Quê hương và sáng tác của nhà văn

ND- Có một nhà văn nói: "Con người chỉ có một quê hương, nhưng là nhà văn thì phải có hai quê hương, một là nơi chôn nhau cắt rốn, hai là nơi mà mình gắn bó lấy đó làm quê hương của mình trong sáng tác".

Lại có một nhà văn nói: "Quê hương là nơi mình sinh ra và đó cũng là quê hương sáng tác của mình". Tôi thấy cả hai đều đúng, nhưng với tôi, tôi chọn lời khuyên thứ hai, quê hương nơi sinh ra và cũng là quê hương sáng tác của mình.

Thời niên thiếu theo Vệ quốc đoàn, tôi có dịp từ sông Tiền qua sông Hậu, đi theo các con rạch, con kinh và leo lên núi - là một vùng quê nhiều mầu sắc và con người rất là phong phú. Nếu ta luẩn quẩn trong một vùng sẽ không thấy hết cái vẻ của quê mình, dù rất đẹp đó nhưng rất có thể nhàm chán, cảm xúc có thể bị chai. Muốn thấy quê hương rõ hơn thì đi xa, nhìn lại, ta có thể so sánh những nơi đó với quê  hương có gì khác nhau, từ đó ta phát hiện ra những nét độc đáo của quê nhà. Tập kết ra Bắc, ở Hà Nội, ngày đêm đều nhớ nhà. Nhớ tháng bảy nước nhảy lên bờ, nhớ mùa nước nổi, nhớ con cá linh cùng với bao nhiêu tôm cá, nhớ những dòng kênh cá ăn móng như cơm sôi. Nhớ bông điên điển, nhớ mùa gió chướng, ngọn gió không chỉ thổi khô mặt đất sau mùa nước nổi, ngọn gió thổi lật từng lá cây, ngọn gió thổi qua tâm hồn ta... gợi nhớ không biết bao nhiêu kỷ niệm. Nhớ người cùng làng, nhớ cả quần áo của họ, người mặc áo mầu da, người mặc áo quần mầu trắng, người mặc áo chùng đen, người mặc mầu vàng. Ðó là sắc phục của các tôn giáo, thể hiện đời sống tâm linh rất phong phú. Nhớ cả kinh kệ của mỗi tôn giáo khác nhau, nhớ tên tuổi những nhân vật nổi tiếng của mỗi tôn giáo với các xu hướng tinh thần khác nhau và ảnh hưởng của họ trong quần chúng.

Nhớ những ngôi nhà sàn. Rồi nhớ câu ca dao là lời ru của mẹ thật đặc sắc An Giang: "Ðèo nào cao bằng đèo Châu Ðốc - Dốc nào đứng bằng dốc Nhà Bàng", hoặc "Trước mặt ba sông rồng giỡn sóng - Sau lưng bảy núi phụng chào mây".

Có những câu chuyện, nhân vật không sinh ra trên đất An Giang, nhưng tôi đã đưa những nhân vật ấy về cho họ tắm sông, cho họ ăn mắm, cho họ đi dưới bóng xoài trổ bông, những nhân vật ấy khi đã trở thành người làng thì tôi mới viết. Họ là nhân vật của truyện, nhưng trong tâm hồn của họ vẫn có gì đó của tôi. Truyện của tôi không nói đích xác ở làng nào, huyện nào, nhưng đó đây đều phảng phất hương sắc của quê nhà. Cũng có chuyện tôi viết không xảy ra ở quê hương nhưng đều xuất phát từ tâm hồn người dân An Giang.

Có ba bộ phim về con người và sông nước An Giang, tôi đưa đoàn làm phim về quê, đạo diễn thấy như họ đã chọn cảnh rồi, như Cánh đồng hoang, Mùa gió chướng - đạo diễn Hồng Sến, hay Giữa dòng - đạo diễn Trần Mỹ Hà.

Nhân đây tôi muốn giới thiệu với bạn đọc quyển sách Như cánh chuồn chuồn, một tập truyện và ký viết trong nỗi nhớ của Lưu Nhơn Nghĩa. Lưu Nhơn Nghĩa là người Việt gốc Hoa sinh ra ở Châu Ðốc, thời niên thiếu học ở Trường Thủ Khoa Nghĩa... Trước năm 1975 đi tu nghiệp ở nước ngoài, ông sống ở Ðức và  Ô-xtrây-li-a. Nhiều năm xa quê, ông viết trong nỗi nhớ da diết. Có một bạn đọc nói với tôi, sau khi đọc Như cánh chuồn chuồn của Lưu Nhơn Nghĩa, anh sẽ đi An Giang, về Châu Ðốc, anh đi theo bước chân của Lưu Nhơn Nghĩa qua những bài viết trong Như cánh chuồn chuồn - Có một tác phẩm được bạn đọc yêu quê mình đến như vậy là điều rất hiếm...

Với tôi, công việc viết văn là công việc vất vả nặng nhọc như người đang leo núi, nhưng thật hạnh phúc khi viết về quê hương mình.

 Nhà văn NGUYỄN QUANG SÁNG