Thành phố bên sông Hàn

Gần 400 năm đã trôi qua, thành phố bên dòng sông Hàn đang từng ngày đổi thay trước sự đồng lòng, hợp sức của người dân và chính quyền nơi đây. Một Ðà Nẵng anh hùng trong quá khứ đã vượt qua những khó khăn, thách thức của nền kinh tế thị trường, với việc đưa ra hàng loạt chính sách nhằm từng bước ổn định kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái, khẳng định thương hiệu của mình không chỉ trong nước mà trở thành sự chú ý đặc biệt của các nhà đầu tư nước ngoài khi đến Việt Nam. Những công trình giao thông, hệ thống nhà máy hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng cao... là những yếu tố thuận lợi để phát huy thế mạnh của mình trước sự cạnh tranh mạnh mẽ với các địa phương khác. 10 năm là một chặng đường không dài trong việc khẳng định sự đi lên của một đô thị, kết quả mà Ðảng bộ và nhân dân Ðà Nẵng đã đạt được trong những năm qua cùng với những kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới sẽ là tiền đề vững chắc để trung tâm kinh tế lớn nhất miền trung vươn mình ra khu vực và thế giới.

Theo cảm nhận của riêng tôi, Ðà Nẵng hội tụ nhiều yếu tố văn hóa độc đáo gắn liền với đời sống tinh thần của cộng đồng dân cư. Người Ðà Nẵng tự hào bởi mảnh đất quê hương còn lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc mang nét đặc trưng của một vùng đất được xem là "địa linh nhân kiệt". Nét văn hóa độc đáo đó được thể hiện trong các lễ hội truyền thống, các di tích lịch sử, các làng nghề đã có hàng trăm năm tuổi... Ẩn sau  lưng một đô thị đang từng ngày phát triển là những làng quê, làng nghề truyền thống cùng những mái đình cổ kính ở những ngôi làng cổ trải qua bao thăng trầm của lịch sử, thiên tai mà vẫn còn nguyên một thế giới tâm linh thần bí, linh thiêng đã và đang góp phần tạo nên vẻ đẹp văn hóa cho thành phố xinh đẹp này. Thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau, đời này nối tiếp đời kia, người dân Ðà Nẵng vẫn giữ nét đôn hậu, giản dị của làng quê, làng nghề truyền thống không chỉ vì miếng cơm manh áo hằng ngày mà quan trọng hơn bởi nơi đây lưu giữ tâm hồn, tính cách của cha ông gửi lại cho muôn đời con cháu noi theo.

Nhắc đến Ðà Nẵng trong những ngày tháng ba lịch sử, có lẽ rất nhiều du khách và chính người dân đất Quảng không thể không nhớ tới những chùm pháo hoa đầy sắc mầu rực rỡ với hình tượng cát trắng, biển xanh trong lễ khai hội pháo hoa quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam năm 2008. Với tên gọi "Vũ điệu Tiên Sa", những màn pháo hoa huyền ảo của các đội tham gia không còn mang tính chất một cuộc thi mà đã trở thành nơi giao lưu văn hóa tạo cho "nàng tiên cá" vẻ đẹp lung linh của đất trời và lòng người. Một đêm lễ hội hoành tráng của sắc mầu ánh sáng bên dòng sông Hàn thơ mộng. Ðến hẹn lại lên, "Âm vang sông Hàn" diễn ra vào tháng ba năm nay với sự tham gia của năm quốc gia (Tây Ban Nha, Ô-xtrây-li-a, Trung Quốc, Phi-li-pin, Việt Nam) một lần nữa, Ðà Nẵng lại có cơ hội quảng bá hình ảnh của thành phố núi cao biển rộng sông dài với bạn bè bốn phương. Dòng sông Hàn lại trở thành giải Ngân Hà lung linh, uốn mình trong lòng thành phố và trở thành cảm hứng bất tận cho tất cả những ai yêu mến mảnh đất nơi đây.

Cũng như nhiều đô thị khác trên thế giới và Việt Nam, cuộc sống người dân nơi đây đâu đó vẫn còn những khó khăn, nạn ô nhiễm môi trường... Nhưng với truyền thống lịch sử hào hùng của quá khứ, một thành phố không chỉ hai lần đi đầu kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc, mà còn là sức mạnh của tinh thần đoàn kết giữa chính quyền và người dân, cùng những thời cơ của thời đại để Ðà Nẵng vươn mình lên tầm cao mới như những bông pháo hoa nghìn sắc mầu trên bầu trời, lan tỏa ra đại dương bao la...