Còn hiếm những gương mặt diễn viên điện ảnh chuyên nghiệp

Cảnh trong phim <b>Thời xa vắng</b>.
Cảnh trong phim <b>Thời xa vắng</b>.

Năm 1964, bộ phim Biển lửa của đạo diễn Phạm Kỳ Nam ra đời. Người xem bị cuốn hút bởi một nhân vật mang tính cách độc đáo, thầy ký, qua diễn xuất sinh động, nhiều mầu sắc của một diễn viên trẻ có tên Trịnh Thịnh.

Từ bộ phim đầu tiên ấy, suốt mấy chục năm sau cái tên Trịnh Thịnh là niềm tự hào của điện ảnh Việt Nam. Tên tuổi ông gắn liền với những bộ phim nổi tiếng. Những nhân vật do ông thể hiện gợi ấn tượng mạnh mẽ với công chúng.

Diễn xuất của Trịnh Thịnh có vị trí đặc biệt với một dạng vai diễn sở trường, như nhiều nhà nghiên cứu phê bình điện ảnh đã phải thốt lên: "Ông sinh ra để đóng phim và đặc biệt để đóng các vai nông dân và vai hài".

Giờ đây, dù tuổi cao sức yếu, Trịnh Thịnh ít có cơ hội xuất hiện trên màn ảnh, song những vai diễn cách đây mấy chục năm của ông vẫn được công chúng nhớ tới và đặc biệt được sử dụng làm minh họa trong các bài giảng về nghệ thuật diễn xuất cho các thế hệ nghệ sĩ kế cận.

Vậy điều gì đã khiến một diễn  viên vốn xuất thân là một cán bộ ngân hàng, bằng niềm say mê đã đến với điện ảnh và ghi dấu ấn sâu đậm như vậy?

Người ta chỉ có thể tìm thấy câu trả lời: Từ tài năng và sự khổ luyện. Chính điều ấy khiến nhiều nghệ sĩ như Trịnh Thịnh, bằng diễn xuất của mình, đã làm nên tầm vóc của một thời điện ảnh, mà hôm nay, khi nhắc tới, người ta vẫn lưu luyến gọi: Thời kỳ điện ảnh vàng son. Một thời kỳ, nói tới phim, bất cứ người xem nào cũng có thể kể tên những diễn viên điện ảnh bằng lòng tự hào, ngưỡng mộ và sự trân trọng.

Quay lại đời sống điện ảnh hôm nay. Có nhà đạo diễn kiêm quản lý một hãng phim danh tiếng, mới đây, trong diễn đàn về nghề đã cảnh báo: Ðiện ảnh Việt Nam đang trên đà tụt dốc bởi sự nghiệp dư. Ðiều cảnh báo dẫu không phải sớm ấy được nhìn thấy rõ nhất có lẽ ở đội ngũ diễn viên.

Nếu điện ảnh là nghệ thuật của diễn xuất và diễn xuất điện ảnh mang tính đặc thù riêng biệt hơn những loại hình nghệ thuật diễn xuất khác (mà cụ thể là sân khấu) thì điều này hiện nay chưa thật sự được coi trọng đúng mức.

Giống như nhiều nền điện ảnh trẻ tuổi khác, lực lượng diễn viên chuyên nghiệp của nước ta chỉ mới hình thành cuối thập kỷ 50 tại Hà Nội, từ hai nguồn: Số diễn viên lồng tiếng Việt vào phim nước ngoài và lớp diễn viên điện ảnh khóa 1, do điện ảnh kháng chiến tổ chức đào tạo với sự giúp đỡ của điện ảnh Liên Xô (cũ). Những diễn viên thuộc các thế hệ này đã thật sự góp phần đáng kể cho sự phát triển của điện ảnh trong quá khứ như đã nói trên.

Tuy nhiên, theo thời gian, những gương mặt lão làng đang vắng bóng dần, trong khi lực lượng kế cận mới chưa đủ sức thay thế.

Một thực tế tồn tại từ nhiều thập kỷ qua là hầu hết diễn viên điện ảnh đều được lấy từ nguồn đào tạo của sân khấu hoặc từ sân khấu chuyển sang. Ngay tại Trường đại học Sân khấu và Ðiện ảnh thì hiện nay cũng chưa có một lớp học nào dành riêng cho diễn viên điện ảnh. Tất cả các sinh viên đều được học chung một lớp gọi là lớp diễn viên, bài thực hành chủ yếu bằng các vở kịch.

"Khi đóng phim các em phải tự biết mà điều chỉnh cách diễn xuất" - Ông Nguyễn Thanh, Trưởng phòng Quản lý Học sinh - sinh viên của trường nói.

Và thực tế, nếu sinh viên nào có chút năng khiếu được phát hiện liền sớm nhập cuộc với phim truyền hình. Diễn xuất của họ may mắn được thực hành, thể nghiệm cũng chủ yếu qua phim truyền hình. Ðào tạo điện ảnh đang hướng tới... truyền hình là điều được chính các giáo viên Trường đại học Sân khấu Ðiện ảnh thừa nhận.

Và thực tế, hằng năm lượng học sinh tốt nghiệp khoa diễn viên của trường chủ yếu cũng chỉ bổ sung cho các nhà hát, các đoàn kịch trung ương và địa phương.

Ðã từ rất lâu trong tuyển dụng biên chế của các hãng phim truyện đã không còn vị trí cho diễn viên. Vậy là khi làm phim, các đạo diễn bắt đầu "rà soát" các nhà hát, các đoàn kịch, "ký hợp đồng thời vụ" với họ.

Tuy vậy, lực lượng này cũng không phải dư dả, một vài gương mặt nổi trội xuất hiện hết phim này sang phim khác với một kiểu diễn xuất na ná nhau khiến người xem thấy vô cùng nhàm chán, tẻ nhạt. Và đã có không ít lời ca thán, than phiền về các diễn viên trẻ hiện nay. Sự "ăn xổi ở thì" hay tình trạng "bán lúa non" cho phim truyền hình là điều luôn được cảnh báo đối với các diễn viên trẻ.

NSND Trà Giang, trong cuộc trao đổi ý kiến về vấn đề này cũng nói: "Tôi có cảm giác hiện nay các diễn viên trẻ không được xã hội tôn trọng lắm và chính họ cũng không cảm thấy điều này là quan trọng... Hình như họ đang tự đánh mất chính mình bằng sự dễ dãi...".

Nếu điện ảnh là môn nghệ thuật luôn đòi hỏi sự tìm tòi sáng tạo và nuôi dưỡng cảm xúc trong diễn xuất thì điều này đang bị các nghệ sĩ trẻ xem nhẹ.

Nhiều đạo diễn, nghệ sĩ nổi tiếng từng làm phim cùng NSND Trịnh Thịnh kể lại: Với Trịnh Thịnh, mỗi lần nhận vai, dù chính hay phụ, ông đều nghiên cứu kỹ kịch bản, học thuộc thoại, đề nghị đạo diễn sửa thoại chưa thích hợp, bàn bạc trước với đạo diễn về cách diễn, nếu đạo diễn không chấp nhận, lại suy nghĩ tìm tòi cách diễn khác. Sau buổi quay, ông luôn ghi lại phục trang, đạo cụ đã sử dụng trong một cuốn sổ riêng... Tất cả những điều đó giờ đây liệu có diễn viên trẻ nào học tập?

Ðạo diễn, NSƯT Khải Hưng bức xúc về điều này, kể: Hàng loạt những gương mặt trẻ được phim truyền hình mời mọc sau vài bộ phim hoặc vài chương trình giải trí, gây được chú ý phần nào với công chúng, tưởng mình đã là "sao" vậy là có "thái độ" với các đạo diễn.

"Khi tôi mời họ làm phim, thay vì hỏi nội dung kịch bản có phù hợp không, họ hỏi tôi về thù lao và không ngần ngại đề xuất luôn mức thù lao "trên trời". Ðã thế, đến ngày giờ quy định, đoàn làm phim, trong đó có cả những diễn viên cao tuổi, ngồi chờ dài cổ các "sao". Mười giờ sáng "sao" uể oải mang bộ mặt thiếu ngủ vì trận tá lả đâu đó đêm qua đến và hất hàm bảo trợ lý đạo diễn: "Chờ chút, ăn sáng đã!".

Dễ dãi trong nghề khiến không ít diễn viên trẻ từng nổi tiếng, được lăng-xê trong vài phim rồi sau đó bỗng tắt lịm, bị công chúng quay lưng. Gần đây, để tạo hứng thú mới cho người xem, một số đạo diễn những tưởng "thay máu" cho phim mình bằng cách tìm kiếm các gương mặt mới mà chủ yếu là từ nguồn các hoa khôi, người mẫu thời trang và cả ca sĩ.

Tuy nhiên, nhan sắc của những hoa hậu, người mẫu với những trang phục mốt nhất cũng chỉ níu kéo người xem với sự tò mò ở khía cạnh thương mại giải trí, quyết không phải là thứ nghệ thuật đích thực. Và những ngôi sao điện ảnh nhất thời, mang tính tự phát ấy không thể bổ sung vào danh sách nghệ sĩ đích thực vốn đang thưa thớt của lực lượng diễn viên chuyên nghiệp.

Ai cũng biết, với bất kỳ một nền nghệ thuật nào, đội ngũ nghệ sĩ tài năng và chuyên nghiệp luôn là tiêu chí để người ta nhận biết tầm vóc của nền nghệ thuật đó.

Ðiện ảnh Việt Nam hiện đang thiếu vắng đến khủng hoảng một đội ngũ diễn viên tài năng và chuyên nghiệp? Ðiều này thật sự là nỗi trăn trở không chỉ với các nhà quản lý điện ảnh.