Hỏi: Chồng tôi phạm tội, tòa đã xử và phải đi tù. Đến nay, chồng tôi đã mãn hạn tù được 3 năm 4 tháng. Mới đây, chồng tôi liên hệ được chỗ làm việc mới nhưng còn băn khoăn về tiền án của mình. Có người nói rằng chồng tôi đương nhiên được xóa án tích. Tôi không hiểu rõ điều này, xin được giải thích?
Trả lời: Đương nhiên xóa án tích là trường hợp người bị kết án đương nhiên được xóa án tích mà không cần có quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Đương nhiên xóa án tích được quy định tại Điều 64 Bộ luật Hình sự. Theo đó, những người sau đây đương nhiên được xóa án tích: Người được miễn hình phạt; người bị kết án không về các tội quy định tại Chương XI và Chương XXIV của Bộ luật Hình sự năm 1999, nếu từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án người đó không phạm tội mới trong thời hạn sau đây: một năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng được hưởng án treo; trong ba năm trong trường hợp hình phạt là tù đến ba năm; năm năm trong trường hợp hình phạt tù là từ trên ba năm đến mười lăm năm; bảy năm trong trường hợp hình phạt tù là từ trên mười lăm năm.
Theo Nghị quyết số 229/2000/NQ-UBTVQH10, ngày 28-1-2000 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Hình sự năm 1999 thì: Người đã chấp hành xong hình phạt hoặc miễn chấp hành hình phạt còn lại hoặc được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt thì đương nhiên được xóa án tích; nếu họ có yêu cầu thì chánh án tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án đối với họ cấp giấy chứng nhận xóa án tích cho họ.
Nếu chồng chị đã hết thời hạn như đã nêu trong các quy định trên thì chồng chị đương nhiên được xóa án tích. Trong lý lịch tư pháp của chồng chị không ghi có tiền án. Nếu cần thiết, chồng chị có thể yêu cầu chánh án tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án đối với chồng chị cấp giấy chứng nhận xóa án tích cho mình.
(Nông thôn ngày nay)
...........................................
Trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần khi đi định cư ở nước ngoài
Hỏi: Tôi là cán bộ của một cơ quan hành chính nhà nước đã được 10 năm. Nay do hoàn cảnh gia đình nên tôi phải xin nghỉ việc để đi theo chồng sang nước ngoài. Đề nghị cho biết trường hợp của tôi có được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần không?
Trả lời: Theo Điều 28 Điều lệ Bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26-1-1995 của Chính phủ (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 01/2003/NĐ-CP ngày 9-1-2003) thì: Người lao động nghỉ việc đã đủ tuổi nghỉ hưu hoặc suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên do ốm đau, tai nạn, bệnh nghề nghiệp, nhưng chưa đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí hằng tháng theo quy định của pháp luật và người đi định cư hợp pháp ở nước ngoài thì được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính bằng 1 tháng mức bình quân của tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Như vậy, trường hợp của chị xin nghỉ việc để theo chồng đi định cư ở nước ngoài nên chị sẽ được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần.
(Pháp luật Việt Nam)
...........................................
Thời gian bảo hiểm đối với học sinh
Hỏi: Tôi đã đóng tiền bảo hiểm thân thể cho con với mức: 24.000 đồng, Bảo hiểm y tế: 45.000 đồng. Đến ngày 24-8-2006, tôi đưa cháu đi mổ xơ hóa cơ đenta. Vậy trường hợp trên con tôi có được hưởng các loại hình bảo hiểm không? (Năm học 2005 - 2006, con tôi không đóng các loại hình bảo hiểm. Nếu không được thì nhà trường thu tiền trước hơn 2 tháng như vậy là đúng hay sai? Thẻ bảo hiểm hằng năm cho học sinh có thời hạn từ 1-11 năm trước đến 30-10 năm sau).
Trả lời: Căn cứ quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế (trước đây quy định tại Nghị định số 12/CP ngày 26-1-1995 của Chính phủ và nhiều văn bản pháp luật khác, hiện nay là Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực từ 1-1-2007) thì mức hưởng bảo hiểm được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm và có chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm. Do đó, thẻ bảo hiểm hằng năm của học sinh có thời hạn từ 1-11 năm trước đến 30-10 năm sau thì học sinh được hưởng bảo hiểm trong thời gian đó. Việc mua bảo hiểm y tế và bảo hiểm thân thể cho học sinh do phụ huynh học sinh thực hiện với cơ quan bảo hiểm và thường do Hội cha mẹ học sinh tiến hành thu, đóng chung toàn trường với cơ quan bảo hiểm.
Trong trường hợp nhà trường đứng ra thu, nộp thì đó là việc thu, nộp hộ để tạo sự thống nhất trong toàn trường nhằm bảo đảm lợi ích chung cho học sinh toàn trường. Sau khi thu xong, nhà trường tiến hành nộp (mua) bảo hiểm cho học sinh thì thời điểm nhà trường và cơ quan bảo hiểm hoàn thành thủ tục thì việc mua bảo hiểm đó có hiệu lực. Do vậy, nhà trường thu tiền bảo hiểm của học sinh từ 6-8-2006, nhưng thời hạn bảo hiểm của học sinh tính từ ngày 1-11 đến 30-10 năm sau thì học sinh chỉ được hưởng bảo hiểm trong thời gian từ 1-11 đến 30-10 năm sau.
(Pháp luật Việt Nam)