Tháng 12 năm 1972, tôi được gọi về sư đoàn nhận nhiệm vụ đánh một trận kết thúc năm cũ và chào mừng năm mới (1973) theo cách gọi của lính "B5" lúc bấy giờ. xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị lúc nào không rõ.
Bước vào Sở chỉ huy sư đoàn, trước mặt là tấm bản đồ tác chiến đã được trải rộng, đồng chí Lê Văn Dương, Phó Chính ủy sư đoàn, hỏi thăm sức khỏe của tôi và tình hình đơn vị. Còn đồng chí Phạm Minh Tâm, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng sư đoàn, nâng bút chì đỏ, chỉ cho tôi biết nơi cần phải đến: đồi Chè (tên địa phương), đồi 12,7 (trận địa 12,7 của đơn vị bạn bị địch đánh chiếm). Ðây là những quả đồi trọc thoai thoải đã bị bom B52 phát quang trước khi tái chiến thành cổ Quảng Trị; mỗi nơi có một đại đội lính dù, lực lượng tổng dự bị của quân ngụy Sài Gòn đang chiếm giữ. Nhiệm vụ của tiểu đoàn 5 là cùng phối hợp với dân quân du kích và bộ đội đặc công của sư đoàn đánh chiếm lại đồi 12,7 trong đêm 31-12-1972, đến 0 giờ ngày 1-1-1973 phải kết thúc.
Ðã qua "Mùa hè đỏ lửa" 1972 trên thành cổ Quảng Trị, tôi mạnh dạn hỏi: Việc bảo đảm vượt sông Thạch Hãn vào ban ngày có được tăng cường phương tiện và chi viện hỏa lực không...? Ðồng chí Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng trầm tư trả lời: Vượt sông trước 18 giờ do đơn vị tổ chức, có sự chi viện hỏa lực của trung đoàn và sư đoàn nhưng thời gian không dài nên phải vượt nhanh, triển khai đội hình chiến đấu đúng thời gian và đánh thắng... Ðã trải qua chiến đấu từ chiến sĩ, đến cán bộ tiểu đoàn, tôi hiểu người chỉ huy ra lệnh bao giờ cũng gọn. Ðó chính là niềm tin của cấp trên và cũng là quyết tâm của người lính.
Ðúng 17 giờ 30 phút ngày 31-12-1972 vượt sông Thạch Hãn bằng bao ni-lông và bè chuối dưới sự chi viện hỏa lực của cấp trên, sau gần 40 phút chúng tôi đã bám bờ đối diện và triển khai đội hình tiến công đúng ý định: Ðại đội 6 kìm chế và thu hút địch ở đồi Chè; Ðại đội 5 và đại đội Ðặc công sư đoàn tiến công hướng chủ yếu từ đông bắc; Ðại đội 6 (thiếu một trung đội) làm lực lượng dự bị của tiểu đoàn tiến công hướng thứ yếu từ tây bắc. 18 giờ 20 phút, hỏa lực chuyển bắn vào sở chỉ huy tiểu đoàn địch ở ngã ba Phước Môn; các hướng đồng loạt xung phong, khoảng 15 phút thì đại đội đặc công đang thọc sâu bị địch dùng lựu đạn và đại liên M60 ngăn chặn. Tôi lập tức rời vị trí chỉ huy tiểu đoàn lên trực tiếp ra lệnh cho Ðại đội 5 do đồng chí Hạt - đại đội phó (nay là chỉ huy trưởng thành phố Hải Phòng) chỉ huy, dùng hỏa lực và xung kích chi viện, cùng đại đội đặc công đánh chiếm vị trí chỉ huy đại đội địch ở đồi 12,7... đến 21 giờ cùng ngày chúng tôi làm chủ trận địa, đánh thiệt hại nặng đại đội dù, thu chiến lợi phẩm, giải quyết chiến trường và được lệnh rời khỏi trận địa về chốt giữ Tích Tường, Như Lệ - bờ nam sông Thạch Hãn cho đến 0 giờ ngày 1-1-1973 thì tiếng súng khu chiến tạm ngưng theo Nhật lệnh của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam, trong dịp tết dương lịch và cổ truyền của dân tộc, lực lượng vũ trang hai bên phải nghiêm chỉnh chấp hành để giữ yên bình cho đồng bào hai miền nam - bắc vui xuân.
Trận đánh đêm 31-12-1972 rạng ngày 1-1-1973 là một kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời làm chỉ huy của tôi; không những có ý nghĩa đập tan âm mưu phá hoại hiệp định Paris lấn chiếm vùng giải phóng của kẻ thù, mà còn một vinh dự lớn đối với tôi là được đơn vị tin yêu, cấp trên công nhận Chiến sĩ thi đua năm 1972 và sau một năm chiến đấu đầy thử thách lập tiếp những chiến công trong chống lấn chiếm, giữ vững mục tiêu và địa bàn đảm nhiệm. Tháng 12-1973 Tiểu đoàn 5 (Trung đoàn 95, Sư đoàn 325 mặt trận Trị Thiên) của chúng tôi được Ðảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Bây giờ cứ mỗi bận xuân về, ký ức của năm tháng chiến trường lại thôi thúc tôi nhớ về đồng đội, về những trận đánh.
Một thời chiến tranh đã đi qua đang nhắc nhở và mãi theo chúng ta trong suốt cuộc đời binh nghiệp để nhớ và làm tiếp những phần việc còn lại của bao đồng bào, đồng chí đã vĩnh viễn ra đi để cho đất nước hưởng trọn những mùa Xuân độc lập - tự do.