Niềm xúc động và tự hào của những người góp phần làm nên lịch sử

Niềm xúc động và tự hào của những người góp phần làm nên lịch sử

Trong không khí tưng bừng kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, hơn 300 đại biểu Anh hùng, chiến sĩ Điện Biên năm xưa đã cùng tụ hội  tại Thủ đô Hà Nội, dự cuộc gặp mặt thân mật, đầy ý nghĩa do Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Hội Cựu chiến binh Hà Nội tổ chức sáng nay, đúng vào ngày cách đây 50 năm – 13-3-1954, chiến dịch Điện Biên Phủ  bắt đầu.

Các đại biểu phấn khởi và xúc động đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch danh dự Hội Cựu chiến binh Việt Nam tới dự.

Dự cuộc gặp mặt có Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử điện Biên Phủ; Tổng Thư ký UBTƯMTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm; đại diện Bộ Quốc phòng và các ban, ngành, đoàn thể Trung ương; đại diện Tỉnh ủy Điện Biên; các Đại đoàn và Cơ quan Ban chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tay bắt mặt mừng, niềm vui và nỗi xúc động hiện rõ trong ánh mắt, nụ cười của những người đồng chí, đồng đội sau bao năm mới có ngày hội ngộ. Nửa thế kỷ đã trôi qua, những người lính trẻ năm xưa nay đã ở tuổi thất thập nhưng những kỷ niệm về 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, kiên cường với bao khó khăn, gian khổ, hy sinh vẫn không phai mờ trong ký ức.

Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Tổng Chỉ huy mặt trận Điện Biên lịch sử, xuất hiện với mái tóc bạc, vầng trán cao và nụ cười rạng rỡ, các cựu chiến binh hân hoan chào đón bằng tràng pháo tay giòn giã. Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi lời thăm hỏi thân thiết tới những người bạn chiến đấu năm xưa. Tưởng nhớ tới những người đồng chí, đồng đội đã anh dũng hy sinh trong chiến dịch Điện Biên lịch sử, Đại tướng xúc động nói: Hình ảnh của các đồng chí còn mãi với non sông đất nước Việt Nam với những người bạn chiến đấu, với nhân dân và những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Ôn lại những kỷ niệm của 50 năm về trước, Đại tướng mong các chiến sĩ Điện Biên luôn phát huy tinh thần, khí thế Điện Biên, tham gia vào cuộc chiến đấu chống đói nghèo, lạc hậu, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân làm nên một Điện Biên Phủ mới, đưa sự nghiệp đổi mới đất nước đến thắng lợi.

Thay mặt Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Trung tướng Đặng Quân Thụy, Chủ tịch Hội đã trao cho đại diện lãnh đạo tỉnh Điện Biên hơn 4,5 tỷ đồng do cựu chiến binh cả nước đóng góp tặng nhân dân tỉnh Điện Biên xây dựng công trình văn hóa; đồng thời trao 55 triệu đồng của cơ quan Trung ương Hội ủng hộ cựu chiến binh tỉnh Điện Biên.

Trong tiết xuân ấm áp đất Thủ đô, những người lính Điện Biên cùng nhau ôn lại những kỷ niệm, những chiến công đầy tự hào và khoảnh khắc lịch sử 17 giờ 30 phút ngày 7-5-1954 lá cờ quyết chiến quyết thắng của quân đội ta tung bay trên nóc hầm De Castrie trong tiếng reo hò vang dậy "Điện Biên Phủ đại thắng".

Trong quân phục chỉnh tề lấp lánh huân huy chương, Đại tá Hoàng Đình Vinh không giấu được sự xúc động gặp lại những đồng đội cũ thuộc Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 trong chiến dịch Điện Biên. Là tiểu đội trưởng tiểu đội 2, thuộc tiểu đoàn 130, đại đội 360 bộ binh, bác Vinh là một trong năm người được tham gia mũi thọc sâu do đại đội trưởng Tạ Quốc Luật chỉ huy, vào hầm bắt sống tướng De Castrie cùng toàn bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. 40 năm trong quân ngũ, từng tham gia bao chiến trường ác liệt nhưng nhắc lại thời khắc lịch sử của 50 năm về trước bác vẫn nhớ lúc hô "haut les mains" buộc tướng De Castrie phải giơ tay hàng. Bác tâm sự: "Được là một trong năm chiến sĩ đại diện cho các lực lượng tham gia chiến dịch được Bác Hồ tự tay gắn Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên, Huy hiệu của Người và Huân chương Chiến sĩ hạng Nhất tại chiến khu Việt Bắc ngay sau khi kết thúc chiến dịch là niềm vui và niềm vinh dự nhất của tôi".

Trong niềm vui của ngày hội ngộ, Anh hùng Điện Biên Chu Văn Mùi, người tiểu đội trưởng thông tin liên lạc của Đại đoàn 308 năm xưa lại chạnh lòng nhớ tới những đồng đội đã anh dũng hy sinh trong chiến dịch Điện Biên. Bình dị, khiêm nhường, bác tâm sự về ước nguyện được trở lại thăm chiến trường xưa, thăm những người bạn đã nằm lại trên mảnh đất này và nhớ những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4 của 50 năm về trước khi bác cùng đồng đội tham gia trận chiến quyết liệt trên đồi A1 , giữ vững “làn sóng điện”, bảo đảm thông tin liên lạc.

Nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng bác Nguyễn Quang Thuận, chiến sĩ Đại đoàn 315 - đơn vị pháo cao xạ đầu tiên của nước ta, người đã ba lần được tặng Huân Chương chiến công trong chiến dịch Điện Biên, vẫn trân trọng, nâng niu gìn giữ những kỷ vật thiêng liêng là tấm Huy hiệu Bác Hồ và tấm hình chụp chung với Bác. Bác Thuận bồi hồi nhớ lại niềm vui sướng, tự hào khi được chọn là một trong năm chiến sĩ xuất sắc nhất của các quân chủng về chúc thọ Bác Hồ vào ngày 19-5-1954 ở chiến khu Việt Bắc, được ăn cơm với Bác và được Bác gắn Huy hiệu lên ngực áo.

Gặp những người bạn cùng chung chiến hào thuở nào, Anh hùng LLVT Trần Đình Hùng, xạ thủ số 1 của Đại đội trợ chiến DKZ 57 - Sư 308 Anh hùng, bùi ngùi nhớ lại những ngày hành quân xuyên rừng, hết lương thực phải đào củ mài, kiếm măng ăn tạm cho đỡ đói lòng; những ngày chiến đấu trong lòng chảo Điện Biên, ngày nằm hầm, đêm đào giao thông hào giữa đạn bom ác liệt.

Cuộc gặp mặt đầy xúc động, thắm tình đồng chí, đồng đội nhân ngày hội lớn của dân tộc đã để lại trong lòng những chiến sĩ Điện Biên niềm tin tưởng, tự hào về truyền thống Bộ đội Cụ Hồ. Những người cựu chiến binh nguyện cùng phát huy tinh thần Điện Biên, ý chí, nghị lực và trí tuệ Điện Biên trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước, để Điện Biên mãi mãi âm vang trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.