Ðôi mắt người nghệ sĩ

Với chiếc máy chụp hình nhỏ và chiếc máy quay 16 ly, ông đã lặn lội vào Sài Gòn, chụp hình thuê cho các tiệm ảnh và quay phim thuê. Nhờ cộng tác nhiều nơi, quen biết rộng, ông nhận được nhiều hợp đồng quay phim, phóng sự, tài liệu cho các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài nước như CBS, ABC (Mỹ), NHK (Nhật Bản). Năm 1957, ông là người được chọn để quay phim ghi lại cuộc lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Trung tâm Ðiện ảnh Quốc gia Sài Gòn, tọa lạc ở số 15 Thi Sách, quận 1, nay là Xưởng in tráng của Hãng phim Giải phóng.

Mặc dù đã thực hiện bốn phim truyện nhựa, trong đó có những phim do nước ngoài đạo diễn, song trong hơn hai mươi năm sống và làm việc tại Sài Gòn trước 1975, Lê Ðình Ấn được biết đến như một trong những nhà quay phim phóng sự, tài liệu tài ba. Sau 1975, ông là một trong những nghệ sĩ tham gia làm việc cho điện ảnh cách mạng sớm nhất. Năm 1976, ông đã nhận lời mời của đạo diễn Khương Mễ, thực hiện bộ phim truyện Cô Nhíp, bộ phim gây tiếng vang ngay khi nó vừa mới ra đời nhờ tính chân thực, pha trộn giữa hai thể loại phim truyện và tài liệu bởi người đóng nhân vật cô Nhíp là Nguyễn Trung Kiên vốn là một cô du kích tự vệ Sài Gòn. Bộ phim còn gây ấn tượng bởi những hình ảnh đen trắng sắc nét, chuyển tải được không khí nô nức, phấn khởi của nhân dân Sài Gòn trong những ngày mới giải phóng. Lê Ðình Ấn đã gửi niềm vui của riêng mình vào trong từng nụ cười rạng rỡ, từng chuyển động háo hức của rừng cờ vẫy chào đoàn quân thắng trận. Và liền sau đó là bộ phim Trận tuyến trên sông của đạo diễn Lê Hoàng Hoa nói về chiến công của các chiến sĩ giải phóng ở mặt trận đường thủy. Ở phim này, ống kính của Lê Ðình Ấn lại cho thấy tính chất trữ tình khi ông thể hiện cảnh nhân vật chính lướt thuyền trên sông trong một tâm trạng vừa lo lắng, vừa phấn chấn. Chiếc mũi thuyền rẽ sóng trong chiều hoàng hôn cho người xem một cảm giác thiết tha hiếm có.

Sau hai bộ phim gây ấn tượng ngay trong những năm tháng mới mẻ của Sài Gòn, Lê Ðình Ấn đi làm phó quay phim cho các phim Lê Thị Hồng Gấm (đạo diễn Huy Thành), Cư xá màu xanh (đạo diễn Huy Thành), Ngọn lửa Krông Jung (đạo diễn Lê Hoàng Hoa). Ðạo diễn Huy Thành là người đã đưa Lê Ðình Ấn về đúng vị trí của mình khi ông tin tưởng giao phần hình ảnh của phim Về nơi gió cát cho  Lê Ðình Ấn. Nói tin tưởng bởi đây là bộ phim được thực hiện bằng phim mầu Orwo đầu tiên của Xí nghiệp phim Tổng hợp, lúc ấy, cũng có nghĩa là của các tỉnh phía nam. Lê Ðình Ấn đã không phụ lòng tin tưởng ấy, ngược lại, ông đã góp phần đem lại cho phim Về nơi gió cát  một giải Bông sen vàng trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ VI năm 1983 và đem về cho riêng ông giải nhất quay phim xuất sắc. Sau thành công rực rỡ này, đạo diễn Huy Thành đã mời Lê Ðình Ấn cộng tác trong nhiều phim liên tiếp của ông như: Xa và gần, Cho đến bao giờ, Lối rẽ trái trên đường mòn, Ðất lạ, Về đời. Bên cạnh sự cộng tác ăn ý với một đạo diễn tiên tuổi như Huy Thành, nhà quay phim Lê Ðình Ấn còn được các đạo diễn trẻ làm phim đầu tay mời cộng tác như một chỗ dựa vững chắc. Ðó là các đạo diễn: Thụy Vân với phim Cơn lốc đen, Hồ Nhân với Chân dung màu đỏ, Lê Hữu Lương với Có một tình yêu như thế, Vũ Xuân Hưng với Con thuyền bị đánh đắm, Nguyễn Chánh Tín với Bản tình ca cuối cùng, Nguyễn Vinh Sơn với Tuổi thơ dữ dội. Riêng với Tuổi thơ dữ dội, Lê Ðình Ấn qua ống kính máy quay, đã góp phần đem về cho phim một Bông sen vàng ở thể loại phim thiếu nhi, và lần nữa, cho riêng ông giải nhất quay phim xuất sắc trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ IX tại Nha Trang năm 1990. Khi thực hiện hai bộ phim Trang giấy trắng và Bụi hồng, đạo diễn Việt kiều Hồ Quang Minh cũng chọn Lê Ðình ấn để gửi gấm ý tưởng và ông cũng đã đáp lại một cách xứng đáng với sự tin cậy này khi đem về cho Bụi hồng một giải nhất kỹ thuật trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ X tại Hải Phòng năm 1993, bên cạnh một Bông sen bạc cho phim và khi Trang giấy trắng được đưa đi dự các Liên hoan phim quốc tế ở Ca-na-đa, Mỹ, I-ta-li-a,... phần hình ảnh của Lê Ðình Ấn cũng đã nhận được nhiều lời khen ngợi như "về kỹ thuật, bộ phim thật hoàn hảo, với những cú máy đẹp và chất lượng cao trong in tráng..." (Tuần báo Variety).

Nghệ sĩ Ưu tú Lê Ðình Ấn là một người sống rất tình cảm, khiêm tốn, nhã nhặn song khi làm việc lại rất quyết đoán, thẳng thắn và nghiêm túc. Nhận một kịch bản, bao giờ ông cũng đọc đi đọc lại nhiều lần, vẽ ra trong đầu những cảnh quay. Ra hiện trường bao giờ cũng đúng giờ, đúng nơi và thực hiện thật chuẩn những điều đã bàn thống nhất với đạo diễn. Ở phim chất liệu nhựa, đạo diễn không thể kiểm tra máy khi quay, nhưng Lê Ðình Ấn không vì thế mà đi quá giới hạn cho phép, đồng thời, ông cũng không cho phép đạo diễn tùy tiện. Một khuôn hình, về ý tưởng là sáng tạo của đạo diễn, song về hình ảnh cụ thể là "con mắt" của người quay phim.

Từ ngày về hưu, ông vẫn được các đài truyền hình, các đoàn phim mời để làm cố vấn về nghệ thuật quay phim, thỉnh giảng tại trường Cao đẳng Sân khấu điện ảnh TP Hồ Chí Minh. Là một người hiểu biết rộng, giỏi cả hai ngoại ngữ Pháp, Anh, ông đã  đóng góp nhiều ý kiến xác đáng cho các đạo diễn và các nhà làm phim.

Cát Vũ