Quay phim Điện Biên Phủ - Những câu chuyện sau 54 năm mới kể

Ngày 15 tháng 3 năm 1953, tại chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh quyết định đặt Phòng Điện - Nhiếp ảnh trong Nhà Tuyên truyền và Văn nghệ thành một doanh nghiệp quốc gia lấy tên là "Doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam", chính thức khai sinh ra nền điện ảnh dân tộc.

Ít ai biết rằng trong đoàn quân tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm ấy còn có một "lực lượng đặc biệt", đó là hai tổ quay phim chiến trường. Họ là những chàng trai tuổi đời còn rất trẻ, nhưng đã gánh trên mình một trọng trách lớn lao đối với cả dân tộc: cjhi lại những hình ảnh, khoảnh khắc lịch sử của nước nhà trong chiến dịch Điện Biên. Sau 54 năm, những câu chuyện này mới được kể lại.

Thành lập tổ quay phim chiến trường

54 năm sau, trong căn phòng nhỏ tại dãy nhà D4, phường Nghĩa Tân, Hà Nội, đạo diễn điện ảnh Nguyễn Ngọc Quỳnh - một phụ quay trong tổ làm phim chiến trường - bồi hồi kể lại những ký ức quay phim Điện Biên Phủ (ĐBP): "Tổ quay phim hồi đó gồm có 4 người, được tuyển chọn gấp từ các cơ quan, đơn vị khác nhau. Tôi lúc đó là phóng viên ảnh của Tổng cục Chính trị; anh Nguyễn Tiến Lợi xuất thân từ một hiệu ảnh gia đình, đi kháng chiến, trở thành phóng viên nhiếp ảnh Đại đoàn 308 và được chỉ thị quay chính; anh Quý Lục được điều về xây dựng ngành điện ảnh khi đang công tác tại UBND tỉnh Yên Bái, làm phụ quay; Nguyễn Sinh - một thanh niên người dân tộc Thái - làm nhiệm vụ khuân vác máy móc và đảm bảo công tác hậu cần. Nói chung, tất cả chỉ được học qua một vài lớp đào tạo cấp tốc cầm máy quay phim, chụp ảnh để kịp tung vào chiến trường ghi lại những hình ảnh và khoảnh khắc lịch sử cho đất nước. Ngay sau khi thành lập, tổ làm phim nhận được lệnh của Ban lãnh đạo ngành điện ảnh: Chuẩn bị tham gia chiến dịch".

Đạo diễn Nguyễn Tiến Lợi, quay phim chính tại chiến trường, nguyên PGĐ Hãng phim truyện Việt Nam nhớ lại: "Tuy nhận được lệnh tham gia kháng chiến, nhưng cả bốn chúng tôi đều không hề biết phía trước mình là chiến trường ĐBP". Hành trang lên đường được chuẩn bị thật cẩn thận và chu đáo, nhưng cũng không thể tìm đâu được hơn chiếc máy quay hiệu Paya Bolex 16 ly của Thụy Sĩ. Loại máy này ở các nước tiên tiến người ta thường dùng để quay chơi trong các gia đình, các chuyến du lịch, còn điện ảnh phải quay loại máy chuyên nghiệp cỡ 35 ly. Nhưng với chúng ta thời điểm đó có được một chiếc máy 16 ly cũng đã là quý rồi. Cũng vì vậy mà chỉ có một mình tôi được quay chính. Còn ba người còn lại trong tổ mỗi người lo một việc. Anh Quý Lục lo bảo vệ, bảo quản máy móc, anh Ngọc Quỳnh lo tiền trạm, khảo sát địa hình địa điểm quay phim, cung cấp phim cho máy quay, anh Nguyễn Sinh lo hậu cần. Phân công trách nhiệm là vậy nhưng ba anh cũng có thể sẵn sàng thay tôi cầm máy quay phim khi cần thiết".

Chi dám ngắm chức... không dám quay

Cả đội điện ảnh lúc ấy cũng chỉ có khoảng 900 thước phim, phải đôn đáo, bí mật mua thêm từ những vùng địch hậu như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và cả Sài Gòn nữa mới được hơn 1.000 thước phim.

Gần một tháng sống cùng bộ đội, anh em chỉ dám đưa máy ra ngắm bộ đội tập trận chứ không dám quay, bởi phải để dành phim cho chiến dịch. Rồi tổ làm phim tiếp tục hành quân lên phía Bắc. Ngày nghỉ, đêm đi, núi rừng trùng điệp, hoang vu nhưng bom đạn càng ngày càng ác liệt. Nhìn từng đoàn dân công tải lương, tải đạn trùng trùng tiến về phía trước, ông Tiến Lợi tỏ ra tiếc nuối: "Chúng tôi không quay được nhiều hình ảnh bộ đội, nhân dân hành quân ra mặt trận lòng sục sôi, khí thế, vui như trẩy hội. Tranh thủ những lúc nghỉ ngơi, chúng tôi chiếu phim bằng miệng cho bộ đội và dân công cùng nghe, đó là những bộ phim mình đã được xem. Mọi người khi đó chưa biết điện ảnh ra sao nên tỏ ra thích thú lắm, họ quây quần thành vòng tròn, ngồi im lặng nghe như nuốt lấy từng lời, từng cử chỉ, hành động của người kể, phim được kể nhiều nhất là Bạch Mao nữ.

Tháng 6 năm 1953, tổ quay phim xuất phát từ Việt Bắc, băng qua bến Âu Lâu (Yên Bái), vượt đèo Lũng Lô và Pha Đin (dài trên 30 km) nhập vào Đại đoàn 308, lên Tuần Giáo rồi tiến sát tập đoàn cứ điểm.

NSND Ngọc Quỳnh nhớ lại: "Tôi leo lên đỉnh núi Phú Hồng Mèo ở phía Tây để quan sát. Từ trên cao nhìn xuống ĐBP là một biển mây bồng bềnh trôi, đẹp như một bức tranh thủy mặc. Đồn bốt, ụ pháo, xe tăng khuất dấu trong mây, trong sương... Sau chuyến đi quan sát, anh em quyết định bấm máy quay những thước phim đầu tiên. Máy chạy tốt, hình ảnh đẹp, cả tổ vui sướng vô cùng. Những ngày tiếp theo cùng "khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt..." như những chiến sĩ, chúng tôi cầu nguyện cho nhau không ai được phép chết lúc này".

Những thước phim quay trong máu lửa

Đúng 17h ngày 13/3/1954 quân ta đánh đồi Him Lam, trận phản kích đầu tiên vào tiểu đoàn Lê Dương và đại đội Ngụy. Trận mở màn ở đồi Him Lam thật ác liệt. Nguyễn Tiến Lợi hào hứng: "Chúng tôi quay cảnh quân ta xung phong đánh đồn, cảnh máy bay địch ném bom... Cứ thế, quen dần với chiến trường, những thao tác máy cũng thuần thục hơn. Cả tổ theo sát chiến sĩ xông vào những nơi chiến sự xảy ra ác liệt nhất như đồi phía Đông C1, C2, D1, D2...". Điện Biên vào mùa mưa, chiến hào lầy lội, nhão nhoét bùn đất và cả máu. Có lúc phải đào hầm ếch để trú, bộ đội chạy qua chọc cả gậy vào người,vẫn phải chịu đựng chờ xuất kích. Có lúc ta và địch chỉ cách nhau 100 mét, giành giật từng tấc đất. Nấp trong lô cốt chiếm được của địch quay ra khói đạn mù mịt. Ngọc Quỳnh vẫn chưa quên thời khắc cam go ác liệt đó: "Khi ngồi trong lô cốt chiếm được của địch để quay ra chiến trận, vì ống kính máy quay quá nhỏ, tôi và anh Quý Lục phải thay nhau bò ra khỏi lỗ châu mai dọn những cành cây khô làm vướng ống kính để anh Tiến Lợi quan sát và quay được dễ dàng hơn. Đó là cách duy nhất để tiết kiệm phim".

Vào trận , khi nào quân ta đánh mạnh nhất thì nhảy lên quay. Đứng trên miệng hào trong bom đạn ầm ầm, máy quay rung lên bần bật. Sự sống và cái chết hết sức mong manh, quay phim đứng cao lênh khênh dễ lộ mục tiêu. Người quay, người giữ chân vừa ôm người, mỗi người một bên, ba anh em làm thành thế chân kiềng, truyền cho nhau hơi ấm, niềm tin và sức mạnh. Vững tay máy, anh Tiến Lợi yên tâm bấm máy theo sự quan sát của chúng tôi: "Bên này có xe tăng! Ra gần chỗ cột khói ấy!... Chỗ kia có máy bay đang thả dù!... Bên này nữa! ... Quân ta đang xông lên đấy...!".

Bộ đội xung phong là xách máy chạy theo, xung quanh có người ngã xuống, vẫn chạy. Lúc quay chỉ sợ hết phim, không quay được những cảnh đắc địa, còn bom đạn chiến trường, lường hết làm sao được.

Quay hết điểm này, anh Ngọc Quỳnh lại đi trinh sát trước các điểm khác xem có thể đặt máy ở đâu, nếu bị đánh thì rút lui, trú ẩn thế nào... để đón anh em đến. Cũng có khi cao điểm này mình đánh buổi sáng, tối địch đã chiếm lại, mình chiếm buổi tối, sáng hôm sau địch chiếm lại. Giằng co nhau như thế nên chúng tôi gặp rất nhiều nguy hiểm không lường trước được. Có khi lên đến nơi, không thấy quân ta đâu, lại thấy lố nhố mấy tên địch đang chiếm giữ ở đấy. Có lần, đang quay ở đồi E (một khu đồi phía Tây), bất ngờ pháo trút xuống. Chạy vội vào hầm, rúc đầu vào hầm ếch bé như cái gầm bàn. Bom nổ, rồi pháo nổ. Bao nhiêu lần tức thở, tối tăm mặt mũi, rồi không biết gì nữa, không biết đã bao nhiêu thời gian trôi qua. Tỉnh lại, mắt mũi, miệng toàn đất. Cây que, đất đá đè lên người . Tỉnh lại, thấy mình còn sống, lại lao vào công việc mới. Đào hầm lấy chỗ ăn ở. Cây que làm giường, rải lá cây làm chiếu. Không có nước tắm, nước ăn, phải đi lấy từ rất xa, bởi sông Nậm Rốm bùng nhùng những xác giặc chết, xác súc vật - một thứ nước lạnh quánh, hôi hám và tanh lợm. Trông ai nấy từ đầu đến chân, bụi đỏ quạch, vậy mà máy quay lúc nào cũng được bảo quản, lau chùi sạch bóng.

Tranh thủ những ngày thưa tiếng súng, nhóm lại về tuyến sau để làm phim và lấy thêm phim từ hậu phương chuyển lên. Cầm giấy hỏa tốc, trèo lên những xe chở gạo, chở đạn mà đi. Vượt qua những cánh đồng trống, những đỉnh đồi, bò qua những bờ dây thép gai... Đi về hai lần như thế, tổng cộng được 1.000 thước phim nữa". Vậy là cả chiến dịch có tất cả 2.000 thước phim.

Tinh thần thép của Nguyễn Thụ

Nguyễn Thụ thuộc biên chế đội quay phim thứ hai bao gồm đạo diễn Nguyễn Hồng Nghị, các quay phim Nguyễn Phu Cấn, Như Ái và Nguyễn Đăng Bảy. Đội này lên đây khi chiến dịch đã gần giai đoạn cuối. Chủ yếu hoạt động ở khu trung tuyến, quay các cảnh bộ đội, công binh, dân công hỏa tuyến là nhiệm vụ tiếp tế, vận tải lương thực, đạn dược, thuốc men cho chiến trường bằng các phương tiện thô sơ. Trong lần đi quay cảnh trao trả tù binh ở một bản người Thái, Nguyễn Thụ đã dính phải mìn, cắt nát một bàn chân - đạo diễn Hồng Nghị đã ghi lại "sự kiện" này vào sổ "nhật ký chiến trường" của mình.

Lần đó, để kịp quay cảnh ta trao trả tù binh Pháp ở một bản làng người Thái, tổ quay phim phải đi đường tắt. Trời mưa, cỏ cây rạp xuống, cờ hiệu đánh dấu bom mìn mờ nhạt, lấm lem bùn đất. Tổ quay phim lạc vào một bãi mìn, người đi trước cào đất, bới cỏ để đi, người đi sau đặt chân lên dấu chân người đi trước. Bỗng có tiếng nổ. Anh Phu Cấn trong đội quay phim giật mình quay lại, thấy tấm dù của Nguyễn Thụ bị hất tung lên cao, mìn đã cắt nát một bàn chân của Nguyễn Thụ . Tổ quay phim buộc phải đưa đến một bác sĩ của Pháp đang cứu chữa cho thương binh Pháp ở gần đó, yêu cầu ông ta phẫu thuật cắt bỏ bàn chân cho anh Nguyễn Thụ. Thuốc mê, thuốc tê chẳng có, phải đổ cồn 90 độ sát trùng rồi cưa bằng dụng cụ và phương pháp thủ công. Vậy mà Nguyễn Thụ không kêu một tiếng.

Còn một chân vẫn trở lại Điện Biên làm phim

Kết thúc Chiến dịch và sau ngày thủ đô giải phóng, Nguyễn Thụ còn phải vào bệnh viện phẫu thuật hai ba lần nữa mới lành hẳn. Ro man Camen nhà điện ảnh chính luận nổi tiếng của Liên Xô (trước đây), người đã có mặt ở Việt Nam trong các năm 1954 - 1955 để làm bộ phim Việt Nam trên đường thắng lợi đã vào thăm anh Nguyễn Thụ ở nhà thương Phủ Doãn (nay là bệnh viện Việt - Đức). Cảm kích trước mất mát hy sinh, ông động viên Nguyễn Thụ chữa vết thương lành và hứa sẽ đề nghị Chính phủ và ngành điện ảnh Liên Xô đưa anh sang học.

Năm 1959, khi vết thương đã lành, Nguyễn Thụ cùng tổ làm phim đã quay về Điện Biên Phủ làm bộ phim tài liệu Trở lại Điện Biên do ông làm đạo diễn, cùng với ba nhà quay phim là Tô Cương, Như Ái và Dương Đình Thọ. Chỉ mới bốn, năm năm sau ngày Điện Biên giải phóng, Lai Châu, Điện Biên đã thay đổi, hòa bình và cuộc sống mới. Nhiều người lính trước đây cầm súng chiến đấu, nay lại tình nguyện ở lại xây dựng Điện Biên, xây dựng Lai Châu.

Đó là bộ phim rất thành công của Nguyễn Thụ trong vai trò và chức danh đạo diễn. Trong từng cảnh phim bộc lộ cảm xúc mãnh liệt, tình yêu tha thiết với những gì đang từng ngày từng giờ đổi thay trên mảnh đất mà trước đó không lâu còn là một chiến trường ác liệt đã từng thấm máu của bao chiến sĩ và người dân, trong đó có phần máu thịt của anh. Bộ phim đã được giải thưởng lớn Lumumba tại Liên hoan phim thế giới Á-phi tổ chức tại Jakarta, Indonesia, năm 1964. Nguyễn Thụ đã mãi mãi ra đi trong một cơn bạo bệnh (2002). Chiếc chân giả do nghệ sĩ Jane Fonda tặng ông khi sang Mỹ, đã không còn bầu bạn để đồng hành.

54 năm những quãng đời không phẳng lặng. Những thước phim "Chiến thắng Điện Biên Phủ" (được tặng giải thưởng Bông sen Vàng trong dịp tổng kết sáng tác 20 năm thành lập điện ảnh tại liên hoan phim Vệt Nam lần thứ 2-1973) hàng năm vẫn được phát lại. Còn họ - những quay phim chiến trường ĐBP thì chưa một lần được trở lại chiến trường xưa. Bây giờ lại càng khó, bởi họ đã già yếu quá. Quãng đường ngày xưa họ phải đi bộ hàng tháng trời, nay những chuyến máy bay đi về không mấy chốc.