Hà Nội: Dự án đường vành đai ba có nguy cơ “phá sản”

 Dừng thi công một cửa hầm chui đã sắp sập.
 Dừng thi công một cửa hầm chui đã sắp sập.

Bốn năm chỉ làm được 4,3 km đường

Theo mục tiêu ban đầu, Dự án đường vành đai 3 Hà Nội có vị trí quan trọng đặc biệt: phục vụ SEA Games 22, là động lực phát triển đô thị phía tây nam thành phố Hà Nội. Hơn thế đường  vành đai 3 hoàn thành (dự kiến vào tháng 6-2003) sẽ góp phần giải quyết ách tắc giao thông cho Thủ đô... Lời “khẳng định” đó của chủ đầu tư (Ban quản lý dự án Thăng Long) tại buổi lễ khởi công dự án đã làm nức lòng người dân Hà Nội.

Gần bốn năm sau, chỉ một khúc dài 4,3 km từ Mai Dịch về Trung Hoà của  đường vành đai 3 là thành hiện thực. Chiều dài còn lại của dự án vẫn chỉ là những nét vẽ.  

Ông Nguyễn Văn Côn, Giám đốc Ban điều hành dự án ngao ngán nói: Dự án mới giải phóng mặt bằng (GPMB) được 7,5 km trên tổng số 10,3 km. Tuy nhiên, mặt bằng giải phóng được lại đan xen nên có chỗ vẫn chưa thể thi công. Ngay tại nút Mai Dịch, cho dù cầu vượt đã xây dựng xong, nhưng nút giao và các công trình ngầm chưa thể thi công hoàn chỉnh do vướng 150 hộ dân. Tương tự, nút Trung Hòa cũng còn tắc do 28 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng. 

Điểm gay cấn nhất của dự án chính là 2,5 km đi qua địa bàn  quận Thanh Xuân. Tại đây có khoảng 1.300 hộ dân trong diện di dời. Vậy nhưng hiện mới chỉ có vài chục hộ dân nhận tiền và bàn giao mặt bằng.

Lý giải về sự chậm trễ của dự án, ông Nguyễn Văn Phụng, Phó Tổng Giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long cho rằng, nguyên nhân là do công tác GPMB. Hiện một số hộ dân chưa đồng ý cho kê khai, thêm nữa số nhà, đất tái định cư còn thiếu. Một nguyên nhân quan trọng nữa là thiếu vốn. Hiện dự án có tổng mức đầu tư đã lên đến gần 2.200 tỷ đồng (tăng gấp 2,7 lần so với thời điểm khởi công dự án năm 2001).

Mặc dù Bộ Giao thông - Vận tải và UBND TP Hà Nội đã rất nhiều lần “đàm phán” vốn cho dự án nhưng vẫn bế tắc. Trước thực trạng khó khăn như vậy, mới đây Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã có văn bản gửi Văn Phòng Chính phủ đề nghị được cân đối vốn triển khai đền bù GPMB cho dự án. Theo đó, Bộ Kế hoạch - Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép bố trí nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để thực hiện dự án này. Tuy nhiên, hiện dự án tiếp tục trong tình trạng dậm chân tại chỗ. Hội đồng GPMB không có kinh phí hoạt động, UBND quận Thanh Xuân thì không chấp thuận duyệt phương án đền bù cho dân vì không có tiền, còn chủ đầu tư cũng không có tiền để mua nhà tái định cư cho các hộ dân.

Cuối tháng 3-2005, Chủ đầu tư tiếp tục có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải bố trí vốn phục vụ GPMB năm 2005 khoảng 500 tỷ đồng. Đặc biệt văn bản cũng nêu rõ: Trong trường hợp không có vốn GPMB kính đề nghị Bộ cho phép tạm ngừng việc triển khai phê duyệt phương án đền bù. Như vậy một dự án trọng điểm, sau 4 năm triển khai nay đang đứng bên bờ “phá sản”.

Hơn 1.000 hộ dân tiếp tục phải sống cảnh tạm bợ

Để tạo sự liên thông trong hệ thống đường vành đai 3, năm 2002, Hà Nội đầu tư thêm cây cầu Thanh Trì (một phần của đường vành đai 3). Dự kiến năm 2006 dự án cầu Thanh Trì hoàn thành. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp dự án đường vành đai 3 (đoạn Mai Dịch- Pháp Vân) tạm ngừng, hiệu quả toàn bộ dự án sẽ rất thấp cho dù mức đầu tư cho cây cầu này lên đến gần 410 triệu đô-la. Ngoài ra năm 2006, Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Mễ Trì) hoàn thành, rất nhiều hoạt động quy mô lớn diễn ra tại đây thì việc có đến 2,5 km “cổ chai” ở tuyến đường này sẽ gây ách tắc lớn và mất mỹ quan.

Về phần nhà thầu (liên danh Tổng công ty công trình giao thông 18) hiện cũng đang gặp rất nhiều khó khăn vì dự án “cầm hơi”. Ông Côn cho biết: Nhà thầu đã thực hiện được khối lượng 212, 4 tỷ đồng. Trong đó khối lượng nghiệm thu là 174 tỷ đồng, khối lượng dở dang là 37,6 tỷ đồng. Trong tổng khối lượng thực hiện, nhà thầu phải vay 150 tỷ đồng. Nếu dừng dự án thì chủ đầu tư phải thanh toán toàn bộ khối lượng (kể cả phần việc dở dang) đã thực hiện cho nhà thầu. Trên thực tế, nhà thầu vẫn chưa hề được trả vốn và lãi theo hợp đồng. Ví như đoạn 4,3 km từ Mai Dịch đến Trung Hoà đã hoàn thành trong năm 2003 và năm 2004, Sở Giao thông công chính đã có biên bản nghiệm thu bàn giao. Vậy nhưng Sở này lại chưa ra quyết định tiếp nhận. Vì lý do đó nhà thầu vẫn phải “quản lý” công trình và chưa được thanh toán. Mỗi tháng nhà thầu phải oằn lưng trả lãi ngân hàng hơn 1 tỷ đồng. Sự chậm trễ của dự án kéo dài hai năm đã đẩy  nhà thầu trước nguy cơ thua lỗ nặng.

Việc dừng dự án còn đẩy trên 1.000 hộ dân đến chỗ khốn khổ. Vì rất nhiều hộ dân từ nhiều năm nay phải sống trong cảnh tạm bợ, chờ giải tỏa. Tiếp tục dừng có nghĩa là các hộ dân này tiếp tục chuỗi ngày sống tạm.

Ông Hoàng Nam Sơn, Phó Chủ tịch quận Thanh Xuân tỏ ra bất ngờ trước tin “dự án có thể bị tạm dừng”. Ông Sơn cho biết, hầu hết các hộ dân đã sẵn sàng nhận tiền để di chuyển. Tiếc rằng lại chưa có tiền để trả cho dân. Vậy dân còn biết tin ai.

Một dự án lẽ ra phải hoàn thành sớm để phục vụ SEA Games 22. Nhưng hai năm sau, dự án vẫn không tiến triển thậm chí đang bên bờ “phá sản” vì thiếu tiền? Thật khó tin! Bộ Giao thông - Vận tải, UBND TP Hà Nội sẽ phải chịu trách nhiệm đến đâu trong việc để dự án chậm trễ cũng như trong trường hợp dự án phải tạm dừng!