Phim mới Vượt qua bến Thượng Hải

NDO - Tiếp nối bộ phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng kông (2001), Vượt qua bến Thượng Hải do Hãng phim Hội Nhà văn sản xuất chính thức được công chiếu tại Hà Nội từ ngày 17-12. Lại một lần nữa, đề tài về lãnh tụ được các nhà điện ảnh khai thác ở những góc độ gần gũi  cuộc sống đời thường.

Vượt qua bến Thượng Hải nói về những hoạt động cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vào năm 1934, khi Người vừa thoát khỏi vụ án ở Hồng Công (Trung Quốc) đến Thượng Hải để ra hải phận quốc tế, hướng đến hành trình tới nước Nga Xô-viết. Văn phòng bà Tống Khánh Linh, những nhà hoạt động quốc tế nổi tiếng như Vay-ăng Cuy-tuy-ri lãnh đạo Ðảng Cộng sản Pháp,... đã phối hợp những người cách mạng Việt kiều tại Thượng Hải giúp đỡ Nguyễn Ái Quốc vượt qua sự lùng sục của mật thám Pháp và Trung Hoa Dân quốc, tiếp tục con đường cách mạng... Nói về đề tài chính trị, lịch sử nhưng bộ phim mang nhiều chất nghệ thuật và điện ảnh khi kịch bản có sự gia công, hư cấu, xây dựng được các tuyến nhân vật với mối quan hệ và hành động kịch tính. Ðó là tình cảm, niềm ngưỡng mộ lớn lao của nữ y tá Phương Thảo với Nguyễn Ái Quốc. Là tình anh em sâu nặng của Phương Thảo và Ngũ Lang, người anh trai bao năm lưu lạc, hiện là sát thủ đang bị kẻ thù giao nhiệm vụ ám sát Nguyễn Ái Quốc, để đổi lấy tự do và mạng sống hai anh em cô. Những tình huống gay cấn, những pha hành động, tình cảm được quay ở bối cảnh, góc độ đẹp đã tạo nên sức hấp dẫn cho bộ phim. Ðặc biệt, tình cảnh của hai anh em Phương Thảo, Ngũ Lang được tập trung thể hiện khá xúc động với những cảnh quay ở Hội An qua tài diễn xuất của các 'diễn viên nhí' Trung Quốc.

Cốt cách cao đẹp của Nguyễn Ái Quốc là điều bộ phim cố gắng thể hiện. Những nét sinh hoạt đời thường; trong quan hệ với mọi người chung quanh; tư thế, tình cảm trước những người bạn quốc tế lớn như bà Tống Khánh Linh, ngài Vay-ăng Cuy-tuy-ri... nhất là tình cảm với Phương Thảo, nỗi xót thương và sự quan tâm sâu sắc dành cho 11 trẻ nhỏ là con em liệt sĩ Việt Nam bị kẻ thù bắt giam, thể hiện làm nổi bật tâm hồn nhân văn, giàu tình cảm của Người.

Kịch bản bộ phim của các tác giả Hà Phạm Phú, Lê Ngọc Minh (Việt Nam) và Giả Phi (Trung Quốc). Ðạo diễn do Triệu Tuấn (Việt Nam) và Phạm Ðông Vũ (Trung Quốc). Ê-kíp diễn viên gồm: Minh Hải (vai Nguyễn Ái Quốc), Mỹ Duyên (vai Phương Thảo), Quốc Quân (vai Hổ, hộ vệ Nguyễn Ái Quốc), Lê Thái Hòa (vai sát thủ Ngũ Lang), Chương Diễm Mẫn (vai Tống Khánh Linh), Tào Ngu (vai Lưu Mạo An), Mi-sen (vai Phi-líp)... Bộ phim được quay tại trường quay Hoành Ðiếm và Thượng Hải (Trung Quốc), quay ngoại cảnh tại Nghệ An, Quảng Bình, Thanh Hóa, Quảng Nam. Với kỹ thuật điện ảnh cao và những nỗ lực của hai phía, các nhà làm phim Việt Nam và Trung Quốc đã cho ra đời một tác phẩm giàu chất điện ảnh, có những thước phim rung động lòng người. Tuy nhiên, để thể hiện phong thái, trí tuệ và tâm hồn của nhân vật lịch sử lớn như Nguyễn Ái Quốc trong một bối cảnh đặc biệt, trong những tình huống gay cấn, kịch tính, diễn xuất của Minh Hải nhiều chỗ chưa thật sự tới tầm. Bên cạnh đó, sự gia công, chú trọng đến những tuyến nhân vật, mối quan hệ khác làm hình ảnh, vai trò nhân vật chính có phần bị mờ nhạt.

Ðề tài chính trị, lịch sử và lãnh tụ luôn là một thử thách, khó khăn nhưng hấp dẫn những người làm điện ảnh. Sau thành công của bộ phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, Hãng phim Hội Nhà văn lại một lần nữa thể hiện nỗ lực và tâm huyết ở mảng đề tài này. Vượt qua bến Thượng Hải một lần nữa cũng là sự vượt lên chính mình, vượt lên những gì đã có của mỗi người làm phim. Dẫu còn một vài hạn chế, song điều đó thật sự đáng ghi nhận.