Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển:

Việt Nam cố gắng gia nhập WTO vào thời gian sớm nhất

Hỏi: Xin Bộ trưởng vui lòng cho biết về tình hình đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam hiện nay?

Trả lời: Việt Nam nộp đơn xin gia nhập WTO vào tháng 1-1995 và bắt đầu đàm phán để gia nhập tổ chức này từ tháng 7-1998. Cho đến nay đã tổ chức được chín phiên họp của Ban Công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO và đàm phán song phương được với hơn 20 đối tác. Cụ thể đàm phán gia nhập WTO diễn ra trên hai kênh: kênh đa phương (đàm phán việc tuân thủ các hiệp định của WTO) và kênh song phương (đàm phán mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ).

Đàm phán đa phương diễn ra tại các phiên họp của Ban Công tác, với mục tiêu là làm rõ chế độ thương mại của Việt Nam và đàm phán để điều chỉnh chế độ đó cho phù hợp với các nguyên tắc được quy định trong các hiệp định của WTO. Tại Phiên họp 9 (tháng 12-2004); dựa trên những tiến bộ đã đạt được trong việc cam kết thực hiện các định chế của WTO, Ban Công tác đã đưa ra dự thảo Báo cáo của Ban cho các thành viên đóng góp ý kiến. Việc xây dựng dự thảo Báo cáo của Ban Công tác đánh dấu việc đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam đã bước sang giai đoạn cuối.

Về đàm phán song phương, cho tới nay có 27 đối tác đặt yêu cầu đàm phán song phương với Việt Nam trong cả lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ. Trong số này, Việt Nam đã kết thúc được đàm phán với sáu đối tác là Argentina, Brasil, Cuba, Chile, EU và Singapore. Như vậy, Việt Nam còn phải đàm phán với 21 đối tác nữa. Trong tháng 3 này, Việt Nam sẽ có các phiên đàm phán song phương với Nhật Bản, Hoa Kỳ và một số đối tác khác.

Hỏi: Nói vậy có nghĩa là việc Việt Nam gia nhập WTO khó có thể thành hiện thực trong năm 2005?

Trả lời: Thực ra Việt Nam không đưa ra một mốc thời gian cụ thể để gia nhập WTO, song Việt Nam sẽ cố gắng cao nhất để đẩy nhanh đàm phán song phương, nhưng cũng mong muốn các đối tác áp dụng những sự đối xử đặc biệt và khác biệt đối với Việt Nam, một nước đang phát triển ở trình độ thấp, một nền kinh tế chuyển đổi như WTO đã khẳng định để có thể kết thúc đàm phán với Việt Nam trong năm 2005.

Hỏi: Được biết chương trình xây dựng pháp luật trong đàm phán gia nhập WTO là một tài liệu chủ chốt thể hiện cam kết của nước xin gia nhập trong việc thực hiện các nghĩa vụ WTO, là nội dung quan trọng trong đàm phán gia nhập WTO. Hiện nay, tiến độ thực hiện chương trình xây dựng pháp luật của Việt Nam đến đâu và có đáp ứng được yêu cầu của các đối tác?

Trả lời: Để gia nhập WTO, bất kỳ nước nào xin gia nhập cũng cần sửa đổi hệ thống pháp luật của mình để phù hợp với các quy định của WTO. Vì vậy, trong quá trình đàm phán gia nhập, các nước xin gia nhập đều được yêu cầu xây dựng một chương trình hành động để điều chỉnh hệ thống pháp luật. Việc này luôn là một công việc khó khăn, đòi hỏi sự tham gia của nhiều ngành, nhiều cấp và cũng là công việc cần nhiều nguồn lực. Một chương trình xây dựng pháp luật minh bạch, chi tiết và có tính khả thi cao sẽ là tài liệu thể hiện rõ nhất quyết tâm của nước đàm phán gia nhập WTO.

Trên cơ sở rà soát tổng thể hệ thống pháp luật, Việt Nam đã đưa ra Chương trình xây dựng pháp luật phục vụ đàm phán WTO. Chương trình này đã được chỉnh sửa nhiều lần, lần gần đây nhất là trước phiên họp 9 của Ban Công tác. Hiện tại, Chương trình xây dựng pháp luật của ta bao gồm 30 văn bản, trong đó có một số văn bản đã được ban hành, bao trùm nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng toàn bộ đều thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Chiếm phần lớn trong chương trình là các văn bản được xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung để thực hiện các nghĩa vụ trực tiếp phát sinh từ tiến trình đàm phán gia nhập WTO. Phần còn lại là các văn bản mà việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới chỉ nhằm mục tiêu minh bạch hóa hệ thống chính sách, tăng cường hiệu quả điều hành hoặc hoàn thiện nền kinh tế thị trường, không trực tiếp liên quan đến các nghĩa vụ WTO (như Luật Kiểm toán Nhà nước, Luật Cạnh tranh...).

Các thành viên WTO đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc rà soát hệ thống pháp luật và thiết kế Chương trình xây dựng pháp luật. Tuy nhiên, để hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu đám phán, các thành viên mong muốn Việt Nam đẩy nhanh hơn nữa thời điểm ban hành một số văn bản trong Chương trình, ví dụ như Luật Đầu tư thống nhất, Luật Doanh nghiệp thống nhất, Luật Sở hữu trí tuệ và một số luật, pháp lệnh khác. Hiện với mong muốn gia nhập WTO vào thời gian sớm nhất, Chính phủ đã đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho điều chỉnh Chương trình xây dựng pháp luật năm 2005 để Quốc hội có thể thảo luận và thông qua các luật cần sửa đổi và điều chỉnh trong năm 2005.

Chính phủ cũng đã đề xuất với Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét khả năng đơn giản hóa quy trình xem xét các dự án luật và pháp lệnh; kéo dài hai kỳ họp Quốc hội trong năm 2005 để dành thêm thời gian cho công tác xây dựng pháp luật. Nếu thật cần thiết thì xin triệu tập bổ sung một kỳ họp Quốc hội trong năm 2005 chuyên về xây dựng pháp luật để đáp ứng yêu cầu xây dựng luật, pháp lệnh phục vụ gia nhập WTO.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!