Nhạc kịch “Cô Sao” trở lại

NDO - NDĐT – Kể từ buổi công diễn cuối cùng cách đây 36 năm trước, Cô Sao - vở opera đầu tiên và đồ sộ nhất của âm nhạc Việt Nam mới có dịp trở lại với công chúng vào hai đêm 24 và 25-11 tới tại Nhà hát Lớn TP Hà Nội. Đó cũng là một cuộc hành trình dài, vất vả và đầy nỗ lực.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - người khôi phục "Cô Sao" từ tổng phổ, biên tập, bổ sung phối khí và chỉ đạo âm nhạc.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - người khôi phục "Cô Sao" từ tổng phổ, biên tập, bổ sung phối khí và chỉ đạo âm nhạc.

Hơn 1000 trang chép tay bản tổng phổ bị thất lạc

Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, “Cô Sao” được cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận hoàn thành vào năm 1962. Ba năm sau, vở nhạc kịch được công diễn lần đầu tiên tại Nhà hát Lớn, để mừng kỷ niệm 20 năm ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Lần thứ hai, Cô Sao được diễn lại vào năm 1976, với một phiên bản ngắn gọn hơn. Cả hai lần, vở nhạc kịch đều được Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam dàn dựng. Năm 1976, mừng đất nước hoàn toàn thống nhất, sau khi diễn tại Nhà hát Lớn, “Cô Sao” đã được mang đi các tỉnh Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh… Đó là một thời kỳ “vàng son” của âm nhạc đỉnh cao. “Cô Sao” từng ghi dấu ấn trong lòng công chúng một thời với tên tuổi của các ca sĩ Ngọc Dậu, Kim Định, Quang Hưng, Quý Dương, Trần Hiếu và sau này là Lê Dung với những aria nổi tiếng…

Trở lại lần này, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết, phải gần như bắt đầu lại từ đầu. Và ông phải dùng từ “phục dựng”. Bởi bản gốc chép tay tổng phổ của nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã mất mát, thất lạc. Trong khi đó, bản ghi âm hiện cũng chỉ còn lại vài aria.

May mắn, trong quá trình nỗ lực tìm kiếm, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã phát hiện ra bản nháp bằng bút chì chép tay của cha mình vào năm 1960. Ông cùng với nhạc sĩ Phan Anh tiến hành khôi phục lại toàn bộ tổng phổ của “Cô Sao” từ bản chép tay đó, trên cơ sở đối chiếu lại với những gì hiện còn.

Cũng trong hành trình đi tìm kiếm để phục dựng lại vở nhạc kịch nổi tiếng trong di sản âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết, ông ngạc nhiên và khâm phục cha mình. Bởi khi đó, nhạc sĩ Đỗ Nhuận mới 40 tuổi, nhưng đã viết 1000 trang tổng phổ, hơn thế, tự tay phối khí cho dàn nhạc giao hưởng- điều mà ít nhạc sĩ có thể làm được. Ông còn là tác giả của ca từ, kịch bản, thậm chí còn vẽ phác thảo bằng bút chì một số cảnh trong vở nhạc kịch và vẽ chân dung các nhân vật chính theo cách nghĩ của ông.

Di sản “trao tay” thế hệ mới

36 năm - sự lãng quên đã quá lâu cho lần trở lại. Để thấy, đó là nỗ lực rất cao của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam và Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam khi quyết tâm dàn dựng và công diễn lại vở nhạc kịch được coi là di sản âm nhạc đỉnh cao của Việt Nam.

Lần dàn dựng thứ ba này, vở nhạc kịch đã được trao vào tay một thế hệ mới. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nói rằng, “gọi đó là sự quyết đoán hay là sự phiêu lưu cũng được”. Vai trò đạo diễn sân khấu sẽ được trao cho Huyền Nga - một đạo diễn trẻ của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch. Tuy chưa có nhiều kinh nghiệm, nhưng Huyền Nga rất được các nhà chuyên môn tin cậy.

Tuy vậy, công chúng có thể hoàn toàn yên tâm khi vở nhạc kịch được dàn dựng lại với sự phối hợp của hai đơn vị âm nhạc đỉnh cao hàng đầu Việt Nam : Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam và Nhà hát Nhạc Vũ Kịch. Sự khôi phục lại từ đầu từ bản tổng phổ, cho tới việc biên tập, bổ sung phối khí, đạo diễn âm nhạc đều do nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân thực hiện. Nhạc trưởng Tetsuji Honna đảm nhận vai trò chỉ huy dàn nhạc.

Lần tái diễn thứ ba này, các nhân vật chính sẽ do các ca sĩ tài năng và chuyên nghiệp của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch đảm nhiệm: Hà Phạm Thăng Long với vai Cô Sao - giọng soprano chính, Mạnh Dũng (giọng bariton) – vai người tù chính trị Hồng Hà. Còn Mạnh Đức (giọng bass) sẽ đảm nhận vai cụ già người Mông mà Trần Hiếu từng thể hiện ngày nào. Một số giọng ca khác đã thành danh như Mạnh Chung (tenor), Vành Khuyên (soprano) cũng đảm nhận các vai phụ.

Ca sĩ Hà Phạm Thăng Long cho biết, ê kíp ca sĩ, diễn viên, đạo diễn, chỉ huy âm nhạc đã luyện tập Cô Sao hàng tháng trời. Và mặc dù không phải hát bằng tiếng nước ngoài như các vở opera nước ngoài khác, nhưng vẫn có những khó khăn khi tập, bởi đây là một tác phẩm opera đúng nghĩa, với những phần nhạc hết sức phức tạp, những nốt si hát âm bóng rất khó.

Không chỉ đối với lớp khán giả trung niên đã từng có mặt tại các buổi diễn Cô Sao tại Nhà hát Lớn gần 40 năm trước, đây là một sự kiện quan trọng trong đời sống âm nhạc nước nhà mà thế hệ khán thính giả trẻ nên biết. . “Cô Sao” của Đỗ Nhuận không chỉ là một vở opera đầu tiên, mà còn là tác phẩm đồ sộ (ba màn, 36 tiết mục), đỉnh cao của âm nhạc Việt Nam - di sản của dân tộc để có thể tự hào với thế giới.

Thật bất ngờ khi biết vở nhạc kịch gần như đã hoàn toàn bị thất lạc, nếu không có những cố gắng cho lần trở lại này. Trong bối cảnh nhiều năm âm nhạc hàn lâm gần như bị gạt ra khỏi các sân khấu âm nhạc, thì những nỗ lực đưa một vở diễn đồ sộ và quý giá trở lại, bất chấp khó khăn về kinh phí quả thật vô cùng đáng trân trọng.