấm lá chắn” xanh quan trọng trong bảo vệ vùng ven biển và dân cư ven biển khi xảy ra sóng bão.
Việc vùng đất ngập nước thuộc ba tỉnh châu thổ sông Hồng được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới do công của lãnh đạo và nhân dân, các tổ chức như UNESCO Việt Nam, Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD), Ủy ban quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB)… Người dân, chính quyền và các tổ chức này đã phối hợp xây dựng những mô hình phát triển kinh tế bền vững, dựa vào sinh thái và bảo vệ sinh thái. Những kinh nghiệm từ các mô hình ở đây đang được đúc kết để tiếp tục áp dụng vào các địa phương khác.
Lễ trao bằng công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới. |
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch tỉnh Nam Định Trần Văn Chung cho biết: “Lễ hội đón nhận bằng công nhận của UNESCO là một sự kiện quan trọng, động viên cổ vũ lãnh đạo và nhân dân 3 tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình đề cao trách nhiệm đối với sự nghiệp bảo tồn các di sản thế giới nói chung và nguồn tài nguyên quốc gia nói riêng. Mặt khác sự kiện còn có tác động lớn tới nhận thức của cán bộ và nhân dân ba tỉnh về vai trò, giá trị của tài nguyên đất ngập nước trong việc xóa đói, giảm nghèo cho cộng đồng dân cư ven biển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương”.
Đại diện UNESCO tại Việt Nam, bà Vibeke Jensen chia sẻ: “Việc vùng đất ngập nước châu thổ sông Hồng của Việt Nam được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới là điều đáng mừng, nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ. Một trong số đó là phải làm thế nào để người dân sống quanh khu dự trữ sinh quyển có thể vừa khai thác vừa bảo vệ nguồn tài nguyên và môi trường sống”.