Dự án được UBND tỉnh Phú Thọ cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 12-8-2008 với tổng mức đầu tư gần 1.400 tỷ đồng và do Công ty cổ phần hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí đầu tư trên diện tích gần 50ha đất nông nghiệp của các xã Cổ Tiết, Tam Cường, Văn Lương, huyện Tam Nông.
Dự án được xây dựng theo hình thức Tổng thầu (EPC) giữa chủ đầu tư với liên doanh PVC-Alfa Laval (Ấn Độ) và đã hoàn thành trên 78% khối lượng công việc, trong đó, phần xây lắp các bộ phận chủ yếu của nhà máy như nhà máy chính, phân xưởng cấp nước, phân xưởng nước thải, nhà nghiền, lò hơi, tháp làm mát, thiết bị làm lạnh; máy phát điện dự phòng, nhà ở công nhân đã được thi công cơ bản, trong đó phần mua sắm máy móc, lắp đặt thiết bị đạt khoảng 90% khối lượng.
Cùng với xây lắp nhà máy, giai đoạn 2011-2012 Công ty đã triển khai hợp đồng chuyển giao kỹ thuật để phát triển vùng nguyên liệu chủ yếu cây sắn ở một số địa phương, xây trạm bán xăng…Thế nhưng từ cuối năm 2011 đến nay, dự án đã dừng thi công, toàn bộ hệ thống nhà xưởng tạm thời đóng cửa, thuê lực lượng bảo vệ, bố trí một số người bảo dưỡng.
Có mặt tại cụm công nghiệp Cổ Tiết mới thấy hết vẻ hoang tàn xuống cấp của một dự án từng được hy vọng là cánh cửa mở tương lai cho nhiều người dân trong vùng. Cổng vào nhà máy luôn trong tình trạng cửa đóng then cài, nhà xưởng xuống cấp, máy móc hoen gỉ, chung quanh cỏ dại mọc um tùm.
Bà Đỗ Văn Ân ở Tam Nông cho biết, không hiểu vì lý do gì mà nhà máy xây dựng đã lâu nhưng không hoạt động gây lãng phí đất sản xuất của nhân dân. Nhìn nhà máy ngày càng xuống cấp mà xót xa. Bao nhiều tiền của đầu tư nay bỏ không gây lãng phí cho Nhà nước.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Hữu Đạt, Chủ tịch UBND xã Tam Cường cho biết, đây là dự án mà tỉnh và địa phương dồn nhiều công sức trong công tác giải phóng mặt bằng. Còn nhớ vào năm 2009, để kịp bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư, tỉnh đã phải dùng biện pháp cưỡng chế thi công. Lúc ấy, nơi đây trở thành một điểm nóng của tỉnh về tình trạng đơn thư vượt cấp, kéo dài. Người dân tìm mọi cách để giữ những thửa ruộng bờ xôi, ruộng mật bao năm gắn bó, còn nhà đầu tư thì liên tục đốc thúc để lấy mặt bằng thi công.
Vậy mà, bao công sức của chính quyền địa phương, bao hy vọng của người dân nhưng giờ đây đã để lại nhiều hệ lụy. Nhà máy thì bỏ không, dân thì không có đất sản xuất, nhiều người gần như quên trên địa bàn xã có một nhà máy có giá trị đầu tư hơn một nghìn tỷ đồng . Rất mong các cấp, chủ đầu tư sớm có giải pháp để đưa nhà máy đi vào hoạt động cho người dân thỏa niềm mơ ước bấy lâu.
Đồng chí Phan Đức Tài, Phó chủ tịch UBND huyện Tam Nông cho biết, chẳng biết khi nào dự án mới được tái khởi động lại. Vì vậy mong muốn các cấp, các ngành sớm có giải pháp chuyển đổi phương án đầu tư, sản xuất hoặc chuyển nhượng một phần diện tích cho dự án khác để đỡ lãng phí đất, tạo công ăn, việc làm cho người dân địa phương và tạo niềm tin cho nhân dân. Về phía huyện cũng cam kết, nếu nhà máy tiếp tục khởi động, sớm hoàn thành đi vào sản xuất địa phương sẽ tạo điều kiện tối đa về xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu, xây lắp các hạng mục phụ trợ, tiêu thụ sản phẩm.
Được biết, trong những năm qua, tỉnh Phú Thọ nhiều lần giãn tiến độ hoàn thành dự án, đồng thời kiến nghị các Bộ ngành chức năng chỉ đạo tiếp tục triển khai xây lắp hoàn thành nhà máy để đưa vào hoạt động.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Thọ, ngày 1-2-2016, Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học dầu khí đã có văn bản xin được giãn tiến độ dự án. Như vậy đây là lần thứ ba chủ đầu tư xin giãn tiến độ với thời gian 24 tháng. Theo đó, tỉnh Phú Thọ cũng yêu cầu chủ đầu tư tìm các giải pháp tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thành dự án theo cam kết, sớm đưa diện tích đất dự án vào sử dụng bảo đảm không vi phạm các quy định của Luật Đất đai.