Hình tượng Bác Hồ trong phim tài liệu

Năm 1960, bộ phim Hình ảnh về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch đã ra mắt người xem. Sau thành công của bộ phim này nhiều tác giả đã ấp ủ đề tài về Bác.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mặc dù không có những phim lớn về Bác, nhưng những hình ảnh của Người vẫn luôn xuất hiện trên màn ảnh thời sự và gắn bó chặt chẽ với cuộc chiến đấu thần thánh của dân tộc.

Trước ngày Bác mất đã có những thước phim mầu đầu tiên về Người. Bộ phim Tiếng gọi mùa xuân của đạo diễn Hồng Nghi đã ghi lại thời khắc Bác đọc lời chúc Tết Mậu Thân (1968).

Tiếp theo là phim thời sự mầu Bác Hồ của chúng em (đạo diễn Ma Cường), ghi lại tình cảm của Bác với các cháu thiếu nhi trong ngày 1-6-1969 - đây là bộ phim cuối cùng ghi được hình ảnh của Người. Cùng năm này, mặc dù cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ đang tiếp diễn ác liệt, Cục Ðiện ảnh vẫn tổ chức sưu tầm, nghiên cứu để xây dựng một bộ phim lớn dự định mừng thọ Bác 80 tuổi (19-5-1970).

Trong khi chuẩn bị triển khai, thì tin Bác qua đời đã gây nỗi bàng hoàng, xúc động trái tim nhân dân cả nước. Mọi hoạt động tạm ngừng để chuyển sang việc tổ chức quay những tư liệu lịch sử về những ngày nhân dân cả nước và nhân dân thế giới vĩnh biệt Bác. Trong những ngày lễ tang Bác, từ bắc chí nam đã quay được hàng vạn mét phim. Một bộ phim thời sự đặc biệt về lễ tang Bác được thực hiện kịp thời và công chiếu rộng rãi trên khắp cả nước, động viên mạnh mẽ quân dân ta thực hiện Lời di chúc thiêng liêng của Người.

Năm 1970, một loạt phim tài liệu ra đời trong dịp giỗ đầu Bác. Ðó là bộ phim tài liệu  Bác Hồ sống mãi (Xưởng phim Quân đội và Xưởng phim Thời sự Tài liệu Trung ương hợp tác) với 9 cuốn phim chọn lọc từ hàng vạn mét phim tư liệu ghi chép những ngày nhân dân ta chịu tang Bác. Kế đó là phim Mùa sen nhớ Bác ca ngợi công lao trời biển của Người. Thấm đượm trong những khuôn hình này là tình thương yêu vô vàn của Bác đối với đồng bào, đồng chí và bạn bè quốc tế...

Sau khi thực hiện bộ phim Bác Hồ sống mãi, trên cơ sở những tư liệu về Bác, đạo diễn Nguyễn Văn Thông đã xây dựng bộ phim Chúng con nhớ Bác (Xưởng phim Quân đội, giải Bông sen vàng tại LHPVN 1973). Kế đó là bộ phim Mở đường Trường Sơn, Con đường mang tên Bác... tỏa sáng tinh thần: Bác vẫn sống mãi trong lòng các chiến sĩ "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước".

Mùa thu 1974, một đoàn làm phim tài liệu gồm nhà biên kịch Hồng Hà, đạo diễn Phạm Kỳ Nam, quay phim Nguyễn Như Ái đã sang Pháp, Anh, Italia để thực hiện bộ phim Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, ghi lại những dấu chân Người trên bước đường cách mạng đầu tiên (1917 đến 1923) đưa Bác từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Bộ phim có sự sáng tạo về mặt cấu trúc cũng như thủ pháp biểu hiện; quá khứ, hiện tại, thời gian, không gian được đồng hiện đan xen. Với ngôn ngữ hình ảnh súc tích, tác phẩm điện ảnh này đã khơi động cảm xúc về hình tượng một người chiến sĩ cộng sản tiên phong, quên mình chiến đấu hy sinh vì độc lập, thống nhất Tổ quốc, vì hạnh phúc của dân tộc và vì nhân loại cùng khổ... Bộ phim Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh mở đầu cho hàng loạt phim tài liệu về những chặng đường hoạt động của Bác ở nước ngoài, được tiếp tục thực hiện khi đất nước ta đã thống nhất.

Ðặc biệt trong chuyến đi này đoàn làm phim được bà con Việt kiều ở Pháp tặng những thước phim lịch sử vô cùng quý giá quay hình ảnh Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Ðộc lập tại Quảng trường Ba Ðình. Khi về nước, những tư liệu này là cơ sở để dựng phim Ngày Ðộc lập 2-9-1945 và được chiếu vào dịp kỷ niệm 30 năm ngày Quốc khánh nước ta. Kể từ đó, vào dịp Quốc khánh hằng năm phim được trình chiếu trên nhiều phương tiện nghe nhìn, gây xúc động sâu sắc tới người xem.

Khắc họa chân thực, sinh động hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới... không chỉ là kỳ vọng của nhiều nhà làm phim mà còn là mơ ước của cả dân tộc.

Việc thể hiện Người với những nét quen thuộc, dung dị gần gũi mà luôn tỏa sáng sự kết tinh văn hóa dân tộc và thời đại là những nét nổi bật trong nhiều phim tài liệu. Kể từ phim Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, Ngày Ðộc lập 2-9-1945, điện ảnh tài liệu Việt Nam đã đánh dấu một bước tiến trong việc làm phim về Bác - tạo cơ sở cho sự phát triển những tác phẩm điện ảnh về đề tài này ngày càng phong phú; trong đó phải kể đến sự đóng góp của đạo diễn, NSND Bùi Ðình Hạc - đã suốt đời gắn bó với đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Ba bộ phim: Nguyễn Ái Quốc đến với Lê-nin, Ðường về Tổ quốc và Hồ Chí Minh, chân dung một con người đã ghi nhận công lao của đạo diễn Bùi Ðình Hạc và nhóm làm phim tài liệu về Bác Hồ.

Nhận xét về phim Ðường về Tổ quốc, nữ đạo diễn Vécmisana - tác giả phim Tên Người là Hồ Chí Minh viết: "Ðây là những sáng tạo rất mới của điện ảnh Việt Nam đối với thể loại phim tài liệu trên thế giới...". Ba bộ phim trên của Bùi Ðình Hạc thật sự đã đem cho chúng ta những cảm xúc mới  mẻ đầy xúc động và tự hào về Bác Hồ kính yêu của chúng ta!