Một chặng đường ca khúc thiếu nhi

Với tình yêu trẻ thơ sâu sắc hầu hết nhạc sĩ sáng tác chuyên nghiệp ít nhiều đều có bài hát cho thiếu nhi: Nguyễn Xuân Khoát (Lúa thu, Bài ca chữ S, Ông giẳng ông giăng), Văn Chung (Lượn tròn lượn khéo, Tiếng hát chăn trâu, Sân trường em), Phạm Tuyên (Tiến lên Ðoàn viên, Chiếc đèn ông sao), Huy Du (Rủ nhau đi học), Hoàng Vân (Mùa hoa phượng nở, Em yêu trường em, Ca ngợi Tổ quốc), Phan Huỳnh Ðiểu (Nhớ ơn Bác, Ðội kèn tí hon), Nguyễn Ðình Tấn (Chim hót đầu xuân), Hoàng Nguyễn (Miền Nam của em), Xuân Giao (Anh phi công ơi, Em mơ gặp Bác Hồ), Tân Huyền (Chị ong nâu và em bé), Nguyễn Ðức Toàn (Chú mèo con), Vân Ðông (Ánh bình minh), Hồ Bắc (Ánh trăng hòa bình), Văn Ký với Bên bờ biển xanh...

Hơn nửa thế kỷ qua đã hình thành một đội ngũ nhạc sĩ chuyên nghiệp chuyên viết về đề tài thiếu nhi tiêu biểu là: Phong Nhã, Mộng Lân, Hoàng Long - Hoàng Lân, Hàn Ngọc Bích, Bùi Ðình Thảo, Lê Bùi, Tu Mi, Trần Viết Bính, Bành Mẫn, Nguyễn Chính, Nguyễn Thông, Hà Giang, Hoàng Giai, Hùng Lân, Lê Cao Phan, Lương Phương, Phạm Trọng Cầu, Ngọc Lễ...  Thể loại bài hát thiếu nhi mở rộng hơn với những tổ khúc, hợp xướng...

Ta có thể điểm một số chân dung nhạc sĩ thành công trong sáng tác ca khúc thiếu nhi. Mộng Lân là nhạc sĩ có nhiều ca khúc thiếu nhi với Quê em bừng sáng, Em là mầm non của Ðảng, Tuổi thơ đất nước anh hùng, Em đang sống những ngày vẻ vang, Nguyễn Bá Ngọc người thiếu niên dũng cảm... Âm nhạc của ông trong sáng, giản dị, hồn nhiên phù hợp với suy nghĩ của tuổi thơ và được lưu truyền qua nhiều thế hệ trẻ thơ.

Phạm Tuyên là nhạc sĩ nổi tiếng và đã dành tâm huyết cho trẻ thơ qua nhiều ca khúc tươi sáng, đằm thắm, dễ hát, dễ thuộc nhưng có ý nghĩa giáo dục bằng âm thanh rất đỗi tinh tế với Tiến lên Ðoàn viên, Chiếc đèn ông sao, Ai yêu các nhi đông bằng Bác Hồ Chí Minh, Trường cháu là trường mầm non, Cô và mẹ, Ðêm pháo hoa, Hành khúc Ðội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Hát mừng Tổ quốc, Hát dưới trời Hà Nội, Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội...

Hàn Ngọc Bích là tác giả chuyên viết bài hát thiếu nhi với Cây bàng trước ngõ, Tre ngà trong lăng Bác, Tiếng chim  trong vườn Bác, Tháng ba học trò, Ôi khúc hát mùa thu, Rửa mặt như mèo, Xinh xinh hạt nắng, Em bay lên trong đêm pháo hoa, Em đố mẹ em (viết cùng Văn Dung), Ðưa cơm cho mẹ đi cày... Trong sáng tác cho thiếu nhi, ông là một cây bút khỏe, viết nhiều và đọng lại nhiều. Âm nhạc của ông hồn nhiên và hóa thân vào cách suy nghĩ của trẻ thơ nên lời ca giàu hình tượng, hóm hỉnh, dễ đi vào tâm trí trẻ.

Bùi Ðình Thảo là một nhạc sĩ chuyên nghiệp nhưng thành tựu nổi bật lại là sáng tác ca khúc cho thiếu nhi với hàng trăm bài hát, tiêu biểu là: Bà thương em, Có Bác Hồ chúng cháu được ngày nay, Bàn tay mẹ, Tiếng hát quê ta, Em đi giữa biển vàng (thơ Trần Ðăng Khoa), Chúng em làm chị Tấm, Xôn xao Cúc Phương, Sách bút thân ơi, Hỏi Cuội, Ði học (thơ Minh Chính)... Âm nhạc của ông có mầu sắc dân gian rõ nét, mềm mại, nhiều luyến láy nhưng nhẹ nhàng, dễ hát, dễ nhớ, lời ca đẹp, trữ tình, khắc họa những hình ảnh thiên nhiên đất nước, quê hương, gắn với tình cảm hồn nhiên của thiếu nhi.

Nhạc sĩ Phong Nhã, ngoài những sáng tác cho thiếu nhi trong giai đoạn kháng chiến, ông viết nhiều ca khúc được thiếu nhi yêu thích: Chi đội em làm kế hoạch nhỏ, Hành khúc Ðồi, Ðội ta lớn lên cùng đất nước, Bài ca người phụ trách, Làng em xanh tươi, Bác sống đời đời, Bài ca sum họp. Ðặc biệt Ði ta đi lên đã trở thành bài hát chính thức của Ðội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh với cấu trúc gọn ghẽ, cô đọng, chân phương, phù hợp với những sinh hoạt tập thể hoặc khi diễu hành của Ðội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.

Cùng với nhiều nhạc sĩ chuyên viết ca khúc thiếu nhi ta còn thấy sự tham gia của nhiều nhạc sĩ nổi tiếng khác cũng sáng tác về đề tài này; đó là Văn Chung, trong giai đoạn chống Pháp có Ðếm sao, Lỳ và Sáo và Lượn tròn lượn khéo. Hoàng Vân - nhạc sĩ danh tiếng từ thời kháng chiến chống Pháp cũng đã dành sức lực sáng tác âm nhạc cho trẻ thơ như: Tuổi lên mười, Hát dưới cờ búa liềm, Mùa hoa phượng nở, Em yêu trường em, Ca ngợi Tổ quốc, Ngôi sao tuổi thơ...

Nhạc sĩ Trần Viết Bính một trong những người xây dựng Ðội ca "Vàng Anh" với bài hát Hạt gạo làng ta (thơ Trần Ðăng Khoa) được phổ biến rộng rãi trong lứa tuổi thiếu nhi cả nước. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Ðiểu cũng góp phần với một số bài hát đi vào lòng thiếu nhi, nổi bật là Ðội kèn tí hon có âm điệu vui tươi, hoạt bát, theo phong cách hành khúc, rất phù hợp để sử dụng trong diễu hành của trẻ em những ngày lễ hội. Xuân Giao cũng là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng và ông cũng có hàng trăm ca khúc cho thiếu nhi, trong đó có Hát về đảo xa, Hát với ông trăng tròn, Ðoàn quân Quang Trung, v.v. nhưng nổi bật nhất và được phổ biến rộng rãi nhất là Em mơ gặp Bác Hồ. Tuy viết không nhiều nhưng tên tuổi của Hoàng Nguyễn gần gũi với tuổi thơ với chùm ca khúc: Phong lan và ong vàng, Cây bàng ông em trồng, Vàng ảnh vàng anh, Con cá rô phi, Xe chú vô đúng ngày tựu trường, và nhất là ca khúc Miền Nam của em. Phạm Ðức Lộc có Trường em, Gấu con rung trống... nổi tiếng nhất là Bé bé bằng bông - một ca khúc cho lứa tuổi mẫu giáo được biết đến rộng rãi trong những năm chống Mỹ cứu nước.

"Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai". Chính vì thế mà những người đi trước luôn mong ước truyền nối cho thế hệ sau trí tuệ, tình cảm. Chúng ta cảm ơn lớp lớp nhạc sĩ hơn nửa thế kỷ qua đã để lại hàng nghìn ca khúc cho nhiều thế hệ trẻ thơ của Việt Nam.