Câu chuyện phía sau một bộ phim tài liệu

NDO -

NDĐT - “Nếu có dịp vào Đại Lộc (Quảng Nam), bạn thử tìm gặp những cô gái C3 quân giải phóng năm đó xem thế nào. Nếu được, tôi nghĩ đó là một đề tài hay mặc dù có thể sẽ là cũ. Nhưng những câu chuyện về con người là cốt lõi, là chất liệu căn bản nhất cho cả phim tài liệu của tôi và báo chí của bạn”.

Đạo diễn Phùng Đệ.
Đạo diễn Phùng Đệ.

Đạo diễn, NSƯT Phùng Đệ đã gợi ý đề tài cho tôi như vậy để bắt đầu vào một câu chuyện về bộ phim tài liệu nổi tiếng của ông: “Những cô gái C3 quân giải phóng”.

“Những cô gái C3 quân giải phóng” là bộ phim tài liệu của điện ảnh Quân đội nhân dân đoạt giải Bông sen vàng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ II, năm 1973. Bộ phim theo chân những cô gái của đại đội vận tải trong chiến dịch Đường 9 – Nam Lào (năm 1968). Đạo diễn Phùng Đệ nhớ lại: “Khi chúng tôi vào miền trung để chuẩn bị cho một bộ phim lớn thì diễn ra chiến dịch Đường 9 – Nam Lào. Vì vậy, chúng tôi xin đi xuống đơn vị chiến đấu. Dọc đường đi, thanh niên xung phong ở ngoài trung tâm chiến dịch dữ dội khoảng hai, ba ngày đường. Thế mà vào sâu bên trong lại thấy tiếng nữ khanh khách chuyện trò. Chúng tôi mới thắc mắc rằng vào nơi ác liệt thế này sao lại có nữ? Nói thật với bạn, đi chiến đấu vào những nơi gian khổ ác liệt chỉ cần nghe thấy một giọng nữ thôi cũng dễ xúc động. Khi tìm hiểu ra thì mới biết đó là một đại đội nữ vận tải. Thấy đề tài hay quá, tôi quyết định làm bộ phim này và nhà văn Hoàng Văn Bổn viết kịch bản. Thế là chúng tôi đã đi theo những cô gái vác gạo, tải đạn, tải thương binh. Và càng đi theo, càng hỏi chuyện thì càng có những câu chuyện bất ngờ và cảm động”.

Đạo diễn Phùng Đệ xúc động. "Bạn có thể tưởng tượng được không? Có những cô gái giữ kho gạo trong rừng sâu để nuôi bộ đội đánh giặc. Giữ kho gạo nhưng phải nhịn đói, vì gạo trong đó quý hơn vàng. Lúc địch đánh đến cô không biết, và bộ đội rút quân cô cứ ở trong rừng sâu giữ kho gạo, tìm các thứ trong rừng ăn. Mãi về sau những người dân biết và nói cho cô. Bộ đội đi lâu rồi nhưng kho gạo vẫn còn nguyên ở đó”.

Lúc đầu tôi và đạo diễn Hoàng Văn Bổn định đặt tên bộ phim là Con đường họ đi, tức là con đường đi theo cách mạng nhưng ý làm không nổi vì chất liệu không đủ, thời gian quá ngắn. Tôi dựng ba cuốn phim nhưng trên duyệt bắt cắt đi một cuốn. Chỗ bị cắt đó là những cảnh dựng lại chuyện có cô gái hy sinh, đồng đội khóc lóc và tiễn đưa bạn xong thì lại phải lao vào công việc, lại bận rộn và lại hăng hái. Một cảnh nữa là các cô gái ấy đói quá rồi mà vẫn nhường nhau một bát cháo, chia nhau không ai dám ăn. Thương đến chảy nước mắt. Và có những đoạn có sự so sánh. Tôi quay những cảnh các cô nữ sinh ngoài bắc đến trường học đại học, quay cảnh những đứa trẻ con ở trường mầm non đối diện với bệnh viện Xanh Pôn để ý nói rằng, nếu không có chiến tranh thì những cô gái quân giải phóng ấy cũng sẽ được đến trường, cũng sẽ được làm mẹ hạnh phúc và vui tươi như vậy. Vậy thì khổ quá ai dám đi làm cách mạng nữa. Thế rồi đành phải cắt đi và để lại một cảnh nhỏ là một cô gái nằm trên võng và nghĩ về những điều đó thôi. Đến bây giờ tôi vẫn rất tiếc, bởi vì làm như thế mất cái tự do của người sáng tác, mất cái ý hay và sự xúc động. Nhưng trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, lý do duyệt và cắt đi cũng là lý do chính đáng.

Bộ phim nhận được giải của Ban giám khảo trong Liên hoan phim quốc tế Leipzig. Đạo diễn Phùng Đệ cho đến giờ vẫn mong muốn được biết những cô gái C3 quân giải phóng năm đó trong bộ phim của mình sau này thế nào. Đó sẽ là niềm vui nếu những cô gái đi qua chiến tranh ấy sẽ có một cuộc sống yên bình và hạnh phúc. Những đề tài về thân phận con người trong và sau chiến tranh đã trở đi trở lại trong những bộ phim tài liệu, trong báo chí và văn chương bởi con người là chất liệu cốt lõi cho những đề tài đầy xúc động.