Khi nhà sản xuất trở thành nhà phát hành phim

Từ sự thúc ép

Việc nhà sản xuất đồng thời đảm nhiệm việc phát hành phim như một lẽ đương nhiên ở các hãng phim nước ngoài. Còn ở Việt Nam, có lẽ một nền "điện ảnh công chức" (chữ của đạo diễn Ðặng Nhật Minh) đã tạo ra một thông lệ: nơi sản xuất cứ biết việc sản xuất, làm xong thì "bán" cho Công ty Fafilm Việt Nam hoặc Phát hành phim Quân đội. Nghịch lý ở chỗ: Phim đầu tư tiền tỷ, nhưng chỉ thu về... 150 - 200 triệu đồng. Và nữa, họa sĩ làm phim và đạo diễn mới là người hiểu bộ phim để làm tờ rơi quảng cáo giới thiệu phim, nhưng rồi việc bán và giới thiệu phim họ không hề hay biết.

Ðiều quan trọng nữa, kết quả của việc phát hành phim cho thấy trách nhiệm của nhà sản xuất đối với "đồng tiền bát gạo" bỏ ra. Có như thế, phát hành mới tạo động lực thúc đẩy khu vực sản xuất phát triển chứ không phải lối làm ăn "bình quân chủ nghĩa" phim nào hay dở đều được mua và bán rồi... hòa cả làng!

Tình thế bây giờ cũng bắt buộc các hãng phải nhảy vào "trận địa" phát hành. Fafilm Việt Nam không được bao cấp "nặng đô" như trước nên không phải phim nào cũng mua. Các hãng phim cũng bị thúc ép bởi xu hướng làm phim hướng tới khán giả và bởi chính các nghệ sĩ của hãng muốn khẳng định tên tuổi ở những bộ phim như thế. Mặt khác, Giám đốc một hãng phim "thổ lộ": "Mình tự thỏa thuận với các rạp có khi dễ hơn để cho Fafilm làm".

Ðơn vị Nhà nước đi đầu trong việc phát hành phim chính là Hãng phim Giải phóng. Có chức năng nhập khẩu và phát hành phim và với hệ thống rạp của mình, Giải phóng không chỉ phát hành phim của hãng sản xuất mà còn nhảy vào cùng các nhà phát hành phim khác. Trước khi phim Gái nhảy được Hãng tung ra và thắng lớn trên thị trường, Người đàn bà không hóa đá,  rồi Người Mỹ trầm lặng đều do Hãng tự phát hành. Tiếp đó là Titanic, Lọ Lem hè phố và dịp Tết này là Lấy vợ Sài Gòn. Hãng phim truyện I năm 2002 phát hành bộ phim Lưới trời. Năm 2005, Hãng phim truyện Việt Nam phát hành Chiến dịch Trái tim bên phải.

"Chiến dịch" nào ?

Bán cho Fafilm hoặc các nhà phát hành khác, nhà sản xuất nhìn thấy phim lỗ "chỏng gọng". Nhưng đến lúc đứng ra phát hành thì số phận bộ phim cũng chẳng sáng sủa gì! Hãng phim truyện I phát hành Lưới trời,  doanh thu được gần 500 triệu đồng. Nhưng tính ra, sau khi trừ tiền rạp, rồi chi phí quảng cáo..., số còn lại cũng chẳng hơn là bao so với nếu Fafilm mua. Hơn nhau có lẽ ở chỗ, hãng tự phát hành thì cán bộ, nhân viên của hãng có thêm công ăn việc làm.

Phim nước ngoài sang ta thật lắm chiêu tiếp thị. Ngoài tiềm lực tài chính, họ còn kinh nghiệm "đầy mình". Hồi Thập diện mai phục  sang Việt Nam, công ty phát hành đã cho người... mai phục ở vị trí có đèn xanh, đèn đỏ gần các rạp và ấn vào tay mỗi người một tờ nhỏ quảng cáo phim; rồi các cô gái ăn mặc như mấy nhân vật nữ trong phim đứng xếp hàng trước cửa rạp... Các phim tư nhân cũng tổ chức được các trò để lôi kéo sự chú ý của người xem, như "bắt lỗi" phim, rồi viết đoạn kết phim..., còn phim Nhà nước vẫn cứ băng-rôn rạp, rồi chiếu, ai đến xem thì xem.

Mới đây, Hãng phim truyện I tuyên bố đầu tư hàng trăm triệu đồng cho việc quảng cáo phát hành bộ phim Sống trong sợ hãi  tại TP Hồ Chí Minh, nhưng một tờ báo "moi" ra rằng, chẳng thấy quảng cáo trên truyền hình như ông giám đốc hãng phim đã "thổ lộ". Chuyện của Pao cũng phải chịu chung số phận hẩm hiu của những phim Việt Nam khi ra rạp, mặc dù đã ẵm giải thưởng cao nhất của Hội Ðiện ảnh Việt Nam và ê-kíp thực hiện đã dụng công làm tờ rơi quảng cáo, chụp ảnh...!

Nhiều người cho rằng các hãng phim thiếu tiền nên không phát hành phim hiệu quả. Ý kiến khác lại nói, đồng tiền không thật sự đến được với các bước công việc mà bị "rơi rụng" và bớt xén nhưng chẳng ai thương tiếc. Các hãng phim chờ mong vào việc xin kinh phí từ nhà tài trợ để phát hành vì thực tế hãng chỉ có kinh phí làm phim chứ làm gì có kinh phí cho phát hành phim. Tuy nhiên, khâu yếu nhất của phát hành phim Nhà nước chính là thiếu sự tìm tòi ý tưởng và hướng phát hành phù hợp với bộ phim. Những người phát hành không chuyên nghiệp, không hiểu biết thấu đáo về ma-két-ting trên cơ sở nghiên cứu thị trường tỉ mỉ cùng với việc "cha chung không ai khóc" nên chẳng trăn trở nhiều với sản phẩm phát hành nên thất bại là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, điện ảnh nội địa đang trong cuộc cạnh tranh gay gắt và không cân sức với những phim "bom tấn" của Holiwood và những nước có nền điện ảnh phát triển khác. Những người thật sự quan tâm đến điện ảnh Việt Nam thừa nhận rằng, trong lĩnh vực phát hành, chỉ có nước nào mà Chính phủ có chính sách bảo hộ mậu dịch cho phim ảnh của mình, có quy định rõ ràng, dành một thời lượng thích đáng cho phim ảnh dân tộc thì điện ảnh nước đó mới "chống cự" được, tồn tại được trong làn sóng phim ngoại ồ ạt hiện nay. Sức sống của một nền điện ảnh phải là chất lượng của những phim sản xuất trong nước và chỗ đứng của nó trong lòng công chúng. Nhưng câu hỏi bao giờ đủ 50% phim nội cho rạp theo như Luật Ðiện ảnh đã ban hành và có hiệu lực, thì vẫn đang chờ câu trả lời!