Cháy mãi ngọn lửa Thi đua ái quốc

Sau thắng lợi của chiến dịch Việt Bắc-Thu Đông năm 1947, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta bước vào mọt giai đoạn mới. Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã kịp thời ra chủ trương phát động phong trào Thi đua ái quốc.

Ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua: "Người người thi đua, Ngày ngày thi đua, Ngành ngành thi đua, Ta nhất định thắng, Địch nhất định thua".

Thấm nhuần lời kêu gọi thiêng liêng của Bác Hồ, 60 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta đã làm nên những kỳ tích vĩ đại: Kháng chiến chống Pháp, Kháng chiến chống Mỹ và Đổi mới xây dựng đất nước thành công. Vinh quang đó có phần đóng góp to lớn của các tập thể, cá nhân Anh hùng, chiến sĩ thi đua và quần chúng yêu nước.

Chiều 20-5, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, đã diễn ra cuộc giao lưu truyền thống "60 năm-một chặng đường Thi đua ái quốc"

Ông Lê Xuân Niêm, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Truyền thống và Lịch sử, Trưởng ban tổ chức cho biết: "Cuộc gặp mặt này nhằm tiếp tục khơi gợi và làm sáng lên ngọn lửa của phong trào thi đua yêu nước mà Bác Hồ đã kêu gọi 60 năm trước. Đây cũng là cơ hội tốt để các tập thể, cá nhân Anh hùng và gương điển hình tiên tiến trong thời kỳ đổi mới từ mọi miền Tổ quốc hội tụ, động viên và học tập lẫn nhau trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước".

Trung tướng Hồng Cư, nhạc sĩ Thanh Phúc, Anh hùng LLVT La Văn Cầu (từ trái qua) tại buổi giao lưu.

Trung tướng Phạm Hồng Cư bồi hồi nhớ lại: "Sau ngày toàn quốc kháng chiến, quân và dân ta đã có những thắng lợi bước đầu nhưng khó khăn vẫn còn nhiều. Đơn vị chúng tôi toàn những anh em từ Hà Nội lên, sốt rét nhiều, quân tư trang không có, cuộc sống muôn vàn thiếu thốn. Gian khổ là vậy nhưng tinh thần vẫn lạc quan. Chúng tôi đều nhận thức được rằng "phải lấy sức ta mà giải phóng cho ta". Lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh được toàn dân tộc hưởng ứng nhiệt liệt bằng những chiến công xuất sắc của cá nhân và tập thể anh hùng. Bởi thế chúng ta mới có câu: Ra ngõ gặp anh hùng.

60 năm trước, tôi là chính trị viên tiểu đoàn, 22 tuổi mang trong mình một khí thế hừng hực của chủ nghĩa cách mạng anh hùng. Bây giờ đã 82 tuổi, tuy thể chất có yếu nhưng tinh thần thì vẫn mãi mãi ở tuổi 20”.

Bốn năm sau ngày kêu gọi Thi đua ái quốc, năm 1952,  Đại hội Chiến sĩ thi đua lần thứ nhất được tổ chức với 154 đại biểu chiến sĩ thi đua toàn quốc. Lần đầu tiên bảy cá nhân được phong Anh hùng trong đó có: Giáo sư Trần Đại Nghĩa, Anh hùng Nguyễn Quốc Trị, Anh hùng Ngô Gia Khảm, Anh hùng- liệt sĩ Cù Chính Lan, Anh hùng-lão nông Hoàng Hanh.... Thời gian thấm thoát trôi qua, bảy anh hùng giờ chỉ còn lại hai người: Anh hùng La Văn Cầu và Anh hùng Nguyễn Thị Chiên.

Anh hùng La Văn Cầu xuất hiện tại buổi giao lưu với một cánh tay. Một phần cơ thể ông mãi mãi nằm lại chiến trường, cùng với biết bao đồng đội, đồng chí. Xúc động nghẹn ngào, ông nói: " Từ sâu thẳm trái tim mình, tôi xin ghi lòng tạc dạ công ơn trời biển của Bác Hồ. Người đã phát động Thi đua ái quốc. Cổ vũ và tạo điều kiện cho tôi chiến đấu và thi đua giết giặc lập công. Góp phần giải phóng quê hương, giải phóng đất nước".

Cả hội trường lặng đi nghẹn ngào, ông Lê Xuân Niêm đỡ Anh hùng La Văn Cầu đứng dậy. Nhiều người xuýt xoa. "Ôi, Anh hùng La Văn Cầu đây ư, ông vẫn còn sống ư".

Cuộc giao lưu kéo dài gần ba tiếng nhưng vẫn không đủ để mọi người nói hết được tâm tư, tình cảm của mình. Đành bịn rịn hẹn lần gặp tới.

Trước đó, đoàn đã đi đặt hoa, viếng đài Liệt sĩ Thủ đô Hà Nội; Viếng lăng Bác, thăm khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.

Ngày 21-5, đoàn sẽ đi thăm khu di tích Trung ương thời kỳ chống Mỹ, nơi gìn giữ thi hài Bác Hồ giai đoạn 1969-1975; Thăm bảo tàng đường Hồ Chí Minh và dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Đường Trường Sơn thời kỳ chống Mỹ.