Vang từ gốc lúa bờ tre
Ðến Báo Ðáp phải đi qua những cánh đồng lúa bát ngát xanh. Ðường làng hầu như vẫn giữ nguyên nếp cũ, lát gạch nghiêng. Ðiều đó rất hợp với ngôi làng đông dân, nhưng yêu âm nhạc. Nhiều gia đình ngày nay đã khấm khá, không tiếc tiền mua nhạc cụ cho con chơi, như Oóc-gan, pi-a-nô, vi-ô-lông... có chiếc trị giá hàng chục triệu đồng.
Niềm đam mê âm nhạc của người Báo Ðáp đã ăn sâu vào máu thịt, giống như một số ngôi làng độc đáo khác. Thầy giáo Bùi Ðắc Ðiềm chuyên dạy âm nhạc tâm sự: "Nếu mỗi người chơi nhạc giỏi được gọi là nghệ sĩ, thì làng chúng tôi có nhiều nghệ sĩ nhất. Có những nhạc cụ, bọn trẻ có thể chơi ở bất cứ đâu, thậm chí ngoài cánh đồng, trên một gò đất...".
Thầy Ðiềm dạy nhạc.
Ðiều đó thật đúng. Ðến với các gia đình ở đây, tôi đều thấy con cái họ sở hữu từ một đến nhiều nhạc cụ. Có em còn lưu giữ được những tấm ảnh, chụp mình trong một cuộc thi Âm nhạc do giáo xứ tổ chức. Nhờ có năng khiếu bẩm sinh, được thừa hưởng từ cha ông, thanh niên Báo Ðáp có nhiều người thành đạt trên con đường nghệ thuật. Nhiều em thi đỗ vào các trường âm nhạc, có người là giảng viên của Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, có người là giáo viên dạy nhạc ở trường THPT, có người là nhạc sĩ... Bản thân ông Ðiềm trước đây cũng là một cậu bé cần mẫn chăm chỉ, học tập các loại nhạc cụ trên chính mảnh đất quê hương mình. Ông được nhiều đời cha xứ "bồi bổ" bằng những kiến thức mà các ngài thu lượm được khi đi truyền giáo. Giờ ông Ðiềm đã chinh phục được hơn chục loại nhạc cụ. Ngoài ra, chính ông sáng tác các bản nhạc mới cho kèn tây. Người dân gọi ông là "nhạc sĩ làng", được dân làng quý mến, nhiều người nể phục, mời đi dạy liên miên. Ðến nỗi, ông phải sắp xếp lịch tỉ mỉ từng giờ để bảo đảm không bị thất hẹn. Ði nhiều, ông thấy nhiều giáo xứ còn nghèo. Thay vì trả tiền công, họ trả ông bằng thóc gạo, thậm chí, chỉ nuôi ăn thôi, ông cũng chấp nhận dạy, miễn sao lớp đông đủ người học.
Nét độc đáo
Những lão nông của làng tâm sự rằng, từ cách đây 40 năm, một số thanh niên của làng đã biết học và chơi kèn tây. Ðặc biệt là ông Bùi Ðắc Ðiềm, bây giờ là thầy giáo dạy nhạc của làng Báo Ðáp, của nhiều làng công giáo có đội kèn tây ở Nam Ðịnh, Ninh Bình, Thanh Hóa... Ông Ðiềm cho biết, "máu" văn nghệ ở Báo Ðáp có từ lâu, giờ đây nhân dân có điều kiện, sắm sửa nhạc cụ để tập và thổi. Có đến 60% số thanh niên, trung niên và người cao tuổi biết sử dụng kèn tây, mà người công giáo vẫn gọi là kèn đồng.
Làng có đoàn kèn gồm 60 thành viên, vào ngày lễ lớn, các thành viên có mặt đầy đủ, đứng đội hình trang nghiêm rất hoành tráng. Ðây là đoàn kèn được đánh giá là hoành tráng, đông đúc và chuyên nghiệp nhất trong các xứ đạo cả nước. Ðoàn được tổ chức chặt chẽ, hài hòa. Có đoàn trưởng, đoàn phó và người chuyên dạy những bài mới, người chỉ huy nhạc. "Không chỉ những ngày lễ của làng, lễ các nhà thờ họ mà nhiều đám hiếu chúng tôi cũng tham gia nhiệt tình. Ðể sử dụng tốt loại kèn tây, đòi hỏi chúng tôi phải luyện tập kỹ lưỡng, khi thổi mới không bị đứt hơi và khớp bài, tạo sự nhuần nhuyễn khi cất lên một bản nhạc" - Anh Bùi Văn Dũng, một thành viên của đoàn kèn Báo Ðáp tâm sự.
Ðoàn trưởng kèn tây Báo Ðáp là ông Nguyễn Tri Phương, một người giản dị và yêu kèn hết mực. Mỗi khi ngơi công việc nhà nông, ông lại cùng anh em trong đoàn luyện tập, đi thổi kèn giao lưu, hoạt động trong các ngày lễ... Ông Phương cho biết, đoàn có những thanh niên chỉ 18 tuổi, lại có người hơn 50 tuổi. Tuy thế nhưng rất đồng lòng, đồng sức vực đoàn kèn ngày một phát triển.
Tài sản của đoàn kèn Báo Ðáp là hàng chục chiếc kèn cổ, có tuổi thọ hơn 70 năm và nhiều chiếc kèn mới, hiện đại. Kèn cổ được các cha xứ mang về từ Pháp, là tài sản của dân làng, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trẻ em ở Báo Ðáp rất "nhạy cảm" với kèn tây, hễ thấy người lớn tập là chúng vây chung quanh để học lỏm. Một người dân kể rằng, một em bé bốn tuổi, còi cọc nhưng rất thích âm thanh của kèn. Khi đoàn kèn tập thổi bản nhạc mới, em bé cầm chiếc que tre, cong người bắt chước ông chỉ huy dàn nhạc. Em bé đó tên là Nguyễn Duy Năng. Sau này, Năng ra Hà Nội học đại học, vẫn không quên những tiếng kèn tây quê nhà đã là động lực để em cố gắng. Bố em hiện là thành viên đắc lực của đoàn kèn.
Ðể nhân lên số người biết chơi kèn, từ nhiều năm qua, Ban hành giáo Báo Ðáp, đoàn kèn Báo Ðáp cùng toàn thể nhân dân trong làng đã tổ chức các lớp học nhạc, đàn, kèn tây và nhiều nhạc cụ khác. Các lớp học này chủ yếu dành cho lớp trẻ, nhưng ai muốn tham gia cũng được. Ông Vũ Kim Long, một người đam mê tiếng dương cầm từ nhỏ, hiện cùng với thầy Ðiềm đứng ra giảng dạy. Năm nay 56 tuổi, ông Long đã có thâm niên 34 năm gắn bó với cây đàn. Trong làng có cụ 70 - 80 tuổi cũng chơi thành thạo các bản nhạc đồng quê của Mô-da, Bét-tô-ven... Nhiều cụ còn không biết viết nổi tên của mình nhưng lại có thể chơi được những bản nhạc khó bằng pi-a-nô.
Nhiều người để có nhạc cụ, đã phải bán thóc gạo, thậm chí xẻ cả đất vườn bán để mua nhạc cụ. Về chuyện học âm nhạc ở làng, ông Nguyễn Tri Phương nói: "Phụ trách phần này chủ yếu là thầy Ðiềm, thầy Phố, thầy Súy, thầy Công... Học không mất tiền, vì chúng tôi đều là người dân thường, nhu cầu cuộc sống chẳng bao nhiêu. Cứ giản dị cho... dễ thở".
Sự hy sinh của người dân là như thế. Còn sự hy sinh của những người tâm huyết với âm nhạc làng là làm sao, giúp cho Báo Ðáp ngày càng mạnh mẽ, phát triển ở lĩnh vực âm nhạc. Làm sao cho học sinh có nhiều em đỗ đại học, thành tài. Vì thế, những "nhạc sĩ làng" này đã đầu tư công sức, tâm huyết dạy các em kèn Tây, vi-ô-lông, pi-a-nô, Oóc-gan, tam thập lục, đàn tranh, đàn nguyệt...
Tạm biệt ngôi làng Báo Ðáp đẹp đẽ, giản dị, tôi cầu mong cho họ sẽ thực hiện được những ước vọng của mình. Dù còn nghèo, nhưng họ luôn lạc quan, yêu đời, đắm mình trong tình yêu âm nhạc. Mỗi lúc dứt tay ra khỏi cái cày, cái cuốc, công việc đồng áng, là họ lại cầm nhạc cụ, cứ thế mà tấu lên những âm thanh, bản nhạc yêu đời.