Người nghệ sĩ thủy chung cùng sân khấu

Cách đây 20 năm, khi đã nhập học Trường đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội được một tháng thì bất ngờ Lâm Tùng nhận được giấy gọi của Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Anh lập tức bỏ ý định làm kế toán để theo đuổi ước mơ nghệ sĩ.

NSƯT Lâm Tùng (bên trái) trong vở "Chia tay hoàng hôn".
NSƯT Lâm Tùng (bên trái) trong vở "Chia tay hoàng hôn".

NSƯT Hoàng Lâm Tùng sinh năm 1974 tại Tuyên Quang. Từ khi bước chân vào trường đến khi ra nghề là thời điểm sân khấu lao đao, khán giả quay lưng, một loạt đơn vị kịch nói bắt đầu giải thể. Mà thực ra, khoảng thời gian đỉnh cao của sân khấu cũng không kéo dài; cuộc sống của những người làm sân khấu từ xưa đến nay vinh quang chẳng bằng được gian nan. Thế nhưng, khi đã yêu thì đâu kể gì gian khó. Xem Lâm Tùng diễn báo cáo tốt nghiệp, NSND Trọng Khôi khi đó là Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam đã nhận anh về.

Được đứng trong hàng ngũ của đơn vị nghệ thuật sân khấu hàng đầu là niềm mơ ước của nhiều diễn viên trẻ, cho nên Lâm Tùng hoạt động rất hăng hái. Ngày đó, Nhà hát chỉ có một đoàn biểu diễn nên hầu như vở nào anh cũng tham gia, không vị trí này thì vị trí khác, diễn xuất hoặc hỗ trợ việc gì đó. Bất cứ dạng vai nào Lâm Tùng cũng thích. Anh không đặt ra cho mình là chỉ diễn xuất một kiểu nhân vật nào đó, vì mỗi dạng vai có cái hay riêng.

Nhiều đạo diễn chọn giải pháp an toàn, kiểu "trông mặt bắt hình dong" nên thường giao cho anh những vai hiền lành, tốt bụng. Có lẽ chính vì thế mà mãi sau này, khi Lâm Tùng đóng vai giả gái để bòn rút tiền của khách làng chơi trong vở kịch Hợp đồng mãnh thú (tác giả Lê Hoàng, NSND Anh Tú đạo diễn), anh mới tạo được ấn tượng trong lòng khán giả. Nhưng vai diễn hay nhất của anh có lẽ là Cận, một nhân vật có lý lịch không tốt, toan tính, vụ lợi trong vở Chia tay hoàng hôn (tác giả Sỹ Hanh, NSND Xuân Huyền đạo diễn). Vẫn khuôn mặt, nụ cười chuyên vai chính diện, song nhân vật Cận của Lâm Tùng đã có một diện mạo khác, "đểu từ trong đểu ra". Anh chia sẻ, khi được giao vai, diễn viên phải xây dựng nội tâm nhân vật trước và không phải tạo hình bên ngoài tạo nên tính cách, mà chính là suy nghĩ từ bên trong nhân vật bộc lộ ra.

Hai mươi năm theo đuổi sàn diễn, Lâm Tùng đã tham gia khoảng 10 vai chính. Có vẻ như khi chuyển sang làm đạo diễn, anh nổi hơn. Khát vọng (tác giả Tạ Xuyên, dựa theo truyện ngắn của Nguyễn Quang Thiều) là vở kịch tốt nghiệp lớp đạo diễn sân khấu do chính anh bỏ tiền ra dàn dựng, nhận thấy tác phẩm có chất lượng cho nên Nhà hát Kịch Việt Nam mua lại và đưa vào dàn kịch mục của đơn vị. Ngay khi ra mắt tại Liên hoan sân khấu Thủ đô năm 2016, vở diễn đã giành giải bạc và Lâm Tùng nổi lên như một đạo diễn trẻ nhiều triển vọng.

Mới đây, khi Khát vọng được chọn tham gia Liên hoan Sân khấu thanh niên La Hồ - Thẩm Quyến (Trung Quốc) đã đoạt cùng lúc sáu giải thưởng: Vở diễn xuất sắc, Kịch bản xuất sắc, Đạo diễn xuất sắc, Thiết kế sân khấu xuất sắc, Nữ diễn viên xuất sắc, Nam diễn viên xuất sắc. Thành công của tác phẩm đầu tay dễ khiến đạo diễn trẻ chịu áp lực cho những vở tiếp theo. Hiện nay, Lâm Tùng cũng đang tìm kịch bản cho vở diễn thứ hai, điều này không dễ, nhất là trong tình hình sân khấu đang khan hiếm nguồn kịch bản. Anh không kén chọn đề tài, miễn là câu chuyện đó phải xúc động, giàu tính nhân văn.

Diễn viên Lâm Tùng bộc bạch, anh rất hài lòng với những gì đã làm được mặc dù không phải việc gì cũng toàn vẹn. Con đường nghệ thuật của Lâm Tùng tuy không quá rực rỡ nhưng điềm đạm, bền vững và có màu sắc riêng. Có thời, anh đóng nhiều phim truyền hình, trở thành gương mặt thân quen của khán giả. Góp mặt ở dòng phim nghệ thuật như vai Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Sống cùng lịch sử (NSND Nguyễn Thanh Vân đạo diễn), Hạnh trong Cuộc đời của Yến (đạo diễn Đinh Tuấn Vũ), Lâm Tùng cũng đã khẳng định được khả năng diễn xuất đa dạng của mình. Anh tâm sự: "Theo nghệ thuật, có thể tôi không dư dả về kinh tế nhưng lại giàu có về nhiều thứ khác. Tôi thấy hạnh phúc vì những gì nghề nghiệp đem lại cho tâm hồn, trái tim mình".