Ðừng coi đó là phương tiện “đánh bóng tên tuổi”

Thời gian qua, sự xuất hiện hàng loạt tự truyện, hồi ký của người nổi tiếng trong giới giải trí đã nhận được sự quan tâm từ các phương tiện truyền thông, người hâm mộ, góp phần làm sôi động, phong phú thêm đời sống văn hóa, văn nghệ trong nước. Tuy nhiên, không ít người đang lợi dụng “những lời bộc bạch” để đánh bóng tên tuổi và các mục đích thiếu trong sáng khác.

Mới đây, cuốn tự truyện của một cầu thủ bóng đá trong nước vừa ra mắt đã nhận được không ít ý kiến tranh luận và sự quan tâm của dư luận. Thật ra, ở nước ta, việc một người nổi tiếng xuất bản tự truyện, hồi ký không phải là hiện tượng mới mẻ. Trước năm 1945, một số nhà văn đã bắt đầu ra mắt hồi ký, tự truyện để kể chuyện của mình, như các tác phẩm Những ngày thơ ấu (Nguyên Hồng), Chân trời cũ (Hồ Dzếnh), Cai (Vũ Bằng). Về sau, văn đàn Việt Nam tiếp tục đón nhận nhiều hồi ký, tự truyện có giá trị của các văn nghệ sĩ như Ðời viết văn của tôi (Nguyễn Công Hoan), Nhớ lại một thời (Tố Hữu), Hồi ký song đôi (Huy Cận),… hay các tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Tô Hoài: Cỏ dại (1944), Tự truyện (1978), Cát bụi chân ai (1992), Chiều chiều (1999). Ðiểm chung trong hồi ký, tự truyện của những tác giả kể trên là chính họ chấp bút từ sự chiêm nghiệm, suy ngẫm về cuộc đời, sự nghiệp của mình. Qua ngòi bút tài năng cùng uy tín, bản lĩnh, sự nghiêm túc, góc nhìn độc đáo với phong cách sáng tạo riêng, nhiều cuốn tự truyện của nghệ sĩ không chỉ cung cấp tư liệu, bài học phong phú, có giá trị với bạn đọc và giới nghiên cứu, phê bình mà còn có thể coi đó là tác phẩm văn chương đích thực. Vì vậy, tác phẩm có sức sống lâu bền trong cộng đồng thưởng thức nghệ thuật, trở thành tư liệu quý báu, là những mảnh ghép không thể thiếu khi muốn tìm hiểu chân dung một số nhà văn, nhà thơ nổi tiếng.

Cũng cần nói thêm rằng, đến đầu những năm 2000, gần như tự truyện và hồi ký nghệ sĩ vẫn là “sân chơi” riêng của nhà văn, nhà thơ. Năng khiếu chữ nghĩa tạo cơ hội và điều kiện cho họ viết về cuộc sống cá nhân và công việc bản thân nhiều hơn so với đồng nghiệp hoạt động trong các loại hình nghệ thuật khác...

Tuy nhiên, có vẻ “gió đã đổi chiều” kể từ năm 2006 khi cuốn tự truyện Lê Vân yêu và sống của Lê Vân (nhà văn Bùi Mai Hạnh chấp bút) ra mắt bạn đọc, kéo theo là sự nở rộ hiện tượng xuất bản tự truyện của khá nhiều diễn viên, nhạc sĩ, ca sĩ, người mẫu… Trong số đó, có tác phẩm ít nhiều để lại dấu ấn trong người đọc, có lượng phát hành lớn hoặc đã được tái bản đều đặn như Chuyện nghề của Thủy (tự truyện của đạo diễn Trần Văn Thủy, Lê Thanh Dũng chấp bút), Ngẫu hứng Trần Tiến (hồi ký của nhạc sĩ Trần Tiến), 50 hồi ký không định xuất bản (hồi ký của nhạc sĩ Quốc Bảo)… Cùng với tự truyện của nghệ sĩ nổi tiếng đã khẳng định được tên tuổi, đã xuất hiện ngày càng nhiều tự truyện của nghệ sĩ trẻ, thậm chí cả tự truyện của một số nghệ sĩ không chuyên. Làn sóng xuất bản mới này đã phần nào khuấy động đời sống văn hóa, văn nghệ và báo chí trong nước với một số tín hiệu tích cực. Thế nhưng ngoài một số điểm sáng, trào lưu nghệ sĩ xuất bản tự truyện, hồi ký cũng bộc lộ một số vấn đề khiến dư luận chú ý và bất bình.

Cần nhận xét một cách thẳng thắn là dù có bìa sách cầu kỳ, nhan đề gây ấn tượng, nhiều hình ảnh minh họa bắt mắt… thì các chi tiết ấy vẫn không che lấp nổi nội dung nghèo nàn trong nhiều cuốn tự truyện của nghệ sĩ đang được bày bán nhan nhản trên thị trường. Trong đó, chiếm số lượng lớn hơn cả là tự truyện của nghệ sĩ trẻ hoạt động trong thị trường âm nhạc giải trí như Cỏ hạnh phúc (Hariwon), Lột xác (Lâm Chí Khanh), Vàng Anh và Phượng Hoàng (Hoàng Thùy Linh)... hay một vài nghệ sĩ có tiếng nhưng đã gần như giải nghệ hoặc bước vào tuổi xế chiều như trường hợp Một đời giông bão (Thương Tín), Ðể gió cuốn đi (Ái Vân). Khác nhau về nghề nghiệp, lứa tuổi, cũng như vị trí trong mắt người hâm mộ, nhưng các hồi ký, tự truyện kiểu này lại chung “điểm trừ” là chỉ xoáy sâu vào giai thoại tình ái, lối sống các quan hệ thông tin cá nhân hoặc khó khăn trong cuộc sống mà họ từng đối mặt. Kỳ lạ là nhiều câu chuyện trong số đó lại không phải là bí mật, điều thầm kín mới phơi bày lần đầu trên trang sách, mà trước đó từng xuất hiện với tần suất khá dày đặc trong dư luận xã hội. Thậm chí, một nữ ca sĩ trẻ không ngần ngại bới lại quá khứ đầu đời không lấy gì làm hãnh diện của mình, dù đã được người hâm mộ chấp nhận, tha thứ. Người khác thì phóng đại câu chuyện giải phẫu thẩm mỹ, đi tìm giới tính thật vốn đã trở thành chuyện thường nhật của nền y học hiện đại. Có vẻ như với các nghệ sĩ này, scandal là một món hàng kinh doanh “siêu lợi nhuận”, và vì thế đã được họ sử dụng, khai thác triệt để hết lần này đến lần khác. Họ quan niệm tự truyện cũng chẳng khác một món trang sức thời thượng, thay thế cho các câu chuyện “úp mở”, kích thích sự chú ý của công chúng đã được chia sẻ đầy rẫy trên mạng xã hội, blog cá nhân, một số trang tin điện tử, kênh truyền hình. Bên cạnh đó, một số ca sĩ trẻ bước vào con đường nghệ thuật từ hiện tượng mạng và vài cuộc thi không chuyên, chưa có đóng góp nổi bật nhưng cũng ra tự truyện như để chứng tỏ mình không hề kém thế hệ đi trước. Có thể nói, “nhạt nhẽo” là tính từ chính xác để mô tả các cuốn tự truyện kiểu này. Ðó là lý do để bất chấp nỗ lực tô vẽ từ phía những người chấp bút và sự quảng bá của một vài bài báo, các cuốn tự truyên như Chạm tới giấc mơ, Tôi vẽ chân dung tôi, I believe I can fly (Tôi tin mình có thể bay)... thiếu hẳn các bài học kinh nghiệm, các quan niệm nghệ thuật sâu sắc và tinh thần dấn thân với nghề nghiệp - điều mà mỗi nghệ sĩ chỉ rút ra được sau nhiều năm lao động tận tụy và gắn bó với nghề nghiệp của mình.

Trong sự đi xuống đến mức báo động về chất lượng của nhiều hồi ký, tự truyện của “người nổi tiếng” hoặc tự thấy mình “nổi tiếng” xuất bản thời gian qua, không thể không nhắc tới trách nhiệm liên đới của một số người chấp bút, biên tập sách. Bởi xét đến cùng, hầu hết các ca sĩ, diễn viên, người mẫu đều không trực tiếp viết tự truyện, hồi ký. Thay vào đó, họ gửi gắm tư liệu, hình ảnh cá nhân và sự tin tưởng cho tác giả, biên tập viên. Từ nguyên liệu thô ấy, những cuốn tự truyện của “sao” được nhào nặn thành các ấn phẩm rồi quảng bá ầm ĩ, bày bán tràn lan trên thị trường. Chất lượng tác phẩm bị đặt xuống hàng thứ yếu, miễn sao đạt được mục đích của người đặt hàng. Do đó, người chấp bút không thể vô can trước sự xuất hiện của tự truyện “rác”, hay hồi ký “nhảm”. Các hồi ký, tự truyện này đều cho thấy khá rõ, dường như người chấp bút là nhà văn, nhà báo đã không hề tư vấn cho người mà họ nhận là rất gắn bó với mình. Công việc của người chấp bút gần như chỉ là ghi chép, liệt kê một cách thụ động, nhiều khi là thiếu trách nhiệm về những câu chuyện, tình tiết mà họ nghe nhân vật kể lại. Ở một khía cạnh khác, khi chấp bút một cuốn sách dở, nhà văn, nhà báo không chỉ phụ lòng tin, mà còn đánh mất sự kính trọng, yêu mến từ độc giả của chính họ.

Việc văn nghệ sĩ xuất bản tự truyện, hồi ký hay nhật ký là điều cần trân trọng. Nhất là khi họ muốn gửi gắm những thông điệp, quan điểm tích cực về nghề nghiệp và cuộc sống nói riêng, về các giá trị chân - thiện - mỹ trong xã hội nói chung. Ðiều này còn đáng quý hơn khi nhiều hồi ký, tự truyện là sản phẩm tập thể giữa người nghệ sĩ với bạn bè, đồng đội của họ. Tình bạn đã giúp nghệ sĩ gạt bỏ sự im lặng, tự ti của bản thân để dám nói những điều chân thật về cuộc đời và sự nghiệp đã qua. Làm như vậy, họ góp phần làm cho các tác phẩm tự truyện, hồi ký của nghệ sĩ trở nên đa dạng, phong phú hơn so với những năm trước đây. Tuy nhiên, hồi ký, tự truyện tuyệt đối không phải là cuốn sách để người viết muốn kể gì thì kể, thậm chí “sáng tác” quá khứ, “viết lại” lịch sử, ăn theo thần tượng, xúc phạm người thân hoặc đồng nghiệp, biến tác phẩm thành sản phẩm câu khách rẻ tiền, coi thường độc giả. Coi nội dung lệch lạc ấy là mục đích của hồi ký, tự truyện, nghệ sĩ có thể thành công chốc lát về lợi nhuận và thu hút được sự quan tâm của một bộ phận độc giả hiếu kỳ. Nhưng đổi lại, họ cũng tự làm mất đi sự quý mến, trân trọng của gia đình, bạn bè và người hâm mộ.

Trải qua ba thế kỷ, bộ tự truyện Những lời thú (Les Confessions) của nhà văn, nhà triết học nổi tiếng người Pháp J. J. Rousseau (J. J. Rút-xô) có lẽ vẫn là một chuẩn mực về phong cách, nội dung của thể loại tự truyện. Bởi lẽ, Rousseau coi tự truyện như một biên bản, một tấm gương để ông soi thấu cuộc đời, sự nghiệp, và cả những sai lầm của bản thân. Cho dù tồn tại nhiều chi tiết còn gây tranh cãi, nhưng tinh thần phê phán bản thân của Rousseau là bài học quý mà văn nghệ sĩ trên thế giới có thể học tập.

Tại Việt Nam, sau khi những cây đại thụ trong nền văn học nghệ thuật như Tố Hữu, Huy Cận, Tô Hoài... lần lượt khuất bóng, đến nay vẫn chưa có những hồi ký, tự truyện nghệ sĩ xứng tầm, đáp ứng kỳ vọng của công chúng. Tuy vậy, điều đáng ghi nhận là đã có những cuốn tự truyện cảm động của nghệ sĩ biết vượt lên nghịch cảnh, khó khăn của cuộc sống như Không gục ngã của nhà văn, dịch giả Nguyễn Bích Lan, Trí Khùng tự truyện của nhà văn Nguyễn Trí... Ðó có thể không phải là các tác giả nhận được sự săn đón từ lượng người hâm mộ đông đảo hay sự chú ý từ các phương tiện truyền thông đại chúng, nhưng tự truyện, hồi ký của họ luôn tràn đầy tính nhân văn, cho thấy phẩm chất của nghệ sĩ như viên ngọc trong cát, luôn biết cách tỏa sáng trong cộng đồng thưởng thức nghệ thuật. Ðó thật sự mới là một trong các giá trị đích thực mà hồi ký, tự truyện cần hướng đến.