Ấn tượng về bản giao hưởng thơ Người về đem tới ngày vui

Dàn nhạc giao hưởng Nhạc viện Hà Nội.
Dàn nhạc giao hưởng Nhạc viện Hà Nội.

Ðây là sáng tác của nhạc sĩ Trọng Bằng viết dựa trên câu hát Người về đem tới ngày vui ca khúc nổi tiếng ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh của nhạc sĩ Văn Cao.

Tác phẩm này ngay sau đó được liên tục trình diễn ở thủ đô Hà Nội do các dàn nhạc giao hưởng của Nhạc viện Hà Nội, dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam và Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. Nó còn được chuyển soạn cho các dàn nhạc hòa tấu accordeon và đàn điện tử luôn luôn được vang lên ở nhiều nơi.

Buổi biểu diễn hòa nhạc kỷ niệm Quốc khánh 2-9 năm đó tại Nhà hát Lớn, nhạc sĩ Văn Cao cùng với phu nhân đã được tác giả mời đến nghe tác phẩm Người về đem tới ngày vui. Sau cuộc biểu diễn nhạc sĩ Văn Cao bước lên sân khấu xúc động chúc mừng tác giả và động viên: "Cảm ơn Bằng đã làm cho câu nhạc của mình trở thành một bức tranh đẹp đầy hình tượng và mầu sắc...", nghệ sĩ Trọng Bằng trả lời: "Chính tôi phải cảm ơn anh mới phải, tôi luôn luôn coi các NS Nguyễn Xuân Khoát, Văn Cao, Ðỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước... là những bậc thầy, những người đã truyền cho tôi những cảm xúc mãnh liệt từ các tác phẩm âm nhạc tuyệt vời của các anh...".

Ðương thời, nhạc sĩ Văn Cao rất có cảm tình với nhạc sĩ Trọng Bằng dù hai người hằng ngày không có quan hệ công tác gần gũi với nhau. Chính ông là người đầu tiên đã phát hiện và động viên khen ngợi phần âm nhạc cho phim Người chiến sĩ trẻ - Cù Chính Lan sáng tác năm 1964 của nhạc sĩ Trọng Bằng. Thật xúc động nhạc sĩ Văn Cao trước khi ra đi (7-1995) đã dặn lại vợ con: "Người đọc điếu văn cho tôi, không ai khác phải là nhạc sĩ Trọng Bằng..." và rất hay, mới đây Chương trình hòa nhạc Toyota mở đầu cho Festival Nhật Bản 2006, tại Việt Nam ngày 23 và 24-8, dưới sự điều khiển của nhạc trưởng Nhật Bản lừng danh Tetsugi Honna đã trình diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội bốn trích đoạn lấy từ tác phẩm nhạc phim đó viết cách đây 42 năm cùng với nhiều tác phẩm nhạc phim khác của các nhà soạn nhạc Nhật Bản như Takemitsu, Humiu và Akutagaoa...

Cũng năm 1990, ngày 23-11, nhạc sĩ Trọng Bằng đã được Giáo sư Quang Hải, Giám đốc Nhạc viện TP Hồ Chí Minh mời vào biểu diễn giao hưởng Người về đem tới ngày vui và bản tình ca Nhớ Hoàng Việt dưới đũa chỉ huy của chính tác giả nhân kỷ niệm 15 năm thành lập Nhạc viện TP Hồ Chí Minh cùng với sự ra đời dàn nhạc giao hưởng của nhạc viện vào năm đó.

Trong chương trình biểu diễn các tác phẩm nhân Kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Nhạc viện Hà Nội (11-1996) Người về đem tới ngày vui đã được trình diễn trong chương trình các tác phẩm của các giáo sư và các giảng viên Nhạc viện Hà Nội như concerto Tuổi trẻ của NS Nguyễn Thị Nhung, giao hưởng thơ của NS Minh Khang; Concerto violon và dàn nhạc của NS Ðỗ Hồng Quân và giao hưởng Trở lại Ðiện Biên của NS Trần Trọng Hùng.

Ngày 19-5-2000, bản giao hưởng thơ Người về đem tới ngày vui đã được dàn nhạc của dàn nhạc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam trình diễn ngay tại làng Sen quê hương của Bác Hồ.

Nhạc trưởng Nguyễn Thiếu Hoa kể lại rằng: "Dân chúng kéo đến xem rất đông và đặc biệt nghe nhạc giao hưởng với một thái độ chăm chú và say sưa...".

Các nhạc trưởng nước ngoài luôn đón nhận tác phẩm này một cách hào hứng. Trong đó có ông Yosikadu Fukumura - người được xem như là nhạc trưởng khó tính nhất trong việc chọn bài, đã biểu diễn hai đêm 10 và 11-11-2004...; nhạc trưởng Colin Meter - GS Nhạc viện Hoàng gia Luân Ðôn (Anh), ngoài những đêm biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội còn đem sang Trung Quốc biểu diễn cùng với Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Ðặc biệt tháng 12-2001, khi Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam dưới sự điều khiển của nhạc trưởng Graham Sutcliffe trình diễn tác phẩm này tại Băng-cốc (Thái-lan) các nhạc công dàn nhạc của bạn đã ùa lên sân khấu chúc mừng, đồng thời đòi xin tổng phổ và các phân phổ và lấy ngay tại chỗ...

Ðiều thú vị là ông Tetsugi Honna là người yêu thích bản nhạc này nhất mà ông đã chỉ huy hai năm gần đây rất nhiều lần ở Việt Nam cũng như ở Nhật Bản. Trong hai buổi diễn ở Tokyo và Osaka, sau khi trình diễn Người về đem tới ngày vui ông đã nói với khán giả rằng: "Ðây là tác phẩm được nhạc sĩ Việt Nam viết dâng tặng vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh - nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Người", tất cả thính giả đều đứng dậy vỗ tay nhiệt liệt. Nhạc trưởng T.Honna đã dùng câu Người về đem tới ngày vui làm tên địa chỉ email của mình tại Nhật Bản (Tin này đã được đăng trên Tạp chí HERITAGE của hàng không Việt Nam).

Năm 2005, tác phẩm Người về đem tới ngày vui đã được T.Honna mở đầu cho Chương trình hòa nhạc đặt vé trước mang tên Việt Nam - Hồ Chí Minh. Ngày 2-5-2006 Dàn nhạc thành phố Ahiya của Nhật Bản đã biểu diễn tác phẩm này tại Hà Nội và gần đây nhất ngày 9-7-2006 Người về đem tới ngày vui là tác phẩm mở đầu cho chương trình Hòa nhạc hữu nghị giữa hai dàn nhạc thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.