Bảo tồn di tích cần có cả tâm và tầm

Trùng tu Tháp Chàm ở Mỹ Sơn (Quảng Nam)
Trùng tu Tháp Chàm ở Mỹ Sơn (Quảng Nam)

Nâng cao hiệu quả bảo tồn di tích

Nghề làm báo cho tôi cơ hội đi khắp mọi miền đất nước và có cơ may biết đến nhiều di tích đặc sắc của dân tộc. Thời thơ ấu, khi nghe bản nhạc Màu thời gian (thơ Ðoàn Phú Tứ) của cố nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, tôi cứ băn khoăn mãi về ngữ nghĩa xã xôi của cụm từ này... Nhưng rồi mới đây được chiêm ngưỡng tòa tháp Chăm huyền bí ở di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam), ngắm những khối gạch xanh đen huyền ảo, lưu dấu ấn rêu phong trùng trùng, lớp lớp - sự phong hóa kỳ diệu đó có lẽ đã trải qua cả nghìn năm, và tôi cảm nhận mạch lạc hơn ý nghĩa mới của "mầu thời gian"...

Bất giác tôi có sự liên tưởng vừa xa vừa gần: Ðể bảo toàn tính đa dạng của sinh vật, người ta đã lập sách đỏ. Vậy sao chúng ta chưa tính đến việc lập sách đỏ cho những báu vật của văn hóa dân tộc và cho những di tích hiếm quý của đất nước. Các di tích lịch sử và văn hóa ở dạng bất động sản, như Lam Kinh ở Thanh Hóa hoặc các tháp Chăm ở Mỹ Sơn, cần được giữ lại nguyên vẹn cho mai sau. Bởi đó chính là những minh chứng cực kỳ hiếm hoi của những thời kỳ lịch sử đã lui vào dĩ vãng. Một thời huy hoàng Lê Sơ, với hai vĩ nhân là Lê Thái Tổ và Lê Thánh Tông, chỉ duy nhất đại diện bởi hai di tích, hai vết tích, đó là Lam Kinh và nền  điện Kính Thiên ở Hà Nội. Dù đây chỉ còn là phế tích, tuy không đồ sộ và nguy nga, song việc cứu vớt nó, duy trì nó ở dạng còn sót lại, phải là mục tiêu hàng đầu...

Trong thời kỳ đổi mới, công cuộc bảo tồn, tôn vinh giá trị di tích đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước và cộng đồng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận còn những hạn chế, bất cập cần sớm khắc phục. Về nhận thức, có lẽ chúng ta cần xem xét công tác bảo tồn di tích là lĩnh vực khoa học chuyên ngành vốn có nét đặc thù khác hẳn với lĩnh vực xây dựng cơ bản thông thường.

Chúng ta đã có Luật Di sản văn hóa (2001), Nghị định 92 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa (2002), Quy chế Bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh (2003) là những cơ sở pháp lý cho công tác bảo tồn di tích. Tuy vậy, hoạt động bảo tồn di tích nay vẫn nằm trong "hệ quy chiếu" của những quy định chung về quản lý đầu tư và xây dựng, vì thế vô hình chung đã tạo ra "những cái khó" cho việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích.

Theo Ðoàn cán bộ của Viện Bảo tồn di tích, tôi có mặt ở khu di tích Mỹ Sơn những ngày cuối tháng 5. Thời gian này, nhiệt độ ở thung lũng Mỹ Sơn luôn ở mức 40 độ C, độ ẩm cao, không khí ngột ngạt. Giữa bao la núi rừng, rất đỗi say sưa với sự nghiệp bảo tồn di tích, Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích, Kiến trúc sư Lê Thành Vinh dẫn giải: Thực tế, dự án bảo tồn di tích một mặt có những yếu tố tương tự với dự án đầu tư xây dựng mới, nhưng mặt khác lại có những khác biệt rất cơ bản trong quá trình tổ chức thực hiện.

Cụ thể, trong công tác xây dựng mới, hai phần khảo sát, thiết kế và thi công có thể tách rời thành hai giai đoạn độc lập thì trong công tác bảo tồn, trùng tu di tích, việc khảo sát thiết kế không những được thể hiện ở giai đoạn chuẩn bị dự án mà luôn phải tiếp tục trong suốt quá trình thực hiện dự án. Ðây là một thực tế tất yếu vì hàng loạt các vấn đề khảo sát, đánh giá tình trạng di tích chỉ có thể thực hiện được sau khi đã can thiệp vào di tích. Có nghĩa là trong bảo tồn trùng tu di tích, cần tiến hành song song hai phần: vừa thiết kế vừa thi công. Mà điều này dường như lại trái với các quy định về đầu tư xây dựng hiện nay.

Một thực trạng đáng lo ngại là việc khai quật khảo cổ ở nhiều điểm có di tích kiến trúc bị vùi lấp, được tiến hành độc lập, việc không gia cố bảo quản ngay sau khi khai quật khá phổ biến. Thí dụ gần đây, việc khai quật tại nhóm tháp F thuộc khu di tích - di sản thế giới Mỹ Sơn (Quảng Nam) đã phát lộ những ngôi đền tháp Chăm hết sức có giá trị, bị vùi lấp bởi bom đạn của chiến tranh.

Nhưng rồi việc gia cố, bảo quản hay đơn giản hơn là đo vẽ, ghi nhận hiện trạng theo cách thức của công tác trùng tu không được tiến hành, hay có thể nói là không thể tiến hành bởi vướng vào "khung" pháp lý. Kết quả là nhiều dấu tích gốc của lịch sử tại các điểm khai quật bị xáo trộn và tan biến. Các di tích này hiện đứng trước nguy cơ sập đổ bất cứ lúc nào.

Tương tự như vậy, việc khai quật quy mô lớn tại khu vực Hoàng thành Thăng Long (18 Hoàng Diệu, Hà Nội) đạt những kết quả rất to lớn và có ý nghĩa về văn hóa lịch sử, nhưng nay đang gặp khó khăn trong việc xác định giải pháp xử lý, mà trước hết là bảo quản các dấu tích được khai quật. Vì vậy bên cạnh hệ thống văn bản pháp luật cần có những quy định, hướng dẫn cụ thể về quy trình, phương pháp, kỹ thuật công nghệ phù hợp những đặc điểm riêng của từng loại hình di tích, để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình bảo tồn, trùng tu...

Xã hội hóa hoạt động bảo tồn di tích như thế nào?

Cách đây không lâu, tôi tình cờ gặp lại ông Nguyễn Việt - một nhà nghiên cứu văn hóa truyền thống. Chuyện vòng vo thế nào lại quay sang bàn luận về di tích. Ông đưa ra nhận xét: Hầu hết di tích ở nước ta là di tích "sống", tức là các công trình kiến trúc đã được xếp hạng nhưng đang sử dụng như công năng vốn có của nó trong cuộc sống đương đại.

Thực tế nhiều điểm di tích: đình, đền, chùa đã và đang là không gian sinh hoạt văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng. Cùng đó những ngôi nhà cổ, làng cổ, khu phố cổ, đô thị cổ vẫn là nơi cư trú, sinh hoạt của cộng đồng cư dân. Kinh tế - xã hội phát triển, nhu cầu cải thiện cơ sở vật chất của các chủ sở hữu công trình này là chính đáng. Trong sự vận động ấy tất yếu hình thành những mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển và xuất hiện những nguy cơ phá vỡ cấu trúc cũ, làm giảm đi những giá trị lịch sử văn hóa truyền thống vốn có của di tích. Vì vậy, giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển đang là một thách thức lớn với việc quản lý xã hội và bảo tồn di tích.

Nối tiếp dòng tư duy trên, TS, KTS Nguyễn Quang vào chuyện rất tự nhiên: Di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh của nước ta trải rộng ở các vùng, miền đang có nhu cầu bảo tồn rất lớn, trong khi khả năng đầu tư của Nhà nước lại có hạn. Vì vậy, việc xã hội hóa bảo tồn và phát huy giá trị của di tích là hết sức cần thiết. Tuy nhiên vấn đề quan trọng là xã hội hóa như thế nào? Xã hội hóa bảo tồn di tích không có nghĩa là ai cũng có thể can thiệp vào di tích (!). Ðiều quan trọng hơn cả là nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị của di tích và ý thức bảo vệ di tích.

Di tích là tài sản vô giá của dân tộc và chính cộng đồng cùng gìn giữ, bảo tồn là có hiệu quả nhất. Theo tôi, tùy theo khả năng mọi người có thể tham gia đóng góp vào việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích bằng những hình thức phù hợp.

Vào công tác tại Hội An (Quảng Nam), có dịp tìm hiểu và thấy rõ mô hình xã hội hóa bảo tồn di tích khá hiệu quả ở đây. Có thể nói mỗi mái nhà, mỗi khoảnh sân... của người dân Hội An đều là những thành phần của khu di tích - di sản thế giới. Vậy mà ai ai cũng hồ hởi, tự nguyện thực hiện các quy định của chính quyền, Nhà nước hợp lực bảo tồn và phát huy giá trị của di tích bằng nhiều hình thức phong phú.

Trong khi đó, một số làng, xã nông thôn của một số địa phương, mặc dù người dân đang giàu lên nhưng đình làng lại để sập xệ, không mấy ai quan tâm bảo vệ hoặc có "tu bổ" thì tự phát, thiếu vắng sự tư vấn của các chuyên gia di tích. Có nơi thay vì dùng gạch cổ làm nền thì lại lát đá ga-ni-tô, rồi xếp những viên ngói cổ vào một xó để phủ lên mái đình làng cổ một mầu ngói đỏ tươi (?). Chưa kể đây đó đình, đền, chùa bị giăng đầy đèn nhấp nháy, rất khó coi...

Màn đêm buông xuống. Khu di tích Mỹ Sơn tĩnh mịch. Tôi thật sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp kỳ ảo dường như chỉ có trong cổ tích của cụm đền tháp tại di tích này. Cử nhân khảo cổ học Nguyễn Quốc Khánh từng lăn lộn với nhiều công trình tu bổ di tích, tràn đầy cảm hứng tâm sự: Theo tôi để làm tốt công tác bảo tồn di tích phải có lực lượng thực thi chuyên nghiệp, những người quyết định phương án giải pháp và đội ngũ thợ trực tiếp thực hiện công việc trùng tu. Thực tế đã có nhiều di tích trùng tu bởi lực lượng không chuyên nghiệp đã dẫn đến kết quả không như mong muốn. Ðiều đáng phê phán là đã có những di tích sau trùng tu bị biến dạng và mất mát nhiều về giá trị lịch sử, văn hóa. Thí dụ như Tháp Bình Thạnh (Tây Ninh), sau khi trùng tu được "trẻ hóa" hơn 10 thế kỷ và chuyển hóa từ ngôi đền Khmer thành một di tích Phật giáo. Rồi việc trùng tu di tích ở Lam Kinh (Thanh Hóa) một cách tùy tiện đã làm xôn xao dư luận một thời. Chưa kể việc xây dựng thiếu sự quy hoạch ở nhiều địa phương có di tích, đang phá vỡ khung cảnh làng xã truyền thống.

Bất giác tôi nhớ tới một đoạn viết trong bài "Di sản văn hóa - Bảo tồn và lưu truyền" trên Ðặc san Di tích Việt Nam số 22 (2005) của GS, TS, KTS Hoàng Ðạo Kính. Ðại ý: Bảo tồn, về bản chất không mâu thuẫn với phát triển. Văn minh nhân loại là sự cộng sinh, cộng sinh giữa thiên tạo và nhân tạo, giữa nền văn hóa này với nền văn hóa khác, giữa dĩ vãng và hiện tại. Cộng sinh và phát triển là một tiến trình lô-gích tự nhiên không phủ định lẫn nhau... Chúng ta là thế hệ người Việt Nam đầu tiên đã nhận thức đầy đủ và đảm nhiệm việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Ðể làm tốt việc này cần có cái tâm và tầm nhìn nhân loại trong sự tiếp cận những giá trị văn hóa để di sản được bảo toàn và lưu truyền cho con cháu mai sau...