"Phim tài liệu truyền hình phải là phim nghệ thuật"

Một cảnh trong “Mê Kông ký sự”,<br>phim tài liệu truyền hình dài nhất<br>Việt Nam hiện nay, 75 tập phim,<br>mỗi tập 20 p
Một cảnh trong “Mê Kông ký sự”,<br>phim tài liệu truyền hình dài nhất<br>Việt Nam hiện nay, 75 tập phim,<br>mỗi tập 20 p

Ông được xem là người có tay nghề lão luyện trong  thể loại phim này. Điều tâm huyết của ông cũng được các đồng nghiệp này luôn trăn trở. Nâng cao chất lượng phim tài liệu truyền hình phát sóng luôn là tâm điểm của mọi cuộc thảo luận, bàn bạc về nghề.

Phim tài liệu truyền hình là một thể loại có sự "giao duyên" giữa phim tài liệu điện ảnh và báo chí, chứa đựng những vấn đề, sự kiện mang tính chính luận. Nó tập trung giới thiệu, phản ánh con người, sự kiện và sự việc đã và đang diễn ra sinh động trong cuộc sống, thông qua ngôn ngữ hình ảnh, lời bình, tiếng động...

Phim phản ánh cuộc sống như nó "vốn có", nhưng vượt lên trên cái "như thật", buộc người xem phải suy ngẫm và nhận thức lại những điều tưởng chừng đã quen thuộc hằng ngày.

Trong cuộc bình chọn mới đây do Tạp chí truyền hình tổ chức, phim tài liệu truyền hình được đông đảo người xem màn ảnh nhỏ bình chọn là một trong mười chương trình hấp dẫn. Điều đó nói lên nhu cầu của người thưởng thức nhưng đồng thời cũng đặt  lên vai những người làm phim trọng trách nặng nề: làm sao để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của người xem, trong một thể loại phim khó làm hay.

Hiện nay, thể loại phim này chiếu trên sóng truyền hình chủ yếu do anh chị em trong Tiểu ban Phim tài liệu của Đài  thực hiện. Từ ngày đầu thành lập, đến nay Tiểu ban Phim tài liệu vừa tròn 10 tuổi, với một lực lượng làm phim ít ỏi song họ đã có những cố gắng đáng kể.

Trung bình mỗi năm, Tiểu ban sản xuất từ 55 đến 60 bộ phim tài liệu, (mỗi phim có thời lượng từ 20 đến 30 phút), và trong số phim sản xuất mười năm qua, có 16 phim đoạt huy chương vàng, 17 phim đoạt huy chương bạc tại các LHPTH toàn quốc và nhiều phim khác đoạt các giải thưởng quan trọng của Hội Điện ảnh Việt Nam cũng như của các ngành nghệ thuật khác. Ba đạo diễn của Tiểu ban được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Nhiều bộ phim phát sóng được dư luận hoan nghênh, đạt hiệu quả xã hội sâu rộng. Có thể kể đến các phim, như: Nhà bác học của muối (đạo diễn Minh Chuyên), Vilô và con vọt (đạo diễn Quốc Huy), Không ai là vô danh (đạo diễn Trần Minh Đại), v.v.

Tuy nhiên, cũng theo nhiều đạo diễn trong nghề, phim tài liệu - truyền hình hiện nay cần phải cải tiến ở nhiều yếu tố.

Đạo diễn Lê Thuấn, người trực tiếp duyệt phát sóng các tác phẩm hằng tuần của thể loại phim này đưa ra con số đáng suy nghĩ: Trong 20 phim tài liệu phát sóng một tháng, số phim đạt yêu cầu là 20%, số phim trung bình (xem, không khen, không chê) khoảng 30%, còn lại 50% là khi phát lên người xem không xem hoặc bị chê.

Vậy nguyên nhân từ đâu? Trong cuộc hội thảo về nghề, nhiều đạo diễn tâm huyết đã chỉ ra những hạn chế, bất cập của thể loại phim này. Trước hết, về đề tài : dễ nhận thấy phim tài liệu truyền hình hiện nay có khoảng 40% số phim chạy theo sự kiện "in lịch", có nghĩa là phim nhân ngày kỷ niệm. Những phim về đề tài này thường chỉ mang tính ca ngợi một chiều và hầu hết những sự kiện này năm nào cũng lặp đi lặp lại khiến người xem phim cảm thấy nhàm chán.

Kịch bản cũng là vấn đề đáng quan tâm. Hiện nay, nguồn kịch bản cho phim tài liệu truyền hình chủ yếu do các đạo diễn tự xoay xở. Nguồn kịch bản khan hiếm cũng là tình trạng chung của nhiều hãng phim hiện nay. Đạo diễn Lê Thuấn kể: Vừa qua ông được mời làm giám khảo một cuộc thi chấm kịch bản về đề tài phụ nữ và trẻ em do Hội Điện ảnh phát động. Ông thầm mừng vì hy vọng có nhiều kịch bản hay để xin tác giả hợp tác sản xuất. Nhưng cả cuộc thi chỉ vỏn vẹn có 13 kịch bản tham gia và trong đó chỉ có một đến hai kịch bản có thể sản xuất được.

Quy trình thực hiện phim tài liệu truyền hình cũng còn nhiều điều đáng bàn. Sự câu thúc về thời gian phát sóng khiến quy trình làm phim không được đáp ứng thỏa mãn. Thường sau khi kịch bản được duyệt đạo diễn chỉ có khoảng mười ngày để thực hiện một bộ phim. Gấp gáp về thời gian khiến các cảnh quay bị đơn giản hóa.

Tiếng động thật được xem là yếu tố quan trọng trong phim tài liệu, nhưng do thiếu thiết bị ghi tiếng chuyên dùng nên công đoạn này cũng bị bỏ qua. Phần âm nhạc cho phim cũng được làm sơ sài. Bên cạnh đó chi phí sản xuất thể loại phim này hiện nay được đầu tư quá thấp cũng là một trong những yếu tố khiến nhiều tác giả ít mặn mà với thể loại phim khó làm này.     

Một điều quan trọng, hệ quả của những bất cập trên, là lực lượng nối nghề đang ở mức báo động. Ông Thuấn đầy lo lắng: "Lực lượng đạo diễn phim này tại đài THVN và các đài khu vực hiện nay quá ít và quá già, riêng tại Ban phim THVN chỉ có bảy người, nếu không được gấp rút đào tạo, bổ sung thì vài năm nữa sẽ không có người làm".

Nhưng ông cũng tỏ hy vọng vào lớp trẻ hiện nay. " Một số cộng tác viên của chúng tôi là các em mới tốt nghiệp trường Đại học sân khấu điện ảnh. Họ tỏ ra nhanh nhạy, và say mê công việc. Trong tương lai, ngành truyền hình sẽ phát triển trung tâm sản xuất phim tài liệu, để đáp ứng nhu cầu phim cho người xem. Và để được vậy, vấn đề đào tạo nhân lực phải ngay từ bây giờ.  Điều quan trọng hơn hết là phim tài liệu phải được thể hiện xứng tầm với đòi hỏi của người xem. Phim tài liệu ở bất cứ đề tài nào cũng

là phim nghệ thuật, phải hấp dẫn người xem".