Isabelle Durin: "Tôi biết ơn nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ"

Nghệ sĩ Isabelle Durin.
Nghệ sĩ Isabelle Durin.

* Được biết, mối quan hệ của chị với nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ khởi xướng từ cha chị. Vậy chị chơi nhạc của Nguyễn Văn Quỳ trước tiên là vì yêu thích nó, hay là vì mối quan hệ con người thân tình đó nhiều hơn?

- Cha tôi là hiệu trưởng một trường trung học phổ thông, nơi có một số học sinh Việt Nam theo học. Ông còn sáng lập một hiệp hội liên kết Pháp ngữ, và kết giao với Việt Nam nên có nhiều cơ hội sang thăm đất nước các bạn.

Tôi không biết ông quen nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ trong hoàn cảnh nào, nhưng khi ông nhận được những bản tổng phổ sáng tác của nhạc sĩ kèm đĩa ghi âm, ông đã đưa chúng cho tôi. Tôi nghe và thấy thực sự rung cảm.

Tôi nhận ra được những xúc động của tác giả trong âm nhạc, những sự khác biệt trong cấu trúc và giai điệu so với các sáng tác mà tôi từng biểu diễn. Nó có một chất lượng nghệ thuật nhất định nên tôi thực sự muốn chơi. Lý do thứ hai song song là vì nhạc sĩ Quỳ, vì mối quan hệ rất con người giữa ông và chúng tôi. Hai lý do này quan trọng như nhau (cười).

* Thử hình dung nếu nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ không phải ở Việt Nam mà ở Paris chẳng hạn, các sáng tác của ông liệu có thể đạt được một danh tiếng nghệ thuật ở tầm mức quốc tế nhất định?

- Đây là một hình dung khó khăn... nhưng tôi cho rằng rất có thể. Âm nhạc của ông được sáng tác từ những năm cuối thế kỷ XX nhưng lại theo trường phái ấn tượng vốn thịnh hành ở châu Âu từ đầu thế kỷ XX. Đó là một điểm đáng chú ý khi đặt nó trong bối cảnh xã hội đương đại quá tốc độ và pha tạp.

Bên cạnh đó, ông đã tạo được phong cách - một sự độc đáo và hết sức cá nhân - ý tôi muốn nói âm nhạc là chính con người ông, khác biệt và không bị lẫn giữa đám đông.

Riêng về chuyện danh tiếng, tôi nghĩ rằng không nhất thiết phải là người ở Paris hay Berlin hay Moskva,... mới có nhiều hơn cơ hội. Tôi thấy nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ đã tự thoát ra được cái ràng buộc mình là người nước nào... và ông đã tự tin mình là một nhạc sĩ. Ông là người chủ động gửi các sáng tác của mình sang Pháp, nếu không, làm sao chúng tôi có được một chương trình như thế này?

* Việc trình diễn các bản Sonate của nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ chỉ dừng lại ở một hai buổi ở Hà Nội có lẽ hơi uổng phí?

- Cha tôi đang có một dự án đưa âm nhạc của ông sang Pháp tổ chức một đêm trình diễn công phu tại Paris. Nhưng đây là một kế hoạch lớn, có lẽ phải đến năm 2008 mới thực hiện được.

* ...Và vẫn bằng tiền túi của cha con chị?

- Dự án lớn thế thì phải kiếm tìm tài trợ chứ. Nhưng bạn biết không, khi bỏ tiền túi ra làm một công việc mà mình yêu thích, ta mới thấy hết được giá trị của nó. Và thực sự chúng tôi làm việc này vì nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ, vì một mối quan hệ con người mà chúng tôi lấy làm hãnh diện.

Về nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ:

Ông sinh năm 1925 tại Hà Nội, tốt nghiệp hòa âm hệ cao đẳng hàm thụ tại Paris năm 1954 (Trường Cao đẳng tổng hợp hàm thụ Paris). Về nước, ông giảng dạy về hòa âm tại Trường cao đẳng Sư phạm Hà Nội, từ năm 1956 đến 1978. Cho đến nay, ông đã hoàn thành được 9 bản Sonate và nhiều hợp xướng, dạ khúc... Ông được trao giải nhì (không có giải nhất) của Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho bản Sonate số 4, năm 1995 và bản Sonate số 8, năm 2005.