Hiệu quả từ sự liên kết, hỗ trợ
Chương trình kích cầu du lịch Việt Nam năm 2013 bao gồm các nội dung chính: đẩy mạnh thu hút khách quốc tế và khách trong nước vào các dịp nghỉ lễ; phát động chiến dịch quảng bá tại chỗ đối với khách quốc tế đến Việt Nam và nâng cao nhận thức của cộng đồng cư dân địa phương; phát động chiến dịch bán hàng giảm giá vào mùa thấp điểm; xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; thúc đẩy xúc tiến quảng bá du lịch. Các nội dung được thực hiện trong năm 2013 nhưng trọng điểm tập trung vào quý III và IV với việc tổ chức triển khai đồng bộ trên cả ba miền cùng sự phối hợp giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Công thương, chính quyền và ngành du lịch - thương mại các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp, hãng vận chuyển lớn. Ðiều này đòi hỏi sự chung tay, đồng lòng của các ban, ngành và tất cả các địa phương trong cả nước.
2013 là năm du lịch quốc gia đồng bằng sông Hồng do TP Hải Phòng đứng ra đăng cai. Chính vì thế, khi chương trình kích cầu du lịch được triển khai, Hải Phòng đã đứng ra hưởng ứng đầu tiên bằng những kế hoạch phù hợp, kịp thời. Sau thành công của Hội chợ Du lịch đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng năm 2013 và Liên hoan ẩm thực Hải Phòng 2013 tại Tuần Văn hóa - Thể thao và Du lịch đầu tháng năm vừa qua, thành phố đã chuẩn bị cho các sự kiện nối tiếp, đáp ứng những nội dung mà chương trình kích cầu du lịch đề ra. Cùng với Hải Phòng, các tỉnh miền bắc như Hà Nội, Quảng Ninh cùng các tỉnh miền trung cũng hưởng ứng tích cực Chương trình kích cầu du lịch. Trong năm 2013, Nghệ An cam kết bảo đảm vệ sinh môi trường tại các điểm tham quan du lịch thông qua việc phát động chiến dịch làm sạch môi trường, bảo đảm an toàn, an ninh trật tự, cứu hộ, chấm dứt tình trạng ăn xin, chèo kéo, đeo bám gây phiền hà cho du khách. Thừa Thiên - Huế cũng thực hiện liên kết với Ðà Nẵng xây dựng các tua du lịch mới, độc đáo, chú trọng các sản phẩm liên kết hai tỉnh nhằm khai thác triệt để tuyến du lịch đường bộ thông qua Hành lang Kinh tế Ðông - Tây.
Một khu vực có vai trò quan trọng của du lịch Việt Nam là đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) đã tổ chức nhiều hoạt động giới thiệu sản phẩm mới trong chương trình kích cầu du lịch của khu vực trong năm 2013. Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Võ Thành Thống cho biết: "Gần đây, năm tỉnh ÐBSCL là: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và Bạc Liêu đã liên kết hợp tác với nhau, xây dựng sản phẩm du lịch trong chương trình giới thiệu điểm đến chung với các sản phẩm du lịch đặc trưng cho từng địa phương. Ðây là một nỗ lực lớn của các địa phương và doanh nghiệp nhằm thu hút khách du lịch đến ÐBSCL, đối phó với thách thức là lượng khách du lịch sụt giảm từ đầu năm đến nay".
Nhóm dịch vụ vận chuyển trong đó có Tổng công ty Hàng không Việt Nam hưởng ứng Chương trình kích cầu du lịch nội địa năm 2013 bằng việc đưa ra mức giá vé máy bay cho các chương trình với mức giảm giá từ 48 đến 56% so với giá phổ thông linh hoạt. Ðiều kiện về quản lý đoàn khách cũng được áp dụng thông thoáng hơn so với quy định hiện hành nhằm hỗ trợ các công ty du lịch (CTDL). Trong khi đó có hơn 50 doanh nghiệp thuộc nhóm nhà hàng, CTDL, khách sạn đã công khai những gói dịch vụ hưởng ứng Chương trình kích cầu du lịch 2013 khu vực ÐBSCL với mức giảm giá từ 5 đến 58% để kích cầu du lịch.
Những giải pháp cụ thể
Theo Phó Vụ trưởng Lữ hành Nguyễn Anh Tuấn: "Du lịch là ngành bán những giấc mơ. Muốn làm được điều đó thì chúng ta phải xây dựng được những giấc mơ đẹp cho khách du lịch. Như vậy đòi hỏi một thái độ rõ ràng của những người làm du lịch để tạo ra hình ảnh Việt Nam - vẻ đẹp bất tận". Phát biểu này minh chứng cho quyết tâm của những nhà quản lý đầu ngành nhằm vực dậy nền du lịch nước nhà trong năm 2013 bằng việc theo dõi và sâu sát từng bước triển khai của Chương trình kích cầu du lịch.
Xuất phát từ tình hình thực tiễn của hoạt động du lịch trong bốn tháng đầu năm 2013, ngành du lịch đang có những biện pháp khích lệ các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ hưởng ứng tích cực và hiệu quả Chương trình kích cầu du lịch trong đó có việc miễn giảm thuế và triển khai hiệu quả kích cầu du lịch tại các địa phương. Giá cả đang là một vấn đề tạo ra sức cạnh tranh quyết liệt của ngành du lịch và thương mại dịch vụ trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế. Việc giá những mặt hàng thiết yếu như xăng, điện cũng như trong khung giá thuế đất tăng làm cho giá dịch vụ du lịch trong nước tăng cao trong khi các nước chung quanh lại có xu thế giảm. Ðiều này đã làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp du lịch Việt Nam kéo theo không kích thích sự phát triển các ngành dịch vụ trong nước. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ giảm 50% thuế giá trị gia tăng và miễn hoặc giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp 2013 cho các doanh nghiệp du lịch và thương mại, dịch vụ tham gia Chương trình kích cầu du lịch Việt Nam năm 2013. Cùng với đề xuất này là triển khai áp dụng thí điểm chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng cho khách du lịch, đồng thời tiếp tục đề xuất chính sách ưu đãi, khích lệ khách tăng cường mua sắm tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, giải pháp kích cầu du lịch tại các địa phương cũng cần được triển khai hiệu quả hơn, nhất là các địa phương trọng điểm. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động bãi bỏ quy định cấm hoặc cấp giấy phép con đối với xe vận chuyển khách du lịch (nếu có), tạo điều kiện cho xe vận chuyển khách du lịch được lưu thông thuận tiện trong và ngoài đô thị vào tất cả các giờ trong ngày. Ðể bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách và trật tự vệ sinh môi trường trước diễn biến phức tạp về tệ nạn xã hội nảy sinh, nhất là tình trạng cướp giật, lừa đảo du khách vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý, có biện pháp kiên quyết xử lý các vấn nạn gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, cảnh quan, gây mất trật tự, an ninh, an toàn cho khách du lịch.
Bằng chính sự đồng tâm chung tay của các cơ quan quản lý du lịch từ trung ương đến địa phương và sự hưởng ứng tích cực từ các doanh nghiệp, Chương trình kích cầu du lịch Việt Nam năm 2013 hứa hẹn sẽ đem lại những hiệu quả tích cực. Nếu như Thái-lan đã thành công với chương trình "Thailand Sorry" (Thái-lan xin lỗi) thu hút du khách bằng việc khuyến mại, giảm giá phòng tới 70% ở các điểm du lịch Phù-kẹt, 50% ở Băng-cốc và các nước trong khu vực như In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a... bỏ ra hàng trăm triệu USD tăng cường quảng bá, xúc tiến trong những tháng cuối năm 2012, những người làm du lịch cũng kỳ vọng, Chương trình kích cầu du lịch Việt Nam 2013 cũng sẽ đạt được thành công, đưa ngành du lịch nước ta có những bước chuyển biến tích cực, vượt qua thời kỳ khó khăn hiện nay.