Những bức ảnh có sức sống lâu bền

Năm 2007, Nhà nước trao tặng 17 Giải thưởng Nhà nước cho các tác giả nhiếp ảnh, trước đó năm năm có một Giải thưởng Hồ Chí Minh và hai Giải thưởng Nhà nước. Còn đợt đầu tiên, là sự kiện lớn trong văn nghệ Việt Nam, trong lĩnh vực nhiếp ảnh là việc các nhà nhiếp ảnh: Võ An Ninh, Nguyễn Bá Khoản, Lâm Hồng Long, Vũ Năng An được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Vì sao những bức ảnh này được đánh giá cao? Trước hết là nó giản dị. Giản dị là nói đến chất liệu ảnh đen trắng, nói đến những chiếc máy chụp thô sơ, những ảnh được phóng thủ công, lúc đầu chỉ được công bố trên các tờ báo, được chế bản bằng kẽm... được chụp từ những người cầm máy không chuyên.

Từ năm 1945 đến 1975, 30 năm ấy cả nước dồn sức cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Ðây là nội dung xuyên suốt của hoạt động báo chí nói chung, nhiếp ảnh nói riêng. Trong chiến tranh chống đế quốc Mỹ, số lượng các âm bản đã gấp hàng trăm lần so với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nhờ số lượng các nhà báo cầm máy ảnh tăng nhanh. Chỉ ở các bưng biền Nam Bộ đã có hàng chục đồng chí. Tư liệu ảnh trước, sau về chiến tranh đều được họ chuyển ra miền bắc.

Việc đề nghị Nhà nước khen thưởng căn cứ chủ yếu vào hiệu quả tuyên truyền của các bức ảnh, độ tin cậy và ảnh hưởng rộng rãi của các bức ảnh.

Ở trong nước, các bức ảnh chụp về Chủ tịch Hồ Chí Minh của các tác giả Ðinh Ðăng Ðịnh, Vũ Năng An, Lâm Hồng Long, Vũ Ðình Hồng, Hồng Nghi, Hoàng Linh... được in trên các báo nhiều lần, vào dịp kỷ niệm Ngày sinh Bác Hồ, trưng bày trong các Bảo tàng Cách mạng và Quân đội. Ở nước ngoài, các ảnh của Phan Thoan (O du kích nhỏ), của Mai Nam, Ðoàn Công Tính, Văn Bảo (Cảnh giác, Chiếm căn cứ Ðầu Mầu...) cũng được sử dụng rất nhiều.

 

Nữ dân quân. Ảnh: Nguyễn Đình Ưu

Sự tôn vinh các tấm ảnh ban đầu do sáng kiến của các cơ quan truyền thông Việt Nam và quốc tế, hoặc qua kết quả các cuộc thi ảnh, trưng bày ảnh. Nhờ có cuộc trưng bày ảnh tại Hà Nội năm 1966 mà bức ảnh O du kích nhỏ của Phan Thoan được bổ sung chú thích bằng thơ, được phóng lớn như một biểu tượng. Bức ảnh Mẹ con ngày gặp mặt cũng vậy, là bức ảnh được Ðại hội đồng FIAP chọn làm biểu tượng sau khi Ðoàn đại biểu Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam chọn dự thi tại cuộc họp thường niên. Ảnh Thần sấm xuống xe trâu của Văn Bảo đã theo tác giả sang Hoa Kỳ được bà con Việt kiều in rộng rãi, lấy kinh phí làm cuốn sách ảnh Một thoáng Việt Nam. Gần đây sự có mặt của các cuốn sách Khoảnh khắc và Một thời hào hùng cùng với hai tác giả Ðoàn Công Tính và Mai Nam tại Nhật Bản được đánh giá cao, là những dẫn chứng sinh động về ảnh hưởng của các bức ảnh do các nhà nhiếp ảnh Việt Nam chụp về đề tài chiến tranh nhân dân.

Năm 2005, Vụ Mỹ thuật - Nhiếp ảnh, Bộ Văn hóa - Thông tin Việt Nam cho in một cuốn sách tuyển tập ảnh về các tác giả đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước. Các đợt phong tặng tiếp theo, hẳn sẽ có một bộ sách bổ sung dày dặn.

Một loại hình nêu biểu tượng được xác định về sau này như trường hợp Mẹ con ngày gặp mặt và Bác Hồ bắt nhịp bài ca kết đoàn cũng của nhà báo Lâm Hồng Long.

Ảnh Thần sấm xuống xe trâu của Văn Bảo có cùng một tứ với O du kích nhỏ của Phan Thoan, cô nữ dân quân của Mai Nam lại có cùng ý tưởng với Nữ dân quân của Nguyễn Ðình Ưu dù cách diễn đạt lại hoàn toàn khác. Với Ðánh chiếm thị xã Ðầu Mầu hay bộ sách về chiến tranh của Ðoàn Công Tính, chùm ảnh của Dương Thanh Phong, Nguyễn Tiến Lợi, Võ An Khánh, Vũ Ba là các phóng viên bám sâu ở chiến trường, hay ở miền nam giàu tính tài liệu nhờ sự truyền tải nhiều lần các chi tiết lớn nhỏ về cuộc chiến tranh nhân dân, các con đường ra trận, trong căn cứ, tại một trạm quân y dã chiến hay trong đêm chuẩn bị pháo cho ngày mai nổ súng, ảnh của Trần Bỉnh Khuôn. Văn Sắc không phải là người duy nhất có mặt trên đường Trường Sơn, nhưng những ảnh của anh lại khá tiêu biểu cho sự phá hoại của không quân Mỹ trên rừng đại ngàn và vị trí quan trọng của con đường huyết mạch bắc - nam trong chiến tranh giải phóng.

Ảnh Phúc Tân kêu gọi trả thù của phóng viên ảnh báo Quân đội Nhân dân Vũ Ba ghi lại hình ảnh xóm Phúc Tân - Hà Nội bị máy bay Mỹ ném bom. Tôi nghĩ rằng, ảnh của Vũ Ba là một trong những bức ảnh tư liệu xuất sắc của chúng ta về đề tài chiến tranh. Nó giống với Bom na-pan Mỹ của Huỳnh Công Út dù hai người chụp ở hai phía khác nhau.

Những người đã tạo ra các bức ảnh để đời là những người sống giản dị. Họ với trách nhiệm của công dân, làm công việc của một người lính văn hóa. Trong điều kiện khó khăn trước đây, quả còn đôi điều nuối tiếc, vì nếu như có thêm tài liệu, các hình ảnh sống động về đất nước, con người, được chụp tại vùng giải phóng, ở hậu phương, ở mỗi gia đình, chắc chắn sẽ còn nhiều tác phẩm đẹp có sức sống lâu bền.