Nhạc sĩ Trọng Bằng nói với tôi: “Nghe tin miền nam đồng loạt nổi dậy, Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhanh chóng phát động sáng tác về sự kiện vĩ đại này. Mình ngồi ngay ở ghế đá sân 51 Trần Hưng Đạo (nơi có cơ quan Hội). Và thế là Bão nổi lên rồi cứ thế tuôn trào. Tác giả bài hát Bão nổi lên rồi giờ đây đã ở tuổi 88. Nhạc sĩ Trọng Bằng từng tâm sự: “Kể ra viết một hành khúc dành cho triệu triệu người hát là hạnh phúc bất ngờ của mình. Chỉ có khí thế thực lúc đó mới tạo được cảm xúc như vậy”. Mùa xuân ấy, những sinh viên chúng tôi đã hát vang: “Bão nổi lên rồi/Từ miền nam quê hương thân yêu…”.
Ở một phía khác, nhạc sĩ Hoàng Vân lại cất cao lời ngợi ca sự kiện này qua giọng nữ cao Bích Liên. Bài hát Chào mùa xuân giải phóng - Chào anh giải phóng quân là một thành công đáng kể trong sự nghiệp ca hát của "chim sơn ca" thời chiến tranh đã qua. Bút pháp điêu luyện của người nhạc sĩ tài năng đã tạo ra một âm hình chủ đạo, với một biến phách đột ngột: “Trông lên Trường Sơn/Kìa gió đã nổi/Trông ra Biển Đông/Kìa sóng đang gầm…”. Các giai điệu kể mà không kể cứ tuôn trào, chinh phục. Đến khi “Con chim sơn ca trên đồng/Khi xuân sang tung tăng bay lượn/cất tiếng hát vang…”, thì dường như nhạc sĩ dành những giai điệu này cho riêng Bích Liên. Bích Liên hát. Rồi cả nước hát “Chào anh giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng”.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 không chỉ thực hiện quy mô chiến dịch giống như trong “Bình Ngô Đại Cáo” của cụ Nguyễn Trãi đã dạy: “Đánh một trận sạch không kình ngạc/Đánh hai trận tan tác chim muông”, mà còn được đồng loạt diễn ra từ một hiệu lệnh hùng hồn, đó chính là thời khắc Bác Hồ đọc bài thơ thay lời chúc Tết cả nước đêm giao thừa: “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua,/Thắng trận tin vui khắp nước nhà./Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ./Tiến lên!/Toàn thắng ắt về ta!”. Ngay lập tức, hiệu lệnh đã trở thành cảm xúc để nhạc sĩ Doãn Nho khi ấy đang ở Tây Nguyên, phát triển dân ca H’rê và đặt lời thật tha thiết và rung động thành một bài hát mang tên Tây Nguyên mừng đón thơ Bác: “Rừng Tây Nguyên lắng nghe/Đón tiếng thơ Bác Hồ/Với những chiến công vang lừng cất lên chào mừng Người…”. Đoạn sau bài hát là đoạn phổ toàn bộ bài tứ tuyệt mừng Xuân của Bác. Ngay lập tức, bài hát được mã hóa truyền ra Hà Nội và được lan truyền trên làn sóng qua giọng hát Tường Vy.
Cũng là Tường Vy, ở điểm đầu tiên của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy là chiến dịch Khe Sanh, nơi quân ta và quân Mỹ từng ngày đọ sức, giọng hát lanh lảnh như chim họa mi của nữ ca sĩ này đã làm nức lòng người lính và nhân dân cả nước bằng bài hát Tiếng đàn ta lư của nhạc sĩ Huy Thục. “Đi chiến trường gùi trên vai nặng trĩu/Đàn ta lư em cất tiếng ca vui cùng núi rừng/Mừng thắng trận quê em …”. Bài hát viết như dành cho sự kiện vĩ đại này. Khi ấy, cả miền bắc, đi đâu cũng nghe thấy Tiếng đàn ta lư của Huy Thục.
Ở Huế, nơi quân giải phóng đã làm chủ thành phố suốt 26 ngày đêm, bên cạnh những bài hát xuống đường của sinh viên, thanh niên, có một bản hành khúc của Đào Việt Hưng đã vang lên đầy thôi thúc: “Bừng bừng lửa hận đã bừng sôi/Khắp chốn đô thành lửa căm thù rực cháy/Tiếng thét oán hờn đang chấn động thành phố/Khắp nơi nơi đang căm giận giặc Mỹ”. Đoạn điệp khúc thật da diết, diễn tả mầm hy vọng hòa bình đã bắt đầu đâm chồi nảy lộc: “Huế ơi! Ta như nước sông Hương đời đời trong mát/Ta như núi Ngự Bình vững chắc giữa miền trung/Dù gió mưa hiểm nghèo vẫn bền gan trong tranh đấu/Nhìn ánh sao huy hoàng đầy niềm tin ta chiến thắng”.
Ở Đà Nẵng nơi Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy được diễn tả trong thơ Dương Hương Ly: “Đi ta đi giữa đất trời giải phóng/Tà áo trắng tung bay như mùa xuân tỏa nắng” thì nhịp đi ấy đã được diễn tả trong hành khúc Người Đà Nẵng của Phan Ngọc. Phan Ngọc dồn nén trong những chùm ba liên tiếp như tiếng kèn lệnh, như tiếng trống trận: “Trong bao đau thương Đà Nẵng đứng lên cầm súng/Hồn nước thiêng liêng gọi chúng ta đi/Đây trái tim của người Đà Nẵng/Như đá hoa cương trên chùa Non Nước tỏa ánh sáng long lanh…”. Cũng ở Đà Nẵng, có một tráng ca mang tên Gửi Đà Nẵng thân yêu giữa những ngày bão tố, qua giọng hát Mạnh Hà. Thật xúc động và lôi cuốn khi nghe cất lên: “Lửa ơi! Lửa ơi rực cháy đêm nay Đà Nẵng đứng lên rồi/Cả phố phường hò vui náo nức sóng biển reo hòa cùng khúc hát tự do vang...”.
Những sinh viên thời chiến tranh như chúng tôi nghe mà rạo rực, mà rủ nhau viết đơn để vào chiến trường. Giai điệu vừa hào hùng, vừa da diết của bài ca đã thấm ngay vào trí nhớ. Nhớ bài ca thì nhớ cả tên người sáng tác. Đó là bài ca được phổ nhạc từ bài thơ của Trần Hướng Dương (bút danh của nhà thơ Lưu Trùng Dương), đã từng nổi tiếng một thời với bài tráng ca Đáng sống bao nhiêu một ngày, vì cách mạng. Lời bài thơ đã được giai điệu của nhạc sĩ Cầm Phong chắp cánh: “Ôi thuốc súng căm hờn từ lâu nén chặt trong lòng ta nay đã vút bay cao/Ôi đã mấy ngàn đêm âm thầm thế kỷ chờ mong này súng mác gươm dao/Ơi Ngũ Hành Sơn đang tiến bước/Ơi sông Hàn đang cuồn cuộn sóng, Thái Phiên ơi! Ơi thành phố quê hương…”. Dào dạt quá! Thôi thúc quá! Và bài ca đã theo suốt cùng tôi tháng năm chiến trường. Những ngày chống lấn chiếm ở vùng giáp ranh, bài ca này đã được hát vang. Chúng tôi hát những ngày đánh biệt động quân ở Nông Sơn, Tiên Phước. Chúng tôi hát những ngày vây chặt lính dù ở Chi khu Thượng Đức. Có một đêm nào đó, trên một đỉnh cao phía sông Bung, dõi ống nhòm nhìn về Đà Nẵng rực một quầng sáng. Sao thèm khát một ngày giải phóng để trở về gặp mặt nơi sinh ra một bài ca mà tự đáy lòng không sao quên khuất.
Sài Gòn - điểm nóng bỏng của sự kiện Mậu Thân 1968, nơi nhà thơ Lê Anh Xuân, nhà văn Nguyễn Thi ngã xuống cùng những người lính giải phóng quả cảm, cũng là nơi vang lên bao giai điệu hào hùng. Nếu ở hậu phương miền bắc có Sài Gòn quật khởi của Hồ Bắc, Bài ca xuống đường đấu tranh của An Chung, thì ngay tại mặt trận khói lửa vẫn trầm vang hành khúc Tiến về Sài Gòn của Lưu Hữu Phước. Các cô gái Sài Gòn cùng các cô gái Huế, Đà Nẵng đã đi vào giai điệu những bài ca đẹp đến lộng lẫy một khí phách cách mạng.
Cô gái Sài Gòn đi tải đạn là một khắc họa độc đáo của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ. Khi anh cho các cô gái tâm sự với quả pháo thì nét độc đáo thật dễ thương và rất riêng biệt: “Quả pháo ơi đi đường xa có mỏi/Suốt cả ngày đã đói hay chưa?”..., còn Phan Minh Tuấn thì thật phóng khoáng trong giai điệu phổ thơ Lê Anh Xuân, miêu tả các cô nữ tự vệ Sài Gòn: “Tuổi em vừa tròn đôi mươi mười tám/Em cài mái tóc gọn gàng/đi từng bước vững vàng/Trẻ trung đôi mắt em mở to trong vắt/Hàng me xanh thắm…”.
Biết bao nhiêu giai điệu đã chắp cánh bay xa trong mùa xuân ấy của các nhạc sĩ, mà tên tuổi của họ đã đi vào lịch sử tân nhạc Việt Nam như Huy Du, Xuân Hồng, Nguyễn Đồng Nai, Phan Chí Thanh... Nếu anh là một người lính vào chiến trường sau Mậu Thân 1968, bất cứ ở góc rừng nào của Trường Sơn, ở một trảng bãi nào của vùng ven, đều được nghe kể về những con người của mùa xuân ấy. Có khi được tần ngần ngả mũ trước những nấm mộ có tên và không tên của những người cùng ngã xuống vào một ngày chiến đấu. Những giây phút xót xa đó, chính những giai điệu bão táp của mùa xuân này đã thắp lên ngọn lửa khát vọng trong người chiến sĩ, giục anh vượt qua mình, bước tiếp.
Những gì đẹp đẽ, thiêng liêng của nghệ thuật sẽ không bao giờ lãng quên, đặc biệt là những giai điệu chiến thắng từ khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam.