Bắc Ninh nâng cao công tác dân vận trong xây dựng nông thôn mới

Thời gian qua, Tỉnh ủy Bắc Ninh luôn chú trọng đổi mới công tác dân vận, quan tâm củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội.

Cấp ủy các cấp đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách làm việc, phân công rõ người, rõ việc, quy rõ trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu; hướng mạnh về cơ sở, kịp thời phát hiện, xử lý, tháo gỡ những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong nhân dân. Từ đó, góp phần tạo đồng thuận xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân với Ðảng.

Công tác dân vận toàn tỉnh hướng mạnh vào mục tiêu thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở thực hiện tốt Quy định lãnh đạo các cấp đối thoại trực tiếp với nhân dân, góp phần tạo đồng thuận xã hội. MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; triển khai phong trào thi đua, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trong thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội; xây dựng nông thôn mới.

Hiện nay, toàn tỉnh có bốn đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 89 trong tổng số 97 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Mối quan hệ mật thiết giữa Ðảng, chính quyền với nhân dân được củng cố và tăng cường. Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh, thiết thực nâng cao hiệu lực quản lý điều hành của các cấp chính quyền địa phương, giúp tăng mức độ hài lòng của người dân về hoạt động của bộ máy công quyền.

* Bình Thuận chú trọng hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số

Tỉnh Bình Thuận hiện có 34 dân tộc thiểu số với hơn 100 nghìn người sinh sống. Trong những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách cụ thể để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số. Trong đó tập trung chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đến nay, toàn tỉnh đã cấp hơn 15.200 ha đất cho 14.205 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Hầu hết diện tích đất đã cấp đều được đồng bào đưa vào sản xuất, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế hộ, vươn lên thoát nghèo.

Các chính sách tín dụng ưu đãi trực tiếp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn ở vùng dân tộc thiểu số đã được triển khai kịp thời và phát huy hiệu quả, "gỡ khó" cho người dân đầu tư sản xuất. 5 năm qua, hơn 20 nghìn lượt hộ đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn với số tiền hơn 430 tỷ đồng để mở rộng sản xuất.

Trên cơ sở đặc thù từng vùng, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó, người dân đã chuyển mạnh tập quán sản xuất từ lạc hậu, độc canh sang áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất trên diện rộng. Một số nơi đã hình thành vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi như: sản xuất lúa chất lượng cao, thâm canh cây điều ghép ở huyện Tánh Linh, thâm canh cây bưởi da xanh ở huyện Ðức Linh...

Nhờ triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách hỗ trợ từ Trung ương đến địa phương, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Thuận đã chuyển biến khá toàn diện, hệ thống "điện, đường, trường, trạm" được đầu tư, kinh tế nông nghiệp phát triển vượt bậc. Hiện thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh đạt 21 triệu đồng/người/năm; số hộ nghèo giảm còn 2.300 hộ. Tỉnh đang tiếp tục huy động các nguồn lực của Nhà nước, các thành phần kinh tế để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu gắn với xây dựng nông thôn mới. Ðồng thời, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế từng vùng, các địa phương tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi lợi thế gắn với ngành nghề, dịch vụ nhằm giảm nghèo bền vững, cải thiện nhanh đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số.