Một cách ngắn gọn, mục tiêu ấy được đặt ra sau quá nhiều năm lúng túng tìm hướng phát triển cho thể thao Việt Nam, với SEA Games là “đích ngắm” trọng tâm của nhiều kỳ thi đấu. Đã đến lúc chúng ta cần tập trung gần như toàn bộ nguồn lực, chú trọng đầu tư vào các môn có tên trong chương trình thi đấu của Thế vận hội Ô-lim-pích, cũng là những môn căn bản của Đại hội thể thao châu Á (Asian Games). Đó mới là những “đấu trường đỉnh cao” đích thực, mang tính cạnh tranh gay gắt, khốc liệt nhưng vẫn bảo đảm tinh thần thể thao chuyên nghiệp, đủ để khuyến khích những ước mơ vượt ngưỡng theo đúng tiêu chí “chân tài thực học”.
Đã qua rồi thời đi tắt đón đầu của một nền thể thao trở lại hội nhập với cộng đồng quốc tế chưa lâu; thời mà người hâm mộ thể thao Việt Nam bằng lòng với những thành tích ở tầm khu vực, nhất là tại một sân chơi nặng tính “giao lưu” mà nhẹ phần chuyên nghiệp, với quá nhiều vấn đề hạn chế đã được phân tích, mổ xẻ (và thậm chí, nhu cầu cải tổ phương thức tổ chức - vận hành cũng đã ngày một trở nên rõ rệt).
Cũng qua rồi, thời mà các nguồn lực dành cho thể thao, vốn chưa phải là quá dư dả so với mặt bằng chung xã hội Việt Nam, nhưng lại đầu tư dàn trải, thiếu định hướng và cùn mòn về tư duy theo kiểu “dàn hàng ngang cùng tiến”. Để rồi, cứ hai năm một lần, SEA Games đến và đi, còn thể thao Việt Nam vẫn chưa tìm thấy những cánh cửa đột phá.
Năm nay, SEA Games 29 sẽ khép lại đối với Đoàn thể thao Việt Nam theo một cách hoàn toàn khác. Thực ra, cách đây hai năm, sự chuyển mình đã bắt đầu xuất hiện. Nhưng phải đến bây giờ, hình hài của lộ trình thay đổi mới được xác lập một cách thật rõ ràng. Ngay từ trước ngày xuất quân, Đoàn Thể thao Việt Nam đã không còn phải "gánh" mục tiêu thành tích là phải có mặt trong nhóm ba đoàn dẫn đầu bảng xếp hạng huy chương toàn đoàn như các kỳ trước.
Tuy dư âm thất bại của đội tuyển bóng đá nam U22 Việt Nam vẫn còn để lại một nốt buồn trong tâm trạng của không ít người hâm mộ, cũng như việc xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, người mới giành Huy chương vàng (HCV) Ô-lim-pích môn bắn súng đã không thể có “vàng” ở SEA Games lần này, nhưng thực tế, tại các địa điểm tổ chức thi đấu trên đất Ma-lai-xi-a, âm hưởng chủ đạo vẫn là những “bước quân hành sấm sét”, những thành công dồn dập của đội tuyển Việt Nam tại các môn trọng điểm cho Ô-lim-pích.
Swimswam.com, một trang mạng quốc tế chuyên về bơi lội, đánh giá: “Ánh Viên vẫn đang bùng cháy”. Và sau Ánh Viên, “kình ngư” 15 tuổi Nguyễn Hữu Kim Sơn bước ra ánh sáng, đoạt HCV và phá kỷ lục SEA Games ở nội dung 400 m hỗn hợp ngay từ lần đầu tham dự, mới thật sự là tín hiệu tuyệt vời. Điền kinh Việt Nam dễ dàng duy trì vị trí số 1 khu vực, với gương mặt đầy ấn tượng Lê Tú Chinh - người đang dần khỏa lấp được những khoảng trống mà Vũ Thị Hương để lại.
Thể dục dụng cụ nam “mở hàng” HCV cho toàn đoàn, nhưng người hâm mộ hoàn toàn có thể quên đi điều đó, và chỉ cần nhớ rằng đội tuyển lần này là đội tuyển được giới chuyên môn đánh giá mạnh nhất trong lịch sử, với sự kế thừa - kết hợp hoàn hảo giữa các thế hệ. Ở nhóm các môn võ, điểm nhấn không thể không nhắc đến là thực lực hùng hậu của đội tuyển ka-ra-tê-đô (vượt chỉ tiêu thành tích với năm HCV) - môn đã chính thức có mặt trong chương trình thi đấu Thế vận hội kế tiếp. Cũng phải kể đến chiến công vang dội, được tạo dựng từ những nỗ lực bền bỉ âm thầm của đội tuyển bóng đá nữ; những kiếm thủ trẻ trung và đầy sức mạnh của đội tuyển đấu kiếm quốc gia (tiêu biểu là Vũ Thành An), cùng rất nhiều gương mặt nữa.
Thể thao Việt Nam đã bắt đầu được tập trung đầu tư trọng điểm, bài bản, chuyên sâu; một sức bật mới được tạo nên cùng bầu không khí mới đang khởi sắc mạnh mẽ. Những thành tích ấy đã chứng minh rằng, thể thao Việt Nam đã chọn đúng con đường phải chọn, đó là vượt qua tư duy khu vực, tiến vào đấu trường thế giới. Chỉ xét các môn Ô-lim-pích, chúng ta hoàn toàn có thể tự tin vào tương lai, bởi cả sự già dặn lẫn sức trẻ của các vận động viên. Cùng với đó là tinh thần thi đấu vì mầu cờ sắc áo, nỗ lực mang vinh quang về cho Tổ quốc.
Thật tuyệt vời khi các tuyển thủ quốc gia lúc nào cũng thể hiện được điều đó, như một giá trị tinh thần cốt lõi. Một minh chứng, một hình ảnh người hâm mộ không thể quên: Phạm Thị Huệ băng băng về đích với đôi chân không mang giày ở cự ly 10.000 m nữ. Đó là thói quen được tạo nên sau hàng nghìn ngày khổ luyện. Tấm Huy chương bạc của cô, ở khía cạnh này, đâu kém bất cứ tấm HCV nào!