Đạo diễn Mỹ David Chapman: Đất nước Việt Nam rất tươi đẹp

Đạo diễn David Chapman.
Đạo diễn David Chapman.

Đạo diễn David Chapman đến Việt Nam từ tháng 9-2006 theo học bổng của Quỹ châu Á để tìm hiểu về sân khấu Việt Nam, đặc biệt là loại hình nghệ thuật cải lương.

Sau một thời gian tìm hiểu, David Chapman vừa ra mắt công chúng TP Hồ Chí Minh vở kịch “Mùa hè và khói” tại Nhà hát Thế Giới Trẻ, 125 Cống Quỳnh, quận 1 với sự thể hiện của 15 diễn viên là sinh viên Trường Cao đẳng Sân khấu – Điện ảnh TP Hồ Chí Minh.

Chúng tôi có cuộc trò chuyện cùng David Chapman…

- Chào David, khi được nhận học bổng đến một quốc gia bất kỳ ở châu Á để tìm hiểu về nền sân khấu của đất nước đó, sao anh lại quyết định chọn Việt Nam?

Một cảnh trong vở kịch “Mùa hè và khói”.

- Vâng, tôi có thể chọn bất kỳ một quốc gia nào khác ở châu Á, nhưng với một số quốc gia khác tôi đã biết qua phim ảnh… Còn Việt Nam, thật tình ở Mỹ, tôi chưa biết gì nhiều. Với tôi, Việt Nam là một đất nước còn rất nhiều bí ẩn, cho nên, tôi quyết định đến Việt Nam để tìm hiểu và khám phá...

- Vậy khi đến Việt Nam rồi, anh nhận thấy thế nào?

- Đất nước Việt Nam thật thú vị. Tôi đã đi tham quan một số nơi như: Hà Nội, Huế, vịnh Hạ Long, Nha Trang và một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long... Việt Nam là một đất nước rất tươi đẹp, người dân thân thiện, mến khách. Chính điều này khiến tôi ở lại Việt Nam lâu hơn. Nhiều người cứ nghĩ, Việt Nam là một đất nước còn nghèo khó. Nhưng trên thực tế, Việt Nam là một đất nước đang rất phát triển. Tôi biết Việt Nam đang có nhiều kế hoạch phát triển, như sắp xây dựng cả tàu điện ngầm…

- Còn về tình hình sân khấu ở Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng…

- Trước tiên là những nhà sản xuất (các “bầu” sân khấu - PV) ở TP Hồ Chí Minh có khả năng đáp ứng được nhu cầu của khán giả. Đưa đến khán giả những gì mà họ cần. Sân khấu ở Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng có rất nhiều thể loại để khán giả chọn lựa: bi kịch, hài kịch, cải lương… Khi đến các sân khấu IDECAF, Sài Gòn, Phú Nhuận… xem kịch, hay đến rạp Hưng Đạo, Nhà hát TP Hồ Chí Minh xem cải lương, tôi luôn chú ý đến công chúng.

Do bất đồng ngôn ngữ, chưa biết nhiều tiếng Việt, nên tôi thường quan sát công chúng, qua đó phần nào phản ánh được vở diễn đó có hay hay không. Vở diễn nào hay, khán giả rất chăm chú xem, không trò chuyện, ăn quà, hoặc trao đổi điện thoại, bỏ về… và ngược lại. Có một nét rất riêng giữa sân khấu ở Mỹ và Việt Nam là: ở Việt Nam, trong một tuần, một sân khấu có thể diễn nhiều vở khác nhau, ngày hôm nay vở kịch này, ngày mai vở kịch khác. Còn ở Mỹ, 90% các sân khấu, mỗi nơi đều có một vở diễn có thể diễn suốt mấy tháng liền, sau đó mới đổi vở diễn khác.

- Vậy ở Mỹ, thời gian tập một vở kịch là bao lâu và khi công diễn, vở kịch ấy thường có tuổi thọ ra sao?

- Tùy theo độ dài của vở, số lượng diễn viên, vở diễn được đầu tư thế nào mới biết chính xác thời gian tập bao nhiêu ngày. Trung bình, một vở kịch bình thường được tập luyện từ 4 đến 7 tuần và diễn bao nhiêu suất còn tùy thuộc vào các nhà sản xuất. Có vở chỉ diễn vài suất, nhưng cũng có vở diễn cả chục năm.

- Khi xem hay dàn dựng một vở kịch, anh thích vở diễn kết thúc có hậu hay không có hậu - để lửng câu chuyện đó cho khán giả suy nghĩ?

- Tôi nghĩ, cái kết thúc có hậu sẽ không hấp dẫn lắm, bởi nếu chúng ta kết thúc một vở diễn, để lửng một câu chuyện nào đấy, mỗi khán giả đều có những lý giải cho một cái kết riêng, như thế thật thú vị!

- Qua những tháng ngày tìm hiểu sân khấu cải lương, anh có nhận xét gì về loại hình nghệ thuật này?

- Ồ, ở Mỹ hoàn toàn không có loại hình nghệ thuật nào giống như cải lương cả. Bước đầu tìm hiểu cải lương, tôi thấy loại hình nghệ thuật này có những quy luật từ lời ca cho đến âm nhạc. Nếu muốn thể hiện một bài ca cổ phải học lời, nhạc theo những bài bản. Nói chung là rất khó. Nhưng khi tìm hiểu, tôi thấy cải lương rất thú vị.

- Làm việc với các sinh viên Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TP Hồ Chí Minh, anh có nhận xét gì về các bạn ấy?

- Tôi chưa làm việc với nhiều sinh viên khác, nhưng với 15 sinh viên được tuyển chọn tham gia vở “Mùa hè và khói” (do Aaron Toronto và Cao Minh Phương chuyển thể từ tác phẩm Summer and Smoke của tác giả Tennessee Williams), các bạn ấy thực sự là những diễn viên trẻ rất khá. Khi tiếp cận với cách làm việc hoàn toàn mới của tôi, các bạn ấy tiếp nhận nhanh, thể hiện tốt. Tôi nghĩ, một vở diễn hay, nhờ diễn viên là chính, còn đạo diễn chỉ là người đưa ra ý tưởng.

- Sau vở “Mùa hè và khói”, anh có dự định sẽ dàn dựng những vở diễn mới?

- Tôi sẽ tiếp tục dựng một số vở mới, có thể đó là những vở của tác giả người Mỹ hay tác giả người Nga… Chưa thể nói trước.

- Cám ơn và chúc David có những ngày làm việc thật đáng nhớ ở Việt Nam!