Một nghệ sĩ biểu diễn và viết kịch nhiều sáng tạo

NDO - Thoạt nhìn bề ngoài, Bằng Thái (trong ảnh) không có dáng dấp gì của một nghệ sĩ. Nét hào hoa thanh lịch ở một người đàn ông vốn gốc gác Hà Nội cũng bị thời gian, năm tháng bào mòn, Bằng Thái giờ đã ra khí chất của người vùng mỏ, gồ ghề, thô rám, ăn to, nói lớn.

Năm 1971, tốt nghiệp lớp diễn viên sân khấu điện ảnh cùng lứa với Tất Bình, Lê Hùng, cả khóa học được điều về Quảng Ninh với tâm nguyện xây dựng cho vùng biển Ðông Bắc một đoàn kịch. Hết thời hạn biệt phái, khi bạn bè đồng môn bịn rịn chia tay Hạ Long để về lại Thủ đô, thì Bằng Thái đã ở lại xứ sở này bằng một tình yêu.

Dạo đó, trẻ trung, học thức, lại đang nổi danh với vai diễn Lý Tự Trọng trong bộ phim Tuổi trẻ Lý Tự Trọng  của đạo diễn Vũ Phạm Từ, Bằng Thái cũng là niềm ao ước của không ít cô gái. Nhưng chàng trai vừa vào tuổi đôi mươi đã phải lòng "đào chèo" Minh Huệ, người mà dạo ấy đã thành danh trên sân khấu chèo, là "của để dành" quý giá của làng nghệ thuật "xứ vàng đen". Minh Huệ cũng ngay lập tức tìm thấy sự đồng cảm hiếm hoi ở chàng trai tràn trề nhiệt huyết, đắm đuối nghệ thuật và ôm ấp khát vọng cống hiến, thể hiện mình.

Bố anh, nghệ sĩ Lê Tốn,  nghe con trai thổ lộ tâm tình, hỏi đúng ba câu: "Cô ấy có xinh không?", "Cô ấy có tài không?" và "Cô ấy có yêu con không?". Khi con trai bẽn lẽn những lời đáp "Có", ông bố khoát tay, hắng giọng: " Vậy thì cưới đi, còn chờ gì nữa".

Gần 40 năm đã qua kể từ thời khắc ấy, cuộc hôn nhân kỳ lạ giữa Bằng Thái và đào chèo tài sắc Minh Huệ vượt qua được những khúc quanh định mệnh nhất, để êm ấm đến tận giờ. Bằng Thái trong đời luôn có sự hào hứng kỳ lạ khi kể về gia đình, kể về vợ, người từng "đóng đinh" tên tuổi bằng vai diễn nữ anh hùng Mạc Thị Bưởi trong vở chèo Sóng Kinh Thày thuở trước, được phong tặng danh hiệu NSƯT ngay từ đợt đầu tiên, năm 1984.

Gần 40 năm, chàng trai 20 tuổi ngày ấy đã là người đàn ông cận kề tuổi về hưu, sắp qua một giai đoạn khác của cuộc đời, và Bằng Thái, ngần ấy thời gian, ngoài gia đình, điều canh cánh nữa mà anh dốc sức là lo toan gây dựng Ðoàn kịch Quảng Ninh. Từ thời điểm "tay không bắt giặc", không có vốn liếng gia sản gì, giờ Ðoàn kịch Quảng Ninh đã trở thành một đơn vị mạnh trong giới kịch nghệ cả nước.

Ngay sau ngày 30-4-1975, Ðoàn kịch Quảng Ninh đã "tiến vào Sài Gòn", những mong giúp người dân miền nam gặp dịp làm quen, tiếp xúc và hiểu thêm phần nào về nghệ thuật đất mỏ. Từ đó, lưu diễn xa nhà hàng tháng trời đã thành thông lệ, một thói quen của Ðoàn kịch Quảng Ninh mà Bằng Thái là nhân tố góp công lớn trong việc gây dựng phong trào.

Ngay thời điểm hiện tại, khi sân khấu đang chịu sự quay lưng ngoảnh mặt của một bộ phận công chúng, Ðoàn kịch Quảng Ninh vẫn tìm được những khán giả riêng của mình và chăm chăm giữ gìn, chi chút cho cái phần hiếm hoi quý giá ấy bằng chính sự nỗ lực của mỗi cá nhân nghệ sĩ. Lên Hà Nội biểu diễn, Ðoàn kịch Quảng Ninh chỉ chọn địa chỉ duy nhất: Nhà hát TP Hà Nội. Bằng Thái, tự đáy lòng mình, chỉ muốn có những cử chỉ đẹp, chứng tỏ tình yêu với sân khấu mà anh đã dồn tâm sức cả đời, cũng như sự trọng thị khán giả, những người đã hồn nhiên góp phần nuôi dưỡng Ðoàn kịch Quảng Ninh. Anh cặm cụi cùng các cộng sự tự đi bán vé, tự tìm đến khán giả của mình. Ðoàn kịch Quảng Ninh đã lập kỷ lục khi vở diễn Người đàn bà uống rượu sáng đèn 27 đêm liên tiếp tại Nhà hát TP Hà Nội, với khán phòng ăm ắp người. Gần mười năm đã qua kể từ ngày vở diễn ra mắt, nhưng vở diễn này vẫn là dấu ấn tươi rói, đầy kiêu hãnh của cả Bằng Thái và anh chị em nghệ sĩ trong đoàn.

Mỗi một lần xuất hiện tại Nhà hát TP Hà Nội là một dịp trau dồi thêm niềm hãnh diện, tự hào, bởi, với nghệ sĩ, nhất là những diễn viên tỉnh lẻ, cả đời đôi khi chỉ ao ước được một lần biểu diễn ở nhà hát tráng lệ lâu đời đó, cho những khán giả Thủ đô vừa tinh, vừa sành và vừa nặng lòng với nghệ thuật thưởng thức. Khởi nghiệp là diễn viên, rồi nặng nợ với chuyện viết lách và đắm đuối cùng công tác quản lý, tổ chức biểu diễn, NSƯT Bằng Thái đã gần như là con chim đầu đàn, người đứng mũi chịu sào ở Ðoàn kịch Quảng Ninh mấy mươi năm qua. Anh đã sưu tập đủ các nhân vật anh vào vai mà mỗi lần nhớ lại, nhiều người, vốn khắt khe ở trong giới còn xuýt xoa thán phục.

Bằng Thái thường mang đúng con người thật của mình lên sân khấu, không điểm trang son phấn cầu kỳ, và vì thế, nhân vật của anh luôn chân thật, giản dị như cuộc sống đời thường. Sau này, để nhường cơ hội cho những người trẻ, anh tình nguyện lui lại phía sau, lo các công việc hậu trường, bếp núc và lao tâm viết kịch bản.

Chừng 20 vở diễn được dàn dựng, đã khiến cho giới sân khấu quen với cái tên: tác giả Bằng Thái. Những gì cần phải gây dựng trong sự nghiệp của một nghệ sĩ công chức, Bằng Thái đã gom góp đủ. Ðiều mà anh day dứt nhất lúc này, là tìm cho ra người kế cận mình ở Ðoàn kịch Quảng Ninh.

Chủ động tìm đến với những người thợ, các chiến sĩ trong lực lượng vũ trang, các em bé tật nguyền kém may mắn là "sứ mạng" của Ðoàn kịch Quảng Ninh, được Bằng Thái vạch ra và tuân thủ tuyệt đối.

Hàng trăm suất diễn từ thiện của Ðoàn kịch Quảng Ninh tại những vùng xa xôi hẻo lánh, những nơi tập trung đông các em bé thiệt thòi là minh chứng giản dị nhất cho điều đó.