Chủ đề Tổ quốc trong ca khúc Cách mạng

Ngay từ buổi sơ khai của nền tân nhạc Việt Nam, bên cạnh những bài hát lãng mạn, xoay quanh chuyện tình yêu đôi lứa của dòng nhạc người ta vẫn quen gọi là tiền chiến, đã xuất hiện những ca khúc cách mạng với tình cảm bức xúc nhất là tình yêu Tổ quốc, khát vọng giải phóng dận tộc khỏi ách cai trị của ngoại xâm và các tầng lớp thống trị. Có thể nói bài Cùng nhau đi Hồng binh của Đinh Nhu là một trong những bài hát đầu tiên nổi rõ chủ đề tổ quốc được lan truyền khá nhanh. Tiếp đến là những ca khúc của Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận, Văn Cao luôn hào sảng âm hưởng cách mang, thôi thúc người ta lên đường hành động để giải phóng tổ quốc.

Những Xếp bút nghiên, Lên đường, Bạch Đằng Giang, Tiếng gọi thanh niên của Lưu Hữu Phước, những Hận Sơn La, Côn Đảo, Du Kích ca của Đỗ Nhuận, Diệt Phát xít của Nguyễn Đình Thi, đặc biệt đỉnh cao là Tiến quân ca của Văn Cao đã hừng hực khí thế cách mạng, sôi sục bầu máu nóng chiến đấu vì độc lập tự do cho Tổ quốc đã có sức cổ vũ mạnh mẽ hàng triệu người dân bước vào đội ngũ tranh đấu.

Lịch sử mãi mãi ghi nhận, tôn vinh giá trị lịch sử những tác phẩm kể trên, những tác phẩm thể hiện trách nhiệm, công dân rất lớn của tác giả trước vận mạng Tổ quốc. Thành công của cách mạng tháng 8 năm 1945 dẫn đến việc ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có công đóng góp của bốn nhạc sĩ trên. Đó cũng là những nhạc sĩ hàng đầu trong đội ngũ nhạc sĩ Việt Nam luôn đặt Tổ quốc lên trên hết trong mọi sáng tác, coi đó là chủ đề bao trùm lên toàn bộ sư nghiệp sáng tác của mình. Sau này, Nguyễn Đình Thi tiếp tục với Người Hà Nội, Lưu Hữu Phước với hàng loạt ca khúc ra đời trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước bằng các bút danh Huỳnh Minh Siêng, Lưu Nguyễn, Long Hưng. Ngay khi cuộc chiến tranh leo thang của Mỹ bắt đầu diễn rả ở miền Bắc, ông đã có ngay mấy bài hát giàu tính hiệu triệu, thôi thúc quân dân ta hành động. Đỗ Nhuận lại có mặt ở tất cả các mũi nhọn sản xuất và chiến đấu ở miền Bắc để sáng tác và đề tài Tổ quốc lai tiếp tục được diễn tả trong một khối lượng đồ sộ bài hát của ông. Giai đoạn hoà bình sau năm 1954, ông có Việt Nam quê hương tôi như một bức tranh sơn thủy rất đẹp đầy sức quyến rũ về tổ quốc Việt Nam, cho đến rất nhiều sáng tác của ông giai đoạn chống Mỹ sau đó: Giặc đến nhà là đánh, Vui mở đường, Trai anh hùng gái đảm đang, Hát mừng các cụ dân quân, Quê ta từ đất dấy lên, Trống hội tòng quân...

Ngoài những sáng tác rất có giá trị của bốn nhạc sĩ tiêu biểu thuộc lớp cựu trào trên, một đội ngũ hùng hậu các tác giả đã góp sức tô đậm chủ đề tổ quốc trong nhiều tác phẩm xuất xắc của mình. Từ Văn Chung, Lê Yên, Lê Lôi, Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Đức Toàn, Huy Du, Xuân Oanh, Hoàng Vân, Văn Ký, Hồ Bắc, Phạm Tuyên, Xuân Hồng, Hoàng Hiệp, Phạn Huỳnh Điểu, Văn An, Trọng Loan, Nguyễn Đình Phúc, Lương Ngọc Trác... đến các lớp nhạc sĩ kế cận nối tiếp khá hùng hậu, đông đảo. Có những tác giả trực tiếp nói đến Tổ quốc với ý nghĩa khái quát đã đạt được độ sâu sắc và phong phú. Đó là các tác phẩm Tổ quốc ta trên mười năm đã lớn (Hồng Đăng), Tổ quốc ta chưa đẹp thế bao giờ (Nguyễn Văn Thương), Hát về Tổ quốc tôi (Hữu Xuân), Đất nước tôi (Phạm Minh Tuấn), Việt Nam trên đường chung ta đi (Huy Du), Đấy là tổ quốc tôi (Nguyễn Nhung), Đất nước tôi (Trần Chung)... Đặc biệt, có hai bản hợp xướng giá trị, giàu sức thuyết phục đã tạo dựng được hai bức tranh khá hoành tráng về tổ quốc, trong đó cảnh sắc thiên nhiên và tầm vóc lịch sử đã được các tác giả thể hiện rất hài hòa, nhuần nhuyễn trong tác phẩm. Đó là Ca ngợi tổ quốc của Hồ Bắc và Tổ quốc của Hoàng Vân. Ngoài hai tác phẩm rất nổi tiếng này, không thể không nhắc đến Tiếng hát người chiến sĩ biên thùy (Tô Hải) Sóng vỗ cửa Tùng (Doãn Nho), Miền Nam anh dũng và bất khuất (Phạm Tuyên) cũng là những hợp xướng có giá trị, được lưu truyền, ngưỡng mộ một thời...

Những cảm hứng về chủ đề tổ quốc đã được giới nhạc sĩ khai thác ở rất nhiều khía cạnh đa dạng phong phú, thể hiện tài năng sáng tạo không ngừng. Một trong những khía cạnh ấy là sự ra đời rất nhiều bài hát hay về các vùng quê hương, đất nước. Đó chính là những chân dung cụ thể của Tổ quốc. Ngay từ những ngày đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, người dân vùng tự do đã rất quen biết và ưa thích bài Quê em của Nguyễn Đức Toàn. Cũng như vậy, còn có bài Nhạc rừng cũng nói về cuộc sống chiến đấu ở "miền Đông gian lao mà anh dũng" của Hoàng Việt. Cùng chất hồn nhiên, vui tươi, dạt dào âm hưởng chiến thắng đầy lãng mạn, giàu chất thơ, những bài hát của Hoàng Việt đã nổi rõ tính chất một miền quê ở miền Đông Nam bộ, mặc dù tác giả không dùng một chất liệu nào của dân ca vùng này.

Bức tranh các miền quê của tổ quốc ta càng thêm phong phú, sinh động với: Hà Tây quê lụa (Nhật Lai), Thành phố hoa Phượng đỏ (Lương Vĩnh), Hà Giang quê tôi (Thanh Phúc), Nha trang mùa thu lại về (Văn Ký), Tiếng hát trên thành phố dệt (Trần Chung), Về Đồng Nai (Xuân Hồng), Những bông Sen và những mái chèo (Nguyễn An), Về An Giang (Trần Chương), Huế - Tnh yêu của tôi (Trương Tuyết Mai), Vũng Tàu biển hát (Vũ Thanh), Quảng Bình quê ta ơi! (Hoàng Vân). Đặc biệt, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý được coi là người rất có duyên sáng tác tình ca với những bài hát nổi tiếng, rất được nhân dân địa phương ông nói đến mến mộ: Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Dáng đứng Bến Tre, Bài ca 5 tấn (viết về Thái Bình), Chim hót trên đồng đay (viết về Hưng Yên)...

Chủ đề Tổ quốc đã tạo nên một giá trị lớn lao của nền ca khúc Việt Nam. Đây là một chủ đề vĩnh hằng của bất cứ một nền âm nhạc chân chính nào. Rất đáng lo ngại là hiện nay, sự ra đời quá dễ dãi nhiều bài hát của những tác giả không phải là nhạc sĩ đích thực, không có vốn văn hóa và nhận thức cần thiết về xã hội, lịch sử và nghề nghiệp đã khiến họ xao nhãng hoặc hoàn toàn không có ý niệm gì về việc thể hiện chủ đề Tổ quốc, thay vì là những nội dung vụn vặt, những tình cảm tầm thường, chóng bị rơi vào quên lãng. Chính điều đó đã giải thích vì sao số đông công chúng hôm nay vẫn luôn nhớ về những bài hát có giá trị mà họ đã ưa thích, những bài hát còn sống mãi với thời gian.