“Tâm sự người ca sĩ” - CD đầu tiên của ca sĩ Việt Hoàn

“Tâm sự người ca sĩ” - CD đầu tiên của ca sĩ Việt Hoàn

- Sớm nổi danh từ thập niên 1990 nhưng tại sao đến tận bây giờ, Việt Hoàn mới cho ra mắt CD riêng của mình?

- Biết giải thích thế nào đây. Đã là ca sĩ, ai không mong muốn có nhiều album riêng. Việt Hoàn vẫn ấp ủ ý định này từ nhiều năm, và thực tế cũng đã nhiều lần tự biên tập bài vở, tốn kém không ít thời gian, tiền bạc. Rốt cuộc lại bỏ vì tự cảm thấy chưa vừa lòng. Có lẽ tại Việt Hoàn "trót" được đào tạo thanh nhạc trong môi trường quá bài bản của Nhạc viện Hà Nội, với các thầy cô: Gia Khánh, Quang Thọ, Lê Dung, Trung Kiên... nên đâm ra kỹ tính quá chăng?

- Nếu vậy thì giải thích thế nào trong khi các bạn đồng học cùng khóa cùng lớp, cùng thầy, những Anh Thơ, Trọng Tấn, Lan Anh, Đăng Dương... hầu như không năm nào không có album riêng?

- Nếu so với các bạn ấy, Việt Hoàn cũng có đôi chút thiệt thòi cả về phương diện thu nhập lẫn thời gian trau dồi chuyên môn. Vì ngoài việc biểu diễn, Việt Hoàn còn tham gia công tác quản lý đoàn ca của Nhà hát. (Việt Hoàn đang làm Trưởng Đoàn Ca của Nhà hát Nhạc nhẹ TƯ).

- "Tâm sự người ca sĩ" của Việt Hoàn gồm toàn những ca khúc thuộc dòng nhạc trữ tình cách mạng. Việt Hoàn có sợ CD này sẽ bị những CD nhạc hải ngoại và nhạc sến lấn lướt?

- Quả là những ca khúc được chọn trong CD "Tâm sự người ca sĩ” đều là những ca khúc thuộc dạng bán cổ điển, thiên về tự sự, được nhiều tác giả viết ra ở nhiều thời kỳ khác nhau: Tình nghệ sĩ (Đoàn Chuẩn - Từ Linh); Quê hương tuổi thơ tôi (Từ Huy); Thuyền và biển (Hữu Xuân - Thơ Xuân Quỳnh); Đêm thành phố đầy sao (Trần Long Ẩn); Tâm sự người ca sĩ (Phú Quang); Hoàng hôn (Quốc Trường); Tình khúc chiều mưa (Lương Hải, thơ Kim Anh); Bờ cát mơ (Huyền Trung); Mùa xuân gọi (Trần Tiến)... Nếu chỉ nhằm mục đích để CD của mình bán chạy, Việt Hoàn sẽ chọn phương án khác.

- Vậy thì tại sao...?

- Đơn giản là những ca khúc đó phù hợp với chất giọng, với tình cảm của Việt Hoàn, và những tác giả trong đó là những người mà Việt Hoàn rất kính trọng cả tài năng trong âm nhạc lẫn nhân cách sống ngoài đời.

Việt Hoàn muốn sống thật với chính mình, muốn chia sẻ với tác giả, với công chúng những tình cảm chân thật của mình về nghề nghiệp, về cuộc đời, về tình yêu quê hương qua từng bài hát.

- Mỗi bài hát trong "Tâm sự người ca sĩ" của Việt Hoàn hình như đều gắn liền với một kỷ niệm, một nỗi niềm chất chứa từ rất lâu rồi của Việt Hoàn thì phải?...

- Cuộc đời biểu diễn nay đây mai đó của người ca sĩ có nhiều lắm những kỷ niệm buồn vui. Nhờ nó, Việt Hoàn chiêm nghiệm ra nhiều điều.

Năm 1990, Việt Hoàn được trao giải nhất đặc biệt “Người hát hay nhất về Bác Hồ” trong cuộc thi Tiếng hát làng Sen kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hồ Chủ tịch. Sau thành công này, anh đã đoạt không ít những giải thưởng huy chương vàng, bạc trong các kỳ hội diễn chuyên ngành, chuyên nghiệp thường niên, và gần đây, năm 2004 là chiếc Cúp bạc trong Liên hoan âm nhạc quốc tế tại Bình Nhưỡng...

Có câu chuyện cảm động này khiến Việt Hoàn nhớ mãi. Năm 2002, trong chuyến lưu diễn tại Australia, khán thính giả phần đông là bà con Việt kiều từng sống ở Sài Gòn trước năm 1975. Vậy mà khi Việt Hoàn hát "Việt Nam quê hương tôi" (Đỗ Nhuận), "Bài ca trên núi" (Nguyễn Văn Thương), nhìn xuống khán đài thấy rất nhiều gương mặt đầm đìa nước mắt. Chính những bài hát gợi nhớ hình ảnh quê hương thân yêu trong lòng bà con xa xứ đã xóa đi mọi khoảng cách. Khoảnh khắc ấy, Việt Hoàn cảm thấy vô cùng xúc động và tự hào, và cũng ý thức được một cách thật đầy đủ, thật cụ thể sức mạnh của âm nhạc cũng như sứ mệnh cao quý của người ca sĩ.

- Có phải vì những kỷ niệm như vậy mà Việt Hoàn có tiếng là người kỹ tính trong nghề nghiệp?

- Thực ra, đó không phải là kỹ tính mà là sự tôn trọng khán thính giả. Như chị thấy đấy, trong bối cảnh đời sống âm nhạc như hiện nay, với trình độ thưởng thức ngày càng cao của công chúng, đòi hỏi người ca sĩ luôn phải trau dồi, nâng cao bản lĩnh nghề nghiệp và phải giữ được sự cân bằng trước rất nhiều cám dỗ.