Hoà nhạc “Điều còn mãi”: Cơ hội cho nhạc Việt đỉnh cao

NDO - NDĐT – Một danh mục những tác phẩm khí nhạc, hợp xướng và ca khúc của các nhạc sĩ tên tuổi trong lịch sử âm nhạc nước nhà, được dàn dựng công phu, nghiêm túc cùng với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ biểu diễn hàng đầu và Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam sẽ vang lên tại thính phòng Nhà hát Lớn đúng vào ngày 2-9.

Hoà nhạc Vietnamnet “Điều còn mãi” là chương trình âm nhạc đỉnh cao được công chúng yêu nhạc đón đợi, mỗi năm trở lại đúng một ngày.

Hội tụ tinh hoa âm nhạc Việt

Lần thứ ba kể từ năm 2009, chương trình hoà nhạc “Điều còn mãi” trở lại theo thông lệ, sẽ diễn ra đúng vào 2 giờ chiều ngày Quốc khánh 2-9. Tiếp tục theo “tôn chỉ” của ban tổ chức, trong đó phải kể đến vai trò “tổng đạo diễn chương trình”- nhạc sĩ Dương Thụ- chương trình lần lượt giới thiệu những tác phẩm có thể được gọi là “tinh hoa” của nền âm nhạc Việt. Điểm nhấn của chương trình “Điều còn mãi” 2011 sẽ là các tác phẩm khí nhạc gồm có Giao hưởng thơ Lệ Chi Viên (Trần Mạnh Hùng), Hát ru (cho violon và dàn nhạc – Hoàng Dương), Concerto grosso cho violin- piano- bộ gõ và đàn dây (Nguyễn Mạnh Duy Linh), đại hợp xướng “Tổ quốc Việt Nam anh hùng” (trích đoạn của Hoàng Vân), “Trở về đất mẹ” (Nguyễn Văn Thương)...

Tuy nhiên, không quá nặng tính chất hàn lâm, khán giả yêu nhạc ở mọi tầng lớp hẳn sẽ hài lòng bởi một chương trình đầy ắp các tiết mục chọn lọc, không chỉ có giao hưởng, hợp xướng, mà còn có cả những ca khúc quen thuộc, gần gũi nhất của âm nhạc đương đại.

16874.jpg

Chương trình quy tụ nhiều ngôi sao nhạc nhẹ, trình diễn ca khúc cùng Dàn nhạc Giao hưởng. Trong ảnh: Ca sĩ Hồng Nhung trong một tiết mục của "Điều còn mãi" 2010.

Những khán giả tầng lớp trí thức trung niên sẽ được sống lại không khí hào hùng từ những tác phẩm của các nhạc sĩ hàng đầu tân nhạc Việt Nam như Đỗ Nhuận (Việt Nam quê hương tôi), Hoàng Vân (Việt Nam muôn năm), Cao Việt Bách – Đăng Trung (Tiếng hát từ thành phố mang tên Người) hoặc tắm đẫm trong giai điệu trữ tình của âm nhạc tiền chiến từ tác phẩm của Dương Diệu Tước (Ngọc lan) rồi kháng chiến chống Mỹ (Tình em-Huy Du) hay những ca khúc của thời kỳ xây dựng và đổi mới của Phan Huỳnh Điểu (Những ánh sao đêm). Đây cũng là cơ hội hiếm hoi cho các khán giả trẻ tuổi có thể nghe lại những tác phẩm được coi là thành tựu của âm nhạc một thời. Tiếp nối như một dòng chảy không ngừng, sẽ là các ca khúc thời hậu chiến của Hồng Đăng (Hoa sữa), đến những tác phẩm đương đại của Dương Thụ (Hoạ mi hót trong mưa) và Phó Đức Phương (Trên đỉnh Phù Vân).

Trong cấu trúc chương trình, ban tổ chức dành thời lượng cho thử nghiệm đương đại, đó là tiết mục Tổ khúc cho piano đối thoại với chầu văn mang tên “Bóng” của tác giả Tuệ Nguyên, được thể hiện với tài năng pianist Phó An My cùng hai nghệ sĩ hát văn Thanh Hoài và Dương Thanh An. Năm nay, tiết mục chuyển soạn từ dân ca dành cho dàn nhạc giao hưởng cũng sẽ được nhạc sĩ Ngô Hoàng Quân thực hiện với tác phẩm “Bèo dạt mây trôi”.

Tập hợp đầy ắp các tác phẩm kinh điển và chất lượng của nhạc Việt xuyên suốt chiều dài lịch sử, chương trình cũng quy tụ các gương mặt nghệ sĩ biểu diễn hàng đầu của âm nhạc Việt Nam hiện tại. Đây cũng là chương trình âm nhạc đỉnh cao hiếm hoi mà các nghệ sĩ biểu diễn đều là người Việt Nam.

Nhạc trưởng Lê Phi Phi - người gắn bó với chương trình trong suốt ba lần tổ chức, sẽ tiếp tục đảm nhận vai trò chỉ huy Dàn nhạc. Nghệ sĩ violin Bùi Công Duy, nghệ sĩ cello Ngô Hoàng Quân, nghệ sĩ piano Phó An My, “cây violin ẩn dật” Ngô Xuân Huy, các ca sĩ Quang Thọ, Đăng Dương, Trọng Tấn, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Nguyên Thảo… và đặc biệt, là nhạc sĩ trẻ tài năng Trần Mạnh Hùng trong vai trò là người hoà âm, phối khí cho hầu hết các tác phẩm thanh nhạc. Có lẽ đây cũng là cơ hội hiếm hoi khi các ca khúc được trình diễn cùng với dàn nhạc giao hưởng, với sự xuất hiện “đẳng cấp” của Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia.

Tìm lại kho tàng bị bỏ quên

Nhạc sĩ Dương Thụ, một trong những người sáng lập, đồng thời là tổng đạo diễn chương trình cho biết, “Điều còn mãi” mong muốn tạo “thương hiệu” cho chương trình âm nhạc thuần Việt đỉnh cao, trong đó chú trọng “khai thác” di sản âm nhạc của các thế hệ đi trước để lại. Phần lớn, đó là những sáng tác ra đời trong chiến tranh hoặc khi đất nước còn nghèo, điều kiện biểu diễn khó khăn. Đến bây giờ thì kho tàng di sản đó gần như đã bị quên lãng. Rất nhiều tác phẩm khí nhạc, thanh nhạc có giá trị về chất lượng nghệ thuật đã hầu như nằm im trong ngăn kéo, chưa hề được vang lên lần nào.

“Kho tàng âm nhạc Việt Nam thực sự có giá trị, có khai thác để làm chương trình này mười năm nữa cũng không lo cạn vốn. Mỗi năm chương trình có thể bổ sung dàn dựng một tác phẩm, chưa cần đến những cái mới mà bằng chính những cái mà chúng ta đã bỏ quên. Có những bản trường ca, hợp xướng và oratorio cần được dựng lại nghiêm túc vì nó thực sự là rất hay. Chẳng hạn như Tiếng hát biên thuỳ (Tô Hải), Bài thơ gang thép Thái Nguyên (Hoàng Vân)...”.

16875.jpg

Nghệ sĩ vĩ cầm Bùi Công Duy và Dàn nhạc trình diễn "Bài ca chim ưng" năm 2010.

Trong chương trình “Điều còn mãi” của năm 2010, nhiều khán thính giả Hà Nội lần đầu tiên được nghe bản Sonate số 8- chương 2 có tên “Tâm hồn người Hà Nội” viết cho violon của nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ, hay “Bài ca chim ưng” của cố nhạc sĩ Đàm Linh viết cho violon và dàn nhạc... đã không nén nổi xúc động. Được viết từ cách đây nửa thế kỷ, nhưng “Tâm hồn người Hà Nội đầy chất hiện đại và tinh tế, quyến rũ người nghe. Còn Bài ca chim ưng vốn được coi là một trong những tác phẩm kinh điển của khí nhạc Việt Nam, vậy nhưng rất ít khi được dàn dựng. Nghệ sĩ Bùi Công Duy cũng cho rằng, “Bài ca chim ưng” là tác phẩm khí nhạc xuất sắc nhất viết cho violin và dàn nhạc, và nhạc sĩ Đàm Linh cũng là một trong những nhạc sĩ hàng đầu của Việt Nam, nhưng tác phẩm của ông hầu như không có điều kiện để công chúng biết tới. Khi trình diễn tác phẩm này, chính anh cũng xúc động.

Năm nay, chương trình sẽ đưa những tác phẩm khí nhạc của Nguyễn Văn Thương, Hoàng Dương trở lại với khán phòng Nhà hát Lớn. Đỉnh cao của phần thanh nhạc là Hợp xướng “Việt Nam Tổ quốc anh hùng” do nhóm tác giả năm người gồm Hoàng Vân, Phạm Tuyên, Hồ Bắc, Mộng Lân, Lưu Cầu sáng tác nhân 20 năm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẽ được giới thiệu với công chúng qua trích đoạn (chương của nhạc sĩ Hoàng Vân).

Nhạc sĩ Dương Thụ cho biết, hiện tại, những tác phẩm khí nhạc phần lớn đều được biểu diễn trích đoạn. ‘Vài năm nữa, khi lớp công chúng nhạc hàn lâm Việt Nam hình thành, họ có khả năng nghe được dài hơn, thì sẽ dàn dựng trọn vẹn các tác phẩm khí nhạc của các bậc tiền bối”.

Mỗi năm chỉ một buổi duy nhất vào chiều ngày Quốc khánh, chương trình hoà nhạc “Điều còn mãi” do báo Vietnamnet phối hợp VTV tổ chức, là cơ hội hiếm hoi để thưởng thức một chương trình âm nhạc thuần Việt đỉnh cao.