Điện ảnh Việt Nam cần một cuộc tập hợp lớn

Cảnh trong phim "Áo lụa Hà Đông".
Cảnh trong phim "Áo lụa Hà Đông".

Tại cuộc hội thảo "Nâng cao chất lượng sáng tác tác phẩm điện ảnh" tháng 7 năm 2004 tại khách sạn Horizon (Hà Nội), nhà văn, đạo diễn, NSND Nguyễn Văn Thông đã đặt ra những câu hỏi: "Tại sao chúng ta lại không tính đến việc phim Việt Nam sẽ có mặt ở các LHP quốc tế danh tiếng như Cannes, Berlin? Tại sao chúng ta lại không nghĩ đến việc phim ta sẽ tham dự giải Oscar dành cho phim nước ngoài hay nhất tại Holywood của điện ảnh Mỹ?".

Sau những câu hỏi của nhà điện ảnh lão thành, người hơn 40 năm trước đây đã cùng đồng nghiệp mình là đạo diễn NSND Trần Vũ làm nên một Con chim vành khuyên bất tử, chúng tôi quan sát thấy trong hội trường có vài người cười khẩy nhưng đa số đã im lặng và nét ưu tư bỗng hiện lên trên những gương mặt khả kính và nghiêm túc.

Vâng, tại sao chúng ta lại không tính đến việc phim ta tham gia và đăng quang tại các sinh hoạt điện ảnh quốc tế danh giá ấy?

Nói như vậy, không phải là trong nhiều thập kỷ của nền điện ảnh nước nhà và đặc biệt là trong năm năm đầu của thế kỷ 21, các nhà điện ảnh Việt Nam đã không có thành tựu. Họ vẫn luôn gặt hái được nhiều giải thưởng cao  trong các LHP khu vực và năm nào cũng có những mùa giải rầm rộ của  Hội Ðiện ảnh Việt Nam, của các sinh hoạt điện ảnh và truyền hình nhằm tôn vinh cổ vũ sức sáng tạo của các thế hệ nghệ sĩ.

Song, bình tĩnh nhìn lại, chúng ta còn phải phấn đấu rất nhiều để phim ảnh của ta có vị thế rõ nét hơn trong đời sống điện ảnh của khu vực và thế giới.

Theo thiển nghĩ của chúng tôi, điện ảnh Việt Nam không thiếu những tài năng lớn, phương tiện kỹ thuật công nghệ trong những năm gần đây cũng đã được trang bị nhiều máy móc tối tân, điều kiện và vốn liếng làm phim cũng đã cởi mở hơn, thỏa mãn một phần nhu cầu sáng tạo của người nghệ sĩ.

Ðiều đó được thể hiện ở các đợt ra nước ngoài làm kỹ xảo, làm hậu kỳ, điều đó còn được thể hiện ở nhiều thành phần kinh tế xã hội tham gia làm phim. Cái chúng ta còn đang thiếu đó là những cuộc tập hợp lớn, những cuộc chụm đầu đông đúc để cùng nhau nghĩ ngợi ra những đường hướng mới mang tính đột phá, tạo bước ngoặt đưa những cánh diều điện ảnh lên cao.

Nhìn lại lịch sử điện ảnh thế giới, chúng ta thấy những cuộc chụm đầu trăn trở, đau đớn nghĩ suy, toan tính để tạo nên những bước chuyển ngoạn mục.

Cuộc "nhảy vọt" lần thứ nhất thuộc về các nhà điện ảnh Mỹ. Những năm đầu thế kỷ 20 cả nước Mỹ vùi đầu vào xem phim của điện ảnh Pháp. Sự tiêu thụ sản phẩm điện ảnh ngoại lai của nước này thật đáng kinh ngạc. Cứ một bộ phim của điện ảnh Pháp  phát hành được một bản ở chính quốc thì có 200 bản được chiếu tại các rạp của Hoa Kỳ.

Những nhà điện ảnh dân tộc của Mỹ không cam chịu tình trạng này và họ đã nghĩ ra mô hình rạp chiếu bóng bình dân, với giá vé vào rạp là đồng 5 cent bằng kền nên cũng còn gọi là rạp Kền và sản xuất ra loại phim với kinh phí rẻ đưa vào chiếu ở các rạp này.

Nhờ có kiểu tích lũy tư bản theo hình thức nhặt nhạnh này mà trong vòng có bốn năm, từ năm 1905 đến năm 1909, nước Mỹ đã xây dựng được 10 vạn rạp Kền sản xuất được hàng nghìn bộ phim có độ dài từ 10 đến 50 phút.

Ðây là cuộc tập dượt tích lũy tư bản để điện ảnh Mỹ làm nên bộ phim Sự ra đời của một quốc gia nổi tiếng, thu lãi hàng trăm triệu đô la và đặt nền móng của sự làm phim hoành tráng, phim hấp dẫn người xem của Holywood cho đến tận bây giờ.

Cuộc chụm đầu lớn lần thứ hai thuộc về điện ảnh Liên Xô mà nhà viết sử điện ảnh thế giới tài ba Gioócgiơ Xađao gọi là "Cuộc bùng nổ Xô-viết lần thứ nhất".

Chúng ta đều biết rằng, sau Cách mạng Tháng Mười nước Nga bị bao vây, phong tỏa và xâm lược trên mọi phương diện trong đó điện ảnh là một tâm điểm mà kẻ thù tập trung nhiều mũi nhọn để đột kích.

Ðứng trước tình hình đó, các nhà điện ảnh Nga đã có một cuộc tập hợp vĩ đại làm nên một chùm phim khiến cả thế giới phải khâm phục. Ðó là Chiến hạm Pa-chôm-kin, là Người mẹ, là Ðất, là Sa-pa-ép..., cống hiến cho văn hóa điện ảnh nhân loại bốn bậc thầy mà cho đến nay những nhà làm sử điện ảnh dù ở bất cứ chính kiến nào cũng phải thừa nhận. Ðó là Ây-danh-xtanh, Pu-đoóc-kin, Ðô-gien-cô và Vec-to.

Cuộc chụm đầu vĩ đại lần thứ 3 thuộc về các nhà điện ảnh tân hiện thực Italy. Sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2, nước Italy thua trận rơi vào tình trạng lụn bại, đói nghèo và thất nghiệp. Cùng với các loại nghệ thuật tân hiện thực khác, các nhà điện ảnh Italy đã chụm đầu lại, khai thác với một tinh thần cảm thông sâu sắc, đầy tính nhân văn và đầy tính thân phận đối với những con người bình thường, những người đã bị chiến tranh vắt kiệt sức lực và nguồn sống.

Và chỉ trong vòng 8 năm, từ năm 1945 đến năm 1953, điện ảnh tân hiện thực Italy đã làm cho thế giới kinh ngạc bởi những bộ phim Rom vào lúc 11 giờ, Anh em nhà Rôc-cô, Ðêm Ca-bi-ri-a, Con đường, Thằng bé ăn cắp xe đạp, v.v... dựng nên những tên tuổi chói sáng như: Ðê Xi-ca, Ðê Can-tít, Phe-li-ni, An-tô-ni-ô-ni, Phi-li-po và Ma-đi-na.

Các nhà điện ảnh và truyền hình Trung Quốc kể lại rằng vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, hễ điện ảnh Ðài Loan và Hồng Công có bộ phim điện ảnh và truyền hình nào ra lò là khán giả nước này đón đợi như một nhu cầu không thể thiếu.

Hơn 300 nhà điện ảnh và làm phim truyền hình giỏi nhất của Trung Quốc đã chụm đầu lại. Họ nghiên cứu kỹ từng bộ phim truyện điện ảnh và truyền hình dài tập thành công của Ðài Loan và Hồng Công. Họ đã có những quyết tâm như đạo diễn Trương Nghệ Mưu từng chôn đôi giày của mình xuống cát của cao nguyên Gô-bi và thề: "Nếu bộ phim này thất bại, tôi sẽ từ giã nghệ thuật điện ảnh" khi ông đi chọn cảnh để làm bộ phim truyện Cao lương đỏ. Bộ phim này cùng bộ phim Hoàng thổ của Trần Khải Ca đã đưa điện ảnh Trung Quốc hội nhập với điện ảnh chất lượng cao của thế giới một cách chững chạc và chinh phục.

Trong khu vực phim truyện truyền hình nhiều tập, bộ phim Tình Châu Giang là một bước khởi đầu bùng nổ. Sau bộ phim này, phim truyện truyền hình Trung Quốc đi vào thế thượng phong để đến năm 1995 toàn Trung Quốc có thể sản xuất 6 vạn tập phim truyện truyền  hình  mỗi  năm.  Người xem Hồng Công, Ðài Loan đón đợi những bộ phim đại lục như trước kia khán giả đại lục chờ đợi những bộ phim của họ.

Trước năm 1995, điện ảnh và phim truyện truyền hình dài tập của Hàn Quốc ít được thế giới biết đến. Ðiều đó thể hiện ở bộ từ điển điện ảnh Pháp xuất bản năm 1995, phần về điện ảnh Hàn Quốc chưa được đầy 30 dòng. Còn bây giờ điện ảnh nước này đã có mặt ở tất cả các châu lục với những tên tuổi tuy rất khó đọc nhưng khiến rất nhiều người nhớ. Ðó là Jang Dong Gun, Won Bin, Lee Yong Ye, Kim Hee Sun, v.v... Có được điều này là bởi năm 1995 các nhà điện ảnh Hàn Quốc cũng đã có một cuộc tập hợp lớn, một cuộc chụm đầu mang tính "thoát hiểm".

Như  vậy  trong  vòng  có  10  năm, những nhà điện ảnh Hàn Quốc không những thoát hiểm mà còn đưa nền điện ảnh của một đất nước nhỏ về diện tích, nghèo tài nguyên, điều kiện địa lý không thuận lợi và dân số 48 triệu người, trở thành một cường quốc điện ảnh và phim truyện truyền hình, có thu nhập đứng hàng thứ 4 trong nền kinh tế quốc dân của nước này.

Trên đây là năm cuộc tập hợp, năm cuộc chụm đầu của những nhà điện ảnh tiên phong của một số quốc gia trên thế giới mà chúng tôi có được ít nhiều thông tin. Chắc chắn trong làng điện ảnh thế giới còn nhiều cuộc tập hợp, cuộc chụm đầu lớn khác và mỗi lần như thế họ đều đã làm được những kỳ tích.

Ngay trong điện ảnh Việt Nam của chúng ta những cuộc chụm đầu của một số nhóm sáng tạo mà anh em đồng nghiệp gọi bằng cái tên thân yêu: "Ðôi bạn sáng tác" cũng đã làm nên những thành tựu đáng ghi nhớ. Nguyễn Văn Thông - Trần Vũ - Nguyễn Ðăng Bẩy với Con chim vành khuyên, Phạm Kỳ Nam - Bùi Ðức Ái - Nguyễn Khánh Dư với Chị Tư Hậu, Hoàng Tích Chỉ - Hải Ninh - Xuân Chân với Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Bành Bảo - Trần Vũ - Nguyễn Ðăng Bẩy với Ðến hẹn lại lên, Bạch Diệp - Lê Lựu với Người về đồng cói, Hồng Sến và Nguyễn Quang Sáng với Cánh đồng hoang, Ðào Công Vũ  - Trần Ðắc với Sao tháng Tám, Bành Châu - Bùi Ðình Hạc với Ðường về quê mẹ, Mai Lộc - Tô Hoài với Vợ chồng A Phủ, Huy Thành - Ðào Hồng Cẩm với Nổi gió, Ðoàn Trúc Quỳnh - Lê Ðức Tiến với Thị trấn yên tĩnh, Phạm Thùy Nhân - Việt Linh với Gánh xiếc rong, Hồng Ngát - Lưu Trọng Ninh với Canh bạc, Xuân Sơn - Trịnh Thanh Nhã với Chuyện cổ tích cho tuổi 17, Nguyễn Quang Lập - Thanh Vân với Ðời cát, Nguyễn Mạnh Tuấn và Phi Tiến Sơn với Lưới trời, v.v...

Tuy nhiên, những mối quan hệ trên đây mới chỉ là những tập hợp nho nhỏ chưa đủ để tạo ra những trường phái, những khuynh hướng lớn. Vẫn biết chuyện sáng tạo thuộc về cá tính của mỗi chủ thể tác giả nhưng điện ảnh với khả năng tạo dư chấn rất mạnh và sức quảng bá rộng rãi, nếu chúng ta không có những đột phá lớn, không tạo được những thành tựu liên tục thì may lắm cũng chỉ làm nên vài đỉnh đồi nho nhỏ manh mún và đơn côi.

Vừa rồi do nhu cầu nội sinh, các nhà viết kịch bản phim  truyện ở phía bắc đã ngồi lại với nhau bàn một việc trong nhiều việc bức thiết của điện ảnh phim truyện. Ðó là làm sao để viết được một kịch bản hấp dẫn. Buổi tọa đàm rất bổ ích, gợi mở ra nhiều điều mà bấy lâu nay anh chị em biên kịch phim truyện chưa có dịp nói ra một cách trải lòng, một cách cầu tiến.

Hẳn còn có nhiều phương cách khác để làm cho nền điện ảnh nước nhà khởi sắc, dựng nên dáng vóc một nền điện ảnh chất lượng cao và mang tính chuyên nghiệp.

Ở góc nhìn còn rất hạn chế của mình chúng tôi luôn mong muốn cháy lòng là các nhà làm phim hãy chụm đầu, lại đốt lên ngọn lửa sáng tạo mới, đốt một cách kiên trì và tựa đỡ vào nhau vì nói như nhà thơ nổi tiếng Thổ Nhĩ Kỳ - Nazim Hicmet: "Nếu anh không đốt lửa, nếu tôi không đốt lửa thì bao giờ ánh sáng mới cháy lên?".