Những lão quân “cựu” mà “tân” ở Hà Nội

Trong nhiệm kỳ từ năm 2002 đến 2007, Hội Cựu chiến binh Hà Nội đã đoàn kết phấn đấu đạt nhiều thành tựu trên các mặt, hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu mà Ðại hội lần thứ III Hội Cựu chiến binh Việt Nam đề ra.

Hội được xây dựng phát triển vững mạnh, hội viên tích cực tham gia các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh, quốc phòng ở địa phương. Hội thực hiện giúp nhau nâng cao đời sống, cơ bản xóa được nghèo, nhiều hội viên làm ăn khá  và giàu lên.

Hội phối hợp các đoàn thể trong MTTQ tham gia thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và tham gia xây dựng đời sống văn hóa, văn minh, thanh lịch của Thủ đô...

Ðến dự Ðại hội của những lão quân thủy chung với cách mạng, ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu ý kiến, nêu rõ: Ban Thường vụ Thành ủy đã tổ chức tổng kết năm năm thực hiện Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị và ban hành Chỉ thị số 16 tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị (khóa IX) về "Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác Cựu chiến binh trong giai đoạn cách mạng mới".

Thường vụ Thành ủy biểu dương những thành tích xuất sắc của Hội Cựu chiến binh và khẳng định, lực lượng cựu chiến binh thành phố là chỗ dựa tin cậy của các cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là ở cơ sở; đã góp phần tích cực vào việc hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của Thủ đô.

Hội Cựu chiến binh Hà Nội hiện có 79.344 hội viên, trong đó cấp tướng 207 người; tham gia cấp ủy (từ chi ủy viên trở lên) 7.090 người; tham gia tổ chức chính quyền (từ tổ phó dân phố trở lên) 9.038 người...

Thiếu tướng Trịnh Thanh Vân, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Hà Nội tự hào nói: Hội viên Cựu chiến binh Hà Nội  luôn kiên định, tin tưởng con đường đi lên CNXH của cách mạng nước ta và đường lối, chủ trương, những quan điểm có tính nguyên tắc của Ðảng, đặc biệt là đường lối đổi mới. Vì hầu hết cựu chiến binh tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến với lòng khát khao giành độc lập, tự do.

Quá trình tham gia cách mạng, kháng chiến, các thế hệ cựu chiến binh mang trong mình dòng máu yêu nước, tinh thần bất khuất của dân tộc, được Ðảng giác ngộ, giáo dục, niềm tin càng được củng cố trên cơ sở lý luận khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Các cấp hội và hội viên Cựu chiến binh Hà Nội nhất trí cao các quan điểm đã được xác định tại Ðại hội lần thứ X của Ðảng. Ðó là hệ thống quan điểm lý luận về công cuộc đổi mới, về xã hội XHCN và con đường đi lên CNXH. Xã hội XHCN mà Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta xây dựng là: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, do nhân dân làm chủ, có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất phù hợp trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; con người được giải phóng khỏi áp bức bất công, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng tiến bộ; có Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản; có quan hệ hữu nghị hợp tác, bình đẳng vì hòa bình và phát triển với các nước láng giềng.

Cựu chiến binh Trịnh Thanh Vân bộc bạch: Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" là một sinh hoạt chính trị lớn, rộng khắp nhằm nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên cũng như quần chúng nhân dân.

Ðáng chú ý là, Hội Cựu chiến binh các cấp ở Thủ đô động viên hội viên tích cực tham gia các hội nghị nhân dân ở khu dân cư, đấu tranh kiên quyết, vạch rõ những hành vi chống phá của các phần tử cơ hội, của các thế lực phản động, như: Ở Hội nghị nhân dân phường Bách Khoa đấu tranh với Nguyễn Văn Ðài; nhân dân phường Ðức Giang đấu tranh với Trần Khải Thu Thủy; nhân dân phường Tràng Tiền đấu tranh với Nguyễn Khắc Toàn; cựu chiến binh phường Trần Hưng Ðạo đấu tranh với Hoàng Minh Chính... Mong họ tỉnh ngộ trở về với nhân dân, phấn đấu là những công dân có ích của xã hội.

Ðược các cán bộ lãnh đạo của Hội Cựu chiến binh Hà Nội giới thiệu, tôi tìm gặp Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, hiện ở tổ dân phố 64, thuộc phường Liễu Giai, quận Ba Ðình. Theo cựu chiến binh Nguyễn Văn Ninh, để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trên khắp mọi miền đất nước, những ngày đầu tháng 6 vừa qua, T.Ư Ðảng và Thành ủy Hà Nội chọn quận Ba Ðình tổ chức điểm Hội thi "Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".

Trong 53 thí sinh được tuyển chọn từ 30 tổ chức cơ sở tham gia Hội thi vòng sơ khảo; Thiếu tướng là một trong chín thí sinh lọt vào vòng chung khảo và đoạt giải nhì Hội thi. Cách đây 30 năm, là Tiểu đoàn trưởng 64, thuộc Trung đoàn tên lửa 236 đầu tiên của Sư đoàn Phòng không Hà Nội và của Quân chủng Phòng không - Không quân, do lập thành tích xuất sắc chiến đấu bảo vệ bầu trời Thủ đô, đồng chí vinh dự được thưởng Huy hiệu của Bác Hồ ngay tại trận địa chiến đấu.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Ninh xúc động nói: Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là cơ sở vững chắc cho sự hoàn thiện hơn về phẩm chất đạo đức của mỗi cá nhân. Ðiều đó càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết khi chúng ta muốn xây dựng một nền kinh tế phát triển mạnh nhưng vẫn bảo tồn được giá trị tinh thần của dân tộc mà hình tượng Hồ Chí Minh là một sự hội tụ đầy đủ nhất. Cứ nghĩ đến Bác Hồ kính yêu lòng ta trong sáng hơn và điều quan trọng nhất là sự tự học, tự rèn luyện và hướng thiện của mỗi người.

78 tuổi đời, 59 năm tuổi đảng, 57 tuổi quân, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh đã về hưu mười năm nay nhưng ông không nghỉ mà tiếp tục tham gia công tác ở địa phương, hiện là Chi hội trưởng Cựu chiến binh 12 của phường Liễu Giai, quận Ba Ðình.

Ông cho biết, Chi hội 12 có 26 hội viên, thì 16 người là cấp Tướng. Ở tuổi xưa nay hiếm nhưng mỗi chúng tôi đều nhắc nhau: cựu mà tân. Tất cả các hội viên của Chi hội đều thực hiện tốt các quy định đề ra. Năm 2007, gia đình Thiếu tướng Vũ Trọng Kính, nguyên Cục Phó Quân y, là gia đình văn hóa tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội, được dự Hội nghị toàn quốc; Trung tướng Lê Khoa, nguyên Cục trưởng Tài chính Bộ Quốc phòng, làm tốt công tác phụ trách tài chính của Hội Khuyến học Việt Nam, đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QÐND Việt Nam, trong năm đã viết hàng chục bài đăng các báo, cuốn sách kinh nghiệm công tác chính ủy và chính trị viên trong quân đội do ông viết đã được Nhà xuất bản QÐND ấn hành; cựu chiến binh Trung tướng Trần Quang Khánh, nguyên Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng là một trong những thành viên của tập thể những nhà khoa học trong và ngoài quân đội được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Với tinh thần trách nhiệm, niềm vui, vì nhân dân phục vụ, các cựu chiến binh của Chi hội 12 thật sự là tấm gương sáng động viên con cháu học tập giỏi, đấu tranh không có một tệ nạn xã hội trên địa bàn dân cư, đồng thời chăm sóc giúp đỡ nhau lúc trái nắng, trở giời. Những lão quân cựu mà tân của Chi hội Cựu chiến binh 12 xứng đáng là Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận mới.