Trường đại học của nhân dân

Năm 1954, sau khi hòa bình được lập lại, Bác Hồ rất quan tâm tới lực lượng trí thức ở trong vùng mới giải phóng, nhất là ở các đô thị. Trước tiên là hàng ngàn thanh niên đã học xong Trung học hay đang học dở Tú tài, Ðại học. Các trường của chế độ mới thì chưa kịp ra đời, các trường cũ vừa ít, vừa đang bị xáo trộn trước tình thế mới. Ðây là một lực lượng thanh niên trí thức trẻ hăng hái, có thể sử dụng tốt cho cách mạng. Nếu không giúp họ hiểu cách mạng và tình thế mới, không những bỏ rơi một lực lượng quan trọng, mà họ dễ bị bọn xấu lợi dụng.

Chỉ ba tháng sau tiếp quản Thủ đô, Chính phủ mở Trường đại học Nhân dân Việt Nam do Giáo sư Hoàng Minh Giám làm Hiệu trưởng. Chương trình dạy của trường không đi vào các ngành Khoa học Kỹ thuật, Xã hội nhân văn... mà trang bị một số kiến thức sơ giản về cách mạng dân tộc, dân chủ, về lý tưởng Xã hội chủ nghĩa, nhiệm vụ thanh niên... Một vạn rưỡi thanh niên Hà Nội và các tỉnh (có một ít ở vùng tự do) tập trung ăn học một năm rưỡi ở khu Ðấu xảo cũ (nay là Cung Văn hóa Hữu nghị). Nhiều vị lãnh đạo cao cấp của Ðảng và Nhà nước, nhiều giáo sư nổi tiếng đã đến giảng hay báo cáo. Vinh dự lớn nhất là được Bác Hồ tới nói chuyện trong buổi khai mạc.

Tối 19-1-1954 là kỷ niệm không bao giờ quên của học sinh và cán bộ nhân viên nhà trường. Mọi người ngồi nghe như nuốt từng lời của Bác. Một câu nói của Bác mà từ đó về sau mọi thanh niên không chỉ ở trong trường mà trên khắp nước coi là lẽ sống, luôn ở trong đầu: "Nhiệm vụ thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì, mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà?". Lời dạy đó đã khiến cho bao nhiêu thanh niên không quản hy sinh sức lực, cả tính mạng để giành độc lập tự do cho Tổ quốc.

Sau khi học xong (ngay cả một ít khi đang học), các học sinh được chọn đi học tiếp Ðại học trong hoặc ngoài nước, một số được nhận công tác ở các cơ quan. Nhiều người về sau trở thành cán bộ cốt cán trong bộ máy Nhà nước. Một số thành danh trên các lĩnh vực. Hằng năm, những cựu học sinh ấy lại gặp mặt để ôn lại những kỷ niệm về "thuở ban đầu lưu luyến dễ đâu quên" ấy.

Không sau, các trường đại học, cao đẳng, cấp ba của chế độ mới lần lượt ra đời, tập hợp học sinh vào học, Trường đại học Nhân Dân không cần thiết nữa. Nhưng có một đối tượng cần được nghiên cứu về cách mạng để làm việc tốt hơn. Ðó là những trí thức và công chức sống trong chế độ cũ.

Do những hoàn cảnh khác nhau, họ không ra vùng tự do tham gia kháng chiến, nhưng trong họ có những người là cơ sở bí mật của cách mạng, hoặc bằng cách của mình ủng hộ kháng chiến. Lúc Pháp phải rút vào Nam, họ đã chống lại dụ dỗ hoặc cưỡng ép, ở lại miền Bắc với cách mạng, nhiều người tham gia đấu tranh không cho địch phá hay chuyển máy móc, tài liệu đi.

Ba lớp nghiên cứu chính trị được giao cho Trường đại học Nhân Dân đảm trách ở Thái Hà ấp trong hai năm 1956 và 1957. Học viên là các trí thức và công chức cao cấp, trung cấp ở các ngành y tế, giáo dục, hành chính, tư pháp, kỹ thuật, nghề tự do... Mỗi lớp khoảng bốn tháng, nghiên cứu đường lối chính sách của Ðảng, lịch sử cách mạng, lịch sử Ðảng, v.v. Lớp nào cũng vinh dự được Bác Hồ đến thăm và nói chuyện. Bác tỏ thái độ trọng thị, ân cần, thân mật. Với đối tượng trí thức có học ít hay nhiều chữ Nho này, Bác thường dẫn những câu kinh điển của sách Nho hồi xưa, và vận dụng phù hợp hiện đại.

Mọi người rất cảm phục khi Bác dẫn câu trong sách Ðại học xưa: "Ðại học chí đạo tại minh minh đức, tại thân dân". Bác giải thích: Học (cả dạy nữa) Ðại học là nhằm đạt đến mục đích: 1- Minh đức, có nghĩa là làm cho đức trong sáng. Tức cũng là chính tâm, rèn luyện lòng trong sáng, ngay thẳng, không để tà tâm. 2- Thân dân, có nghĩa là phục vụ nhân dân. Tất nhiên muốn phục vụ tốt nhân dân thì phải nắm vững kiến thức.

Vốn sẵn kính phục Bác Hồ từ trước, lại được Bác đến thăm và nói chuyện ân cần, những người trí thức đã một thời bị chế độ cũ bưng bít xuyên tạc, nay được cởi mở tâm can, hiểu cách mạng, hiểu Ðảng thêm nhiều. Về công tác, họ nhanh hòa mình trong các cơ quan, công sở, không bao lâu xóa được sự phân biệt cán bộ lưu dụng với kháng chiến. Nhiều người trở thành những cán bộ cốt cán hoặc chủ lực của chế độ mới.

Nhìn lại chủ trương thành lập và hoạt động của Trường đại học Nhân Dân một thời, thấy tấm lòng và thái độ trân trọng của Bác Hồ và của Ðảng ta với trí thức thật là rộng rãi, đúng đắn.