Những thước phim tài liệu quý giá về Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

Ðầu tháng 4-1975, cả nước hồi hộp theo dõi tin tức chiến sự từ miền nam. Xưởng phim truyện Việt Nam được lệnh động viên tất cả đội ngũ làm phim tổ chức thành bốn đoàn lên đường phục vụ Chiến dịch Hồ Chí Minh. Năm ấy cả nước có tới 40 đoàn làm phim vào miền nam để ghi lại những tư liệu lịch sử. Trong bốn đoàn của Hãng phim truyện chỉ có đoàn của đạo diễn Hải Ninh là có một máy quay màn ảnh rộng và được quay phim mầu còn tất cả đều quay phim đen trắng. Các đoàn phim lên đường cũng được coi là "đi B" nhưng không phải khoác ba-lô leo dốc mà ra trận trên bốn chiếc xe com-măng-ca chạy thẳng theo quốc lộ 1.

Cục Ðiện ảnh phân công: Ðoàn của đạo diễn Hải Ninh và đạo diễn Bùi Ðình Hạc vào gặp Trung ương cục miền nam, rồi đi cùng các mũi chủ công của quân ta vào giải phóng Sài Gòn. Ðoàn của đạo diễn Trần Vũ quay ở Buôn Ma Thuột, còn đoàn của đạo diễn Ðặng Nhật Minh quay ở khu V. Các đoàn vào tới Nha Trang thì chia tay nhau.

Trưa 30-4,  giờ phút lịch sử đã đến, các đoàn quay phim  hối hả tiến vào Sài Gòn. 6 giờ tối 30-4 các đoàn phim có mặt ở Dinh Ðộc Lập.

Ðoàn quay phim của đạo diễn Trần Vũ ở Buôn Ma Thuột nghe tin  Sài Gòn giải phóng khi họ đang ở Nha Trang. Dọc đường các nhà làm phim đã ghi được hình ảnh quân địch tháo chạy,  quần áo, vũ khí vứt  lại. Xác xe tăng, máy bay, xe vận tải của địch đang còn  bốc cháy... Ðến Sài Gòn vào đêm 1-5 tuy chậm nửa ngày so với thời điểm quân ta đánh chiếm Dinh Ðộc Lập nhưng đoàn cũng kịp có mặt trong cuộc họp báo quốc tế: Công bố trước  toàn thế giới chính quyền Sài Gòn đã đầu hàng vô điều kiện.

Ðoàn quay phim của đạo diễn Hải Ninh nhận nhiệm vụ vào Dinh Ðộc Lập để ghi lại những hình ảnh lịch sử. Vào đến cửa ngõ tây-nam các anh mới bắt đầu bấm máy. Ði sau xe tăng không quay được vì bị rung máy, các anh quyết định chạy lên trước, quay toàn cảnh.

Dương Văn Minh và nội các đang ở trên lầu của Dinh Ðộc Lập. Nhà quay phim Khánh Dư vội chạy lên lầu hai. Lúc này Dương Văn Minh đi đi lại lại ở hành lang vẻ mặt đầy lo lắng. Thấy có người  quay phim, Dương Văn Minh lúng túng và cố ý tránh mặt. Hình ảnh ấy đã được ghi lại.

Sau khi quay cảnh  cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn đầu hàng, đoàn làm phim khẩn trương chuẩn bị quay cảnh ngày lễ mừng chiến thắng. Ðạo diễn Hải Ninh  chọn ý tưởng Sài Gòn qua những khoảnh khắc  tranh tối tranh sáng gợi lên sự liên tưởng về những điều phức tạp trong những ngày đầu giải phóng. Sau cuộc hành trình đầy vất vả, đoàn của đạo diễn Hải Ninh đã hoàn thành bộ phim mang tên Thành phố lúc rạng đông dài 30 phút. Tại LHP quốc tế  Lai-xích, bộ phim này đã được trao giải thưởng Bồ câu vàng. Và tại LHP quốc gia phim cũng được giải Bông sen vàng.

Ðoàn phim của đạo diễn Bùi Ðình Hạc chứng kiến những người dân cầm cờ náo nức đổ xuống đường đón đoàn quân giải phóng. Niềm vui đoàn tụ đang đến với từng gia đình, với từng con người. Bộ phim của đạo diễn Bùi Ðình Hạc có tên Sài Gòn, tháng năm năm 1975. Ông thổ lộ: "Tôi muốn thể hiện hình ảnh của những con người rất đỗi bình thường đã làm nên lịch sử". Bộ phim dài sáu cuốn. Người xem được gặp Ðại đội trưởng Bùi Quang Thận - người đã cắm lá cờ chiến thắng lên nóc Dinh Ðộc Lập lúc 11 giờ 30 phút  ngày 30-4-1975; Trung tá Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn xe tăng - thiết giáp 203, người đã cùng đồng đội chứng kiến sự đầu hàng của Dương Văn Minh và yêu cầu ông ta đọc Tuyên bố đầu hàng trên Ðài phát thanh Sài Gòn; anh Nguyễn Hồng Thế - người tham gia đánh kho xăng Nhà Bè...

Hãng phim tài liệu vào miền nam từ tháng 3-1975. Trang bị của các anh giống như những người chiến sĩ đi B, lại mang thêm  máy quay 35 li. Ðoàn quay phim của Võ Kim Môn đã quay được cảnh đêm 10-4, quân ngụy ra thành phố Nha Trang trút bom xuống khu dân cư phường Mai bên Tháp Bà cổ kính, làm chết 96 người, 125 người bị thương. Các anh đã đi khắp các phố phường, công sở, chợ búa, trường học để quay tư liệu. Sau đó hoàn thành bộ phim Nha Trang tháng tư. Rồi các anh đi cùng các chiến sĩ vào Sài Gòn. Trong chiến dịch này, xưởng phim Thời sự tài liệu đã có rất nhiều phim sản xuất nhanh, như Buôn Ma Thuột ngày đầu giải phóng, Trên đường qua Huế giải phóng, Ðà Nẵng giải phóng, Quy Nhơn giải phóng, Nha Trang  tháng tư, Những hình ảnh đầu tiên về Côn Ðảo, Ký sự Bến Tre ... Ngoài các phim thời sự, phóng sự hoàn thành tại chỗ, còn có các phim tài liệu khác.

Không thể không nói đến những đóng góp của điện ảnh quân đội khi tham gia chiến dịch này. Từ cuối tháng 11, đầu tháng 12-1974 đến tháng Giêng năm 1975, lãnh đạo Xưởng phim Quân đội bắt đầu đưa lực lượng vào các chiến trường. Hàng chục đoàn làm phim được thành lập và lần lượt lên đường. Lực lượng đầu  tiên  vào chiến trường khu V và Tây Nguyên. Một mũi khác vào Trị Thiên - Huế. Các chiến sĩ quay phim đã có mặt ở khắp các mũi tiến công chủ yếu của chiến dịch. Theo sát những bước chân  thần tốc, các nhà quay phim quân đội đã ghi được những hình ảnh đầu tiên của chiến dịch Tây Nguyên (10-3-1975)...

Trưa 30-4, các nhà quay phim quân đội cũng có mặt tại Sài Gòn và được lệnh tạt sang hướng đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy. Các anh cũng đã quay được những cảnh đầu tiên khi nội các Dương Văn Minh đầu hàng. Ðoàn điện ảnh quân đội được lệnh tiếp quản Trung tâm điện ảnh thuộc cơ quan tâm lý chiến quân đội ngụy. Với khối lượng tư liệu khổng lồ, Xưởng phim quân đội đã dựng bộ phim đầu tiên mang tên Chiến thắng lịch sử xuân 1975. Bộ phim này được giải Bông sen vàng tại LHP Việt Nam lần thứ  ba (1977). Cùng với những tư liệu trên, năm 1980, Xưởng phim quân đội lại dựng bộ phim Cuộc đụng đầu lịch sử (18 cuốn) và tới năm 1994, dựng lại bộ phim bốn tập (17 cuốn) mang tên Mùa xuân toàn thắng . Cả hai phim này đều đoạt giải, một bông sen vàng, một bông sen bạc tại LHP quốc gia lần thứ tư. Những thước phim tài liệu quý giá này mãi mãi là những nhân chứng  hùng hồn và sinh động về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống  nhất đất nước.