Đông – Nam Á trong đại dịch Covid-19

NDO -

NDĐT – Không nằm ngoài xu hướng gia tăng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới do chính sách biên giới mở cửa, là điểm đến hút khách du lịch trên thế giới, khu vực Đông Nam Á đang chứng kiến số ca Covid-19 gia tăng trong những ngày gần đây, buộc chính phủ một số quốc gia trong khu vực phải thực hiện các biện pháp ngăn chặn và phòng ngừa mạnh mẽ.

Lực lượng khử trùng tại thành phố Manila, thủ đô đầu tiên tại Đông - Nam Á áp dụng lệnh phong tỏa để ngăn chặn Covid-19 (Ảnh: AP)
Lực lượng khử trùng tại thành phố Manila, thủ đô đầu tiên tại Đông - Nam Á áp dụng lệnh phong tỏa để ngăn chặn Covid-19 (Ảnh: AP)

Cho tới nay, Malaysia là quốc gia có số ca Covid-19 cao nhất trong khu vực. Theo số liệu cập nhật của Bộ Y tế Malaysia, tính đến hết ngày 16-3, nước này có 553 ca Covid-19, trong đó có 42 ca phục hồi và xuất viện. Đáng chú ý, trong ngày 16-3 nước này chứng kiến số ca Covid-19 tăng cao đột biến với 125 ca mới.

Trong tổng số 553 ca Covid-19, có hơn 300 ca liên quan những người tham dự một sự kiện được tổ chức tại thánh đường ở Sri Petaling từ ngày 28-2 đến 1-3. Sự kiện tôn giáo này có sự tham dự của 16 nghìn người. Không chỉ làm gia tăng số ca Covid-19 ở Malaysia, mà còn làm gia tăng số ca Covid-19 tại các quốc gia láng giềng Brunei, Singapore, và Indonesia.

Trong động thái kiên quyết, phát biểu trên truyền hình tối 16-3, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin tuyên bố đóng cửa đất nước từ ngày 18 đến 31-3 để nỗ lực ngăn chặn và dập dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh mẽ tại quốc gia này. Theo đó, ngừng tất cả các hoạt động tụ tập đông người gồm hoạt động tín ngưỡng (gồm cả buổi cầu nguyện ngày thứ Sáu hằng tuần), thể thao, văn hóa và giải trí, xã hội. Kể cả các nơi cầu nguyện, cả các cơ sở của chính quyền cũng như khu vực tư nhân cũng sẽ bị đóng cửa, trừ những cơ sở cung cấp dịch vụ thiết yếu như viễn thông, vận tải, ngân hàng, y tế, dược phẩm, cảng biển, sân bay, cung cấp lương thực và dịch vụ vệ sinh. Tất cả trường học công và tư ở các cấp trên toàn quốc đều tạm thời đóng cửa.

Đặc biệt, trong thời gian đóng cửa này, tất cả người Malaysia bị cấm đi ra nước ngoài và không có khách du lịch hay người nước ngoài nào được phép vào Malaysia. Đối với công dân Malaysia từ nước ngoài trở về nước trong thời gian này sẽ phải kiểm tra y tế và tự cách ly trong vòng 14 ngày.

Trong tuyên bố sáng 17-3, Malaysia đã quyết định hoãn tổ chức hội nghị các quan chức tài chính và ngân hàng trung ương của các nền kinh tế thành viên Diễn dàn Hợp tác châu Á - Thái Bình Dương (APEC), dự kiến diễn ra từ ngày 17 đến19-3, do lo ngại dịch Covid-19. Theo dự kiến, Malaysia tổ chức hội nghị cấp cao APEC vào tháng 11 tới.

Trong các quốc gia Đông-Nam Á, Philippines là nước đưa ra biện pháp quyết liệt sớm nhất với lệnh phong tỏa thủ đô hơn 12 triệu dân Manila vào hôm 12-3.

Theo diễn biến mới nhất, Philipines trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đóng cửa thị trường chứng khoán do sự bùng phát của Covid-19. Trong tuyên bố sáng 17-3, nhà chức trách nêu rõ thị trường chứng khoán Philippines đóng cửa từ ngày 17-3 cho tới khi có thông báo tiếp theo để bảo đảm an toàn cho các nhân viên và các nhà giao dịch. Trong khi đó, các giao dịch tiền tệ và trái phiếu cũng tạm dừng tới ngày 18-3. Trước đó, thị trường chứng khoán Philippines đã sụt giảm 8% trong ngày 16-3 và 20% kể từ đầu tháng 3 tới nay, mức sụt giảm lớn nhất kể từ tháng 10-2008.

Trước đó, ngày 12-3, Tổng thống Phlippines Duterte đã thông qua sắc lệnh phong tỏa thủ đô Manila bằng việc ngừng toàn bộ hoạt động đi lại đường không, đường biển và đường bộ nội địa đến và đi từ thủ đô Manila, cấm tụ tập đông người, đóng cửa các trường học và cách ly các khu dân cư phát hiện trường hợp nhiễm Covid-19 trong khoảng thời gian từ 15-3 đến 14-4. Ngay sau đó, chính quyền thành phố này cũng ban bố lệnh giới nghiêm từ 8 giờ tối hôm trước tới 5 giờ sáng hôm sau trong thời gian thực hiện lệnh phong tỏa.

Đến ngày 16-3, chính phủ Philippines đã áp đặt biện pháp "cách ly cộng đồng tăng cường" trên toàn bộ hòn đảo chính Luzon của nước này. Theo đó, người dân trên khắp hòn đảo sẽ buộc phải ở trong nhà. Giao thông và mọi hoạt động khác cũng sẽ bị đình trệ, trừ các dịch vụ thiết yếu.

Cho tới nay, Philippines đã ghi nhận 142 ca Covid-19, trong đó có 12 ca tử vong và hai ca xuất viện sau hồi phục.

Đông – Nam Á trong đại dịch Covid-19 ảnh 1

Người dân Đông - Nam Á luôn nâng cao ý thức đeo khẩu trang ở nơi công cộng nhằm tránh lây lan Covid-19 (Ảnh: AP)

Singapore, mặc dù không ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia song ngày 16-3 đã công bố biện pháp quyết liệt, dứt khoát nhằm ngăn chặn đại dịch bùng phát tại quốc gia này trong bối cảnh số ca nhiễm mới từ nước ngoài tăng cao, 25 ca trong vòng hai ngày.

Chính phủ nước này thông báo từ 23 giờ 59 phút ngày 16-3, toàn bộ hành khách nhập cảnh vào Singapore từ các nước thuộc ASEAN, Nhật Bản, Anh và Thụy Sĩ, kể cả các công dân Singapore, sẽ phải tự cách ly 14 ngày. Những người này có thể sẽ được xét nghiệm nhanh ngay cả khi không có triệu chứng mắc bệnh.

Riêng khách du lịch đến từ các nước ASEAN phải hoàn thành thủ tục khai báo y tế và chờ được chấp thuận trước khi bay. Ngoài ra, Singapore khuyến cáo người dân hạn chế việc đi ra nước ngoài khi không cần thiết trong vòng 30 ngày tới.

Theo giải thích của Bộ trưởng Phát triển Quốc gia Lawrence Wong, do 90% ca nhiễm từ bên ngoài là công dân Singapore và những người có thẻ cư trú dài hạn từ nước ngoài trở về, việc áp đặt các biện pháp kiểm soát biên giới mới nhằm mục đích ngăn chặn các ca lây nhiễm từ bên ngoài, đồng thời ưu tiên nhân lực và vật lực y tế cho bệnh nhân Singapore trong bối cảnh dịch bệnh đang lây lan nhanh trong cộng đồng.

Theo báo cáo cập nhật của Bộ Y tế Singapore ngày 17-3, ngày 16-3 có số ca Covid-19 mới cao nhất từ trước đến nay với 17 ca, nâng tổng số ca nhiễm đến hết này 16-3 là 243 ca, trong đó 109 người đã được chữa khỏi và xuất viện, 13 người đang được điều trị tích cực.

Trong khi đó, tại đảo quốc Indonesia láng giềng, số ca nhiễm mới Covid-19 tăng khoảng 30% mỗi ngày, đến hết ngày 16-3 ở mức 134 ca nhiễm, trong đó có năm ca tử vong. Tuy nhiên, ngày 16-3, Tổng thống Joko Widodo khẳng định, Chính phủ Indonesia "không nghiêng về hướng ban hành chính sách phong tỏa" vào thời điểm này, mà hối thúc người dân tránh tụ tập đông người, cần giữ “khoảng cách tiếp xúc” ít nhất 2m, các công sở, doanh nghiệp, trường học làm việc và học tập từ xa tại nhà, người dân thực hiện các nghi lễ cầu nguyện tại nhà.

Nhấn mạnh việc ban hành chính sách phong tỏa ở cấp quốc gia hoặc khu vực thuộc thẩm quyền của chính quyền trung ương, Tổng thống Indonesia nói rằng các chính quyền khu vực không thể ban hành chính sách phong tỏa này. Tuy nhiên, ngày 16-3, chính quyền Đông Nusa Tenggara (NTT) đã thông báo tạm thời đóng cửa đường biên với quốc gia láng giềng Đông Timor nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 trong hai tháng. Đại diện lãnh sự của Đông Timor Jesuino Dos Reis Matas C ngày 16-3 nhấn mạnh, mặc dù nước này chưa ghi nhận ca nhiễm Covid-19 nào song hoàn toàn ủng hộ quyết định của NTT để bảo vệ người dân trước Covid-19.

Trong nỗ lực ngăn chặn và giảm thiểu tác động do Covid-19 bùng phát, tại cuộc họp trực tuyến chính phủ ngày 17-3, Tổng thống Jokowi đã kêu gọi các bộ ngành chính phủ cắt giảm chi tiêu, chuyển đổi ít nhất 40 nghìn tỷ Rp (2,66 tỷ USD) dự kiến cho các chuyến công tác và họp hành của chính phủ (đã bị hủy bỏ do dịch Covid-19) sang hỗ trợ người dân (đặc biệt là những người có thu nhập thấp và các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ) đang bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Là quốc gia ASEAN chưa ghi nhận ca nhiễm Covid-19 nào cho tới nay, chính phủ Lào đã khẩn trương thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn đại dịch Covid-19 ngay từ đầu. Trong thông báo mới nhất ngày 16-3, chính phủ nước này thông báo từ ngày 17-3 sẽ thực hiện cách ly bắt buộc đối với mọi trường hợp nhập cảnh vào Lào nếu bị sốt. Với những người nhập cảnh từ các nước có dịch nhưng không có biểu hiện nghi nhiễm hoặc không bị sốt thì phải thực hiện biện pháp tự cách ly bản thân trong vòng 14 ngày.

Chính phủ Lào cũng đã ra lệnh tạm đóng 10 cửa khẩu tiếp giáp các nước láng giềng, đồng thời khuyến cáo người dân hạn chế các chuyến đi không cần thiết qua biên giới để tránh nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Bên cạnh đó, trong những ngày qua, nhiều tỉnh của Lào đã đóng cửa một loạt cửa khẩu với các nước láng giềng. Ngoài ra, Chính phủ Lào đã cho phép đóng cửa các nhà trẻ và trường mẫu giáo trên toàn quốc bắt đầu từ ngày 17-3 cho đến hết kỳ nghỉ năm mới của Lào vào ngày 16-4.

Tại Thái Lan, dù chưa có bất kỳ một lệnh nào từ chính phủ, tỉnh Buri Ram, cách Bangkok khoảng 400km về phía Đông Bắc, trở thành địa phương đầu tiên ở Thái Lan áp dụng biện pháp cứng rắn để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Tỉnh trưởng tỉnh Buri Ram đã ban bố lệnh phong tỏa và có hiệu lực ngay lập tức. Tất cả những người ra vào tỉnh Buri Ram, kể cả người địa phương hay người bên ngoài đều bị yêu cầu kiểm tra y tế nghiêm ngặt và tự cách ly trong vòng 14 ngày. Việc cách ly sẽ được chính quyền và tình nguyện viên kiểm tra thường xuyên. Những người có biểu hiện bất thường về sức khoẻ sẽ ngay lập tức được đưa tới bệnh viện. Tỉnh này cũng cấm tụ tập quy mô trên 50 người bao gồm cả các cuộc họp, sự kiện giải trí hay nghi lễ tôn giáo. Lệnh này được duy trì trong vòng 30 ngày. Tất cả những người vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Sau khi có thông tin về số ca mắc Covid-19 cao kỷ lục được phát hiện trong một ngày ở mức 33 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca Covid-19 trên toàn quốc lên 147 ca tính đến hết ngày 16-3, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã kêu gọi người dân bình tĩnh và khẳng định, Chính phủ bảo đảm đủ nguồn cung nhu yếu phẩm. Trong cuộc họp của Trung tâm Xử lý dịch bệnh Covid-19 do Thủ tướng Prayut chủ trì, Thái Lan đã thông qua kiến nghị hoãn kỳ nghỉ Tết cổ truyền Songkran hay còn gọi là Lễ hội té nước, thường được tổ chức vào giữa tháng tư hằng năm, song chưa công bố lịch nghỉ bù.

Còn tại Myanmar, toàn bộ các rạp chiếu phim trên cả nước bắt đầu phải đóng cửa từ ngày 16-3 do lo ngại dịch Covid-19. Trước đó, ngày 13-3, Văn phòng Tổng thống Myanmar ra thông báo, chính phủ áp dụng quy định hạn chế các cuộc tụ tập đông người, các sự kiện như lễ hội té nước truyền thống Thingyan cho đến cuối tháng 4 tới.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp trong khu vực và trên thế giới, đêm 15-3, Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen đã ra chỉ thị, khuyến cáo công dân nước này không đến các nước châu Âu, Mỹ và Iran, đề phòng lây nhiễm dịch bệnh Covid-19. Những người Campuchia trở về nước từ các quốc gia châu Âu, Mỹ và Iran, phải được cách ly 14 ngày theo quy định của Bộ Y tế. Chính phủ Campuchia quyết định lùi thời gian tổ chức một số hoạt động quan trọng, trong đó có Diễn đàn Chính phủ Hoàng gia – Khu vực tư nhân, dự định tổ chức ngày 1-4 tới.

Sáng 16-3, Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia cũng ra thông báo, quyết định cho học sinh, sinh viên ở tất cả các bậc học trong cả nước nghỉ hè sớm cho đến khi có thông báo mới, nhằm tránh lây lan Covid-19. Cho tới nay, Campuchia đã ghi nhận 12 ca Covid-19.

Song song với việc thực hiện các biện pháp quyết liệt ngăn chặn Covid-19 lây lan, chính phủ nhiều nước Đông-Nam Á đã áp dụng nhiều biện pháp hỗ trợ nền kinh tế để giảm thiểu tác động do Covid-19 gây ra. Đa số các quốc gia thông qua các gói tài chính hỗ trợ các ngành kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 như hàng không, du lịch, dịch vụ, sản xuất công nghiệp. Các Ngân hàng trung ương tại Đông – Nam Á cũng áp dụng các biện pháp kích thích nền kinh tế như tiếp tục thực hiện giảm lãi suất.

Ngay từ khi dịch Covid-19 có dấu hiệu bùng phát mạnh tại Trung Quốc, các quốc gia Đông – Nam Á đã tăng cường các biện pháp phối hợp, trao đổi thông tin và thể hiện quyết tâm ngăn chặn và dập dịch. Ngày 15-2, trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã ra Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN về Ứng phó chung của ASEAN trước bùng phát của dịch bệnh. Tuyên bố bày tỏ quan ngại của các nhà lãnh đạo ASEAN về diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tác động nghiêm trọng đến đời sống người dân và sự phát triển của các nước ASEAN cũng như ở khu vực và trên thế giới. Nhấn mạnh đoàn kết ASEAN và tinh thần “Gắn kết và Chủ động thích ứng” của Cộng đồng, các nhà lãnh đạo ASEAN khẳng định cam kết mạnh mẽ chung tay kiểm soát và ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, bảo đảm cuộc sống bình yên cho người dân.

Tuyên bố nhấn mạnh ASEAN sẽ tăng cường phối hợp ở cả cấp quốc gia và khu vực; điều phối các hoạt động hợp tác chung giữa các kênh chuyên ngành liên quan để thống nhất cách tiếp cận đồng bộ, hiệu quả của Cộng đồng ASEAN cũng như tăng cường hợp tác với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các đối tác, các tổ chức quốc tế trong phòng chống và kiểm soát dịch bệnh.

Dù hiện các ca nhiễm mới vẫn gia tăng trong khu vực, nhưng trong bối cảnh các khu vực khác trên thế giới chứng kiến sự bùng phát đột biến các ca nhiễm và tử vong do Covid-19, với các biện pháp ngăn chặn và phòng dịch quyết liệt, nhanh chóng ngay từ khi Covid-19 bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc từ cuối năm ngoái, cho tới nay, những nỗ lực của các chính phủ Đông – Nam Á đã phần nào cho thấy tính hiệu quả, góp phần giảm thiểu sự bùng phát Covid-19 trên diện rộng.