Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp là hoạt động thường niên của Bộ Tài chính nhằm giúp các doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn trong khi kê khai thủ tục thuế, hải quan cũng như giúp Bộ Tài chính tiếp thu các kiến nghị của doanh nghiệp để thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan một cách hiệu quả.
Tại buổi đối thoại, đại diện các doanh nghiệp đánh giá cao việc xây dựng chính sách và sự quan tâm của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp bày tỏ những băn khoăn bởi trong quá trình thực hiện kê khai thuế, hải quan còn nhiều thủ tục rườm rà gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản chia sẻ: Một trong những khó khăn rất nhiều doanh nghiệp đang gặp phải đó là không chạy được thanh khoản đối với các tờ khai xuất nhập khẩu ủy thác.
Ông Nam cho rằng: “Có một vấn đề mà từ khi triển khai thủ tục hải quan điện tử đến nay cả bên nhà cung cấp phần mềm và phía hải quan đều chưa giải quyết được đó là việc chạy hồ sơ thanh khoản đối với tờ khai ủy thác. Trong thông tư quy định việc thanh khoản phải tiến hành trên phần mềm. Nhưng thực tế đối với tờ khai xuất nhập khẩu ủy thác phần mềm hiện nay không chạy thanh khoản được. Bên Thái Sơn có hướng xử lý để chạy được thanh khoản các tài khoản xuất nhập khẩu ủy thác thì phải tạo một tờ khai giả lập truyền đến hải quan sau đó mới chạy thanh khoản trên hệ thống, nhưng phía hải quan không chấp nhận phương án này, vì vậy các hồ sơ xuất nhập khẩu ủy thác doanh nghiệp gặp phải nhiều phiền hà để xin tiến hành thanh khoản thủ công”.
![]() |
Đại diện doanh nghiệp bày tỏ vướng mắc trong việc kê khai thuế, hải quan.
Còn bà Đinh Thị Mỹ Anh, Kế toán trưởng Công ty TNHH một thành viên Apatit Lào Cai, cho biết: “Từ tháng 1-2014, doanh nghiệp mở tờ khai xuất khẩu phải lấy mẫu phân tích hàng hóa mất 15 ngày. Kết quả phân tích hàng hóa này thường thay đổi so với số liệu doanh nghiệp đã khai khi thực xuất, nên thông thường, doanh nghiệp phải nộp bổ sung thuế".
"Nộp bổ sung thuế là đúng, nhưng doanh nghiệp còn phải nộp tiền phạt vì chậm thuế, trong khi rõ ràng đây là quy trình của Nhà nước, doanh nghiệp đâu có chậm trễ gì. Ngoài ra, lệ phí mở tờ khai có 20 nghìn đồng, nhưng quy định mới bắt buộc nộp qua ngân hàng khiến doanh nghiệp mất tới 26 nghìn đồng phí cho ngân hàng nữa, trong khi trước đây chỉ cần dán tem là xong", bà Mỹ Anh băn khoăn.
Chia sẻ với những khó khăn của các doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng: “Doanh nghiệp luôn cảm thấy nặng nề khi làm thủ tục thuế, hải quan. Nhiều doanh nghiệp chưa mong giảm thời gian kê khai thuế, chỉ mong không bị phạt”.
“Thực tế từ chuyến khảo sát 16 doanh nghiệp tại tám địa phương gần đây cho thấy, gần như toàn bộ chi cục thuế, hải quan địa phương để bảo đảm an toàn đều tự ý bổ sung thêm một số tờ khai, thủ tục khác ngoài quy định mà Bộ Tài chính hướng dẫn. Ví dụ như thủ tục hoàn thuế, chỉ cần mẫu 05 nhưng các cơ quan thuế lại thêm vào đó bảng kê số liệu hoàn thuế cả quý, cả năm; đã thực hiện hải quan điện tử nhưng vẫn có những bản kê tay. Ngay các công văn về thuế giữa các chi cục trong cùng một cục thuế cũng đã rất khác nhau”, bà Cúc dẫn chứng.
Tại cuộc đối thoại, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã giải đáp nhiều thắc mắc của doanh nghiệp, như vấn đề doanh nghiệp khiếu kiện lần một tại cục thuế không thỏa đáng, có thể khiếu kiện lần hai ở Tổng cục Hải quan và khiếu kiện tiếp tại Bộ Tài chính. Nếu doanh nghiệp vẫn chưa đồng thuận, Bộ Tài chính sẵn sàng xin ý kiến của các cơ quan chức năng liên quan để giải quyết đúng pháp luật.
"Nếu kết quả cuối cùng, cơ quan chức năng sai, thì sẽ phải bồi hoàn cho doanh nghiệp", Thứ trưởng Tuấn khẳng định.
Về vấn đề biểu thuế nhập khẩu, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho hay, Bộ Tài chính đang đề nghị bổ sung vào chương trình 2015 thuế suất thuế nhập khẩu, để đáp ứng thực tế hiện nay và những thách thức đặt ra. Còn vấn đề sử dụng các văn bản phi pháp quy, các văn bản do vụ trưởng, vụ phó ký, hoặc chỉ đạo thông qua các email, Thứ trưởng khẳng định không phải là căn cứ để xử lý doanh nghiệp. Các văn bản mà các chi cục địa phương tự ý bổ sung ngoài quy định của ngành tài chính cũng cần phải cắt bỏ ngay để giảm bớt phiền hà cho doanh nghiệp.