Nỗi niềm sen Tây Hồ

NDO -

NDĐT - Tra google cụm từ "sen Tây Hồ", nháy mắt, đã có hàng trăm nghìn kết quả. Ngập tràn những mỹ từ ca ngợi, những bức hình tinh khôi về sen. Nhưng giữa "nghe" và "thấy" lại là một khoảng cách rất xa... Đầm Thủy Sứ giữa mùa sen, nhưng chỉ có lác đác vài bông. Những cây sen lá chỉ hơn bàn tay ngoi ngóp trên mặt nước đục ngầu, đầy váng dầu mỡ.

Đầm sen Thủy Sứ đang chết mòn.
Đầm sen Thủy Sứ đang chết mòn.

"Đấy vàng đây cũng đồng đen/ Đấy hoa thiên lý đây sen Tây Hồ". Tây Hồ và sen từ lâu lắm song tồn như một "cặp đôi huyền thoại" của văn hóa Thăng Long. Nếu coi Tây Hồ là một lẵng hoa, thì sen như một bông hoa đẹp nổi bật trên đó. Sen tôn lên vẻ đẹp mộng mơ mà thanh khiết của hồ Tây. Những người cao niên vùng ven hồ Tây bảo, họ nghe chuyện người đi trước kể rằng sen Tây Hồ bạt ngàn, được trồng từ mạn làng Nghi Tàm, nơi có chùa Kim Liên, qua Quảng An, lên mãi tít tận Nhật Tân rồi sang đến Xuân La. Sen Tây Hồ không chỉ đi vào ca dao, đại thi hào Nguyễn Du khi làm quan trong triều đình Huế cũng viết hẳn một chùm thơ năm bài với tựa đề "Giấc mộng hái sen", nhớ về kỷ niệm hái sen Tây Hồ và cô bạn gái thời trai trẻ. Trong đó có những hình ảnh đầy lãng mạn: "Mau xắn quần cánh bướm/ Chèo thuyền đi hái sen/ Mênh mang hồ đầy nước/ Trong nước bóng người in".

Sen Tây Hồ không chỉ đẹp bởi không gian nên thơ của trời nước hồ Tây, mà còn bởi đây là giống sen đặc biệt - sen bách diệp. Cầm bông sen Tây Hồ, bóc đi lớp cánh to bên ngoài, bên trong còn năm lớp cánh nhỏ, dày. Đấy là đặc trưng riêng của sen Tây Hồ. Giấu dưới những lớp lá ấy là đài sen và nhụy sen vàng óng. Người cẩn thận đếm thử xem có đúng là sen trăm cánh như tên gọi không. Quả đúng thật. Bông ít nhất cũng có gần 90 cánh. Bông lớn có đến 120 cánh. Hương sen Tây Hồ đằm khó đâu sánh kịp. Người dân trong vùng đã sớm có nghề ướp trà sen mấy trăm năm nay để đáp ứng nhu cầu của giới quyền quý, hay những tao nhân mặc khách khi xưa. Phường Quảng An nay vẫn còn nghề ướp trà và đã đăng ký thương hiệu hẳn hoi. Đến đây mới biết, sen Tây Hồ không đủ để phục vụ mấy chục hộ gia đình ướp trà tại chỗ. Thế mà vẫn nhiều nơi "mượn danh" trà sen Tây Hồ, bán mỗi cân trà không dưới sáu đến bảy triệu đồng.

Không ngoa, nếu coi sen Tây Hồ như một biểu tượng văn hóa của Hà Nội. Và nếu chọn một đặc sản ẩm thực của Thăng Long sao cho xứng tầm với sự tinh tế của người Hà Nội, xứng tầm với bề dày văn hóa thì ắt nhiều người chọ trà sen Tây Hồ. Chẳng cần dài dòng, chỉ cần nghe nghệ nhân trà sen ở Quảng An tính, cứ mỗi cân trà sen phải dùng 1.500 bông sen, chi li ra, mỗi ấm, phải dùng đến 15 bông hoa, mà ướp đi ướp lại bảy lần mới xong là đủ biết sự cầu kỳ.

Dẫu bây giờ sen Tây Hồ đã bị thu hẹp lại nhiều, chỉ còn vài đầm ven hồ, nhưng trong thời đại công nghệ thông tin này, chỉ cần một cái nhấp chuột, có cả trăm nghìn kết quả về sen Tây Hồ, về trà sen, bao chuyện xưa nay về sen Tây Hồ... kèm theo đó là những bức ảnh đẹp đến thuần khiết. Nhưng giữa "nghe" và "thấy" lại là một khoảng cách rất dài...

Tháng 8, đang giữa mùa sen nhưng trái với cảnh màu xanh bát ngát màu xanh mọi năm, đầm Thủy Sứ, một trong những đầm sen còn lại bên hồ Tây năm nay tiêu điều xơ xác. Cả đầm rộng tới 3,5 ha nhưng số lượng sen đếm được không quá một bàn tay. Không ai nhận ra đó là loài sen bách diệp trứ danh, đi vào cả thi ca lẫn nhạc họa. Những chiếc lá còi cọc lóp ngóp trên mặt nước đục ngầu. Thi thoảng lại thấy xác cá chết nổi. Ngoại trừ đầm sen ở thung lũng hoa hồ Tây trên mạn Nhật Tân, các đầm sen còn sót lại như đầm Đồng, đầm Trị năm nay đều kém sắc. Nhưng nghiêm trọng nhất vẫn là đầm Thủy Sứ. Không ai ngờ chỉ mới năm trước, nơi đây còn nườm nượp khách tham quan, thì nay, như một cái ao lớn bỏ hoang. Nhiều mảng váng dầu đen trên mặt nước. Ông Vũ Hoa Thảo, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Quảng An thở dài: "Chỉ tại nguồn nước bị ô nhiễm mà thôi".

Nỗi niềm sen Tây Hồ ảnh 1

Ông Vũ Hoa Thảo cùng đội thợ bơm nước với hy vọng cứu được giống sen cho vụ sau.

Loài sen vốn ưa sạch. Nước ở đầm sen thường cứ trong văn vắt. Phải thế sen mới lên khỏe, hoa mới to đều. Trước, đầm Thủy Sứ mỗi ngày cho vài nghìn bông sen. Mỗi năm, đủ để người Quảng An ướp bốn, năm tạ chè. Người ướp chè không đau xót mới là chuyện lạ. Những đường ống xả nước thải sinh hoạt hằng ngày đổ thẳng vào đầm. Người dân Quảng An chỉ còn cách viết đơn kêu cứu cho sen, cho nghề ướp trà, nhưng mãi chẳng thấy cơ quan nào trả lời. Hơn tháng nay, ông Vũ Hoa Thảo cho thợ thuyền liên tục bơm nước ra khỏi đầm. Mùa sen năm nay mất, nhưng hy vọng cứu củ sen, may ra vụ sau vẫn có thể nảy mầm. Hy vọng thôi, nhưng cũng không chắc được điều gì. Vì cứ bơm đợt nước bẩn này ra, thì lại có lượng nước bẩn khác chảy vào.

Ô nhiễm ao, hồ không phải là chuyện lạ. Nhưng ô nhiễm khiến sen Tây Hồ không sống nổi là một câu chuyện khác. Vẫn cứ tự hào, vẫn cứ ngợi ca, nhưng sen Tây Hồ vẫn cứ chết mòn...