Phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Nâng cao hiệu quả xét xử của Tòa án nhân dân các cấp

NDO -

NDĐT - Sáng 22-4, tiếp tục phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Trong đó, tập trung thảo luận những nội dung nhằm nâng cao hiệu quả xét xử của Tòa án nhân dân các cấp.

Khai mạc phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Khai mạc phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Bất cập trong phân định thẩm quyền của Tòa án nhân dân các cấp

Theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (năm 2002), hệ thống tổ chức Tòa án ở nước ta được tổ chức theo đơn vị hành chính, bao gồm: Tòa án nhân dân tối cao, các Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Đại diện Tòa án nhân dân tối cao cho biết: Hiện nay, thẩm quyền xét xử của mỗi Toà án được xác định vừa theo lãnh thổ vừa theo tính chất các vụ việc và thủ tục giải quyết, xét xử các vụ án. Trong đó, Toà án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền xét xử sơ thẩm, còn lại các Toà án cấp trên đều có thẩm quyền xét xử hỗn hợp, hoặc vừa phúc thẩm, vừa giám đốc thẩm như của Toà án nhân dân tối cao, hoặc có đầy đủ thẩm quyền xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm như ở Toà án cấp tỉnh.

Khẳng định những quy định nói trên không thể hiện đúng, chính xác tính chất hoạt động, vai trò, vị trí của Tòa án mỗi cấp quy định trong hệ thống Tòa án, vị đại diện nêu thí dụ: “Đối với Tòa án nhân dân tối cao vẫn tiếp tục giải quyết, xét xử phúc thẩm đối với các bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án cấp tỉnh bị kháng cáo, kháng nghị và trên thực tế, việc không ít các bản án, quyết định phúc thẩm của các Tòa phúc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao đã bị kháng nghị và bị hủy theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bởi chính Tòa án nhân dân tối cao, vô hình chung đã làm ảnh hưởng đến vai trò, uy tín pháp lý của Tòa án nhân dân tối cao, với tư cách là cơ quan xét xử cao nhất trong hệ thống Tòa án. Bên cạnh đó, thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm quá phân tán, dàn trải thì mục tiêu thống nhất trong việc áp dụng pháp luật và xác định đường lối xét xử chung của chế định giám đốc thẩm, tái thẩm sẽ bị ảnh hưởng.”

Trên thực tế, đã có những quyết định giám đốc thẩm của Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh, hoặc thậm chí có trường hợp quyết định giám đốc thẩm của Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân tối cao bị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy, cho nên hạn chế ý nghĩa pháp lý của chế định giám đốc thẩm, tái thẩm.

Tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân theo thẩm quyền xét xử

Về cơ bản, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tán thành với nhiều nội dung được nêu trong các quan điểm chỉ đạo việc soạn thảo dự án Luật, nhưng đề nghị, dự án Luật phải thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp (sửa đổi), đó là: Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp.

Do đó, nhiều ý kiến đề nghị áp dụng nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân (Khoản 1, Điều 5 dự thảo Luật) là theo thẩm quyền xét xử.

Về tổ chức Tòa án nhân dân cấp cao (Điều 22), nhiều ý kiến tán thành sự cần thiết thành lập Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao. Tuy nhiên, đối với các Tòa chuyên trách của Tòa án nhân dân cấp cao, không nên quy định vừa có thẩm quyền “Giám đốc thẩm, tái thẩm” lại vừa có thẩm quyền “Phúc thẩm”. Như vậy, là có hai cấp xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm tại Tòa án nhân dân cấp cao (là Tòa chuyên trách và Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao). Quy định như vậy là không phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp theo hướng thu gọn đầu mối giám đốc thẩm, tái thẩm. Về nội dung này, Ủy ban Tư pháp cho rằng, ở Tòa án nhân dân cấp cao chỉ Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao mới có thẩm quyền xét xử giám đốc thẩm và tái thẩm.

Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến cụ thể đối với phương án thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực và quy định Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực có các Tòa chuyên trách: Tòa hình sự, Tòa dân sự, Tòa hành chính, Tòa kinh tế, Tòa lao động, Tòa gia đình và người chưa thành niên, Tòa giản lược.

Theo đó, các ý kiến cho rằng tại Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực nói chung có các Tòa chuyên trách là hợp lý, nhưng việc thành lập cụ thể những Tòa nào ở Tòa án sơ thẩm khu vực nào thì do Chánh án TANDTC quyết định căn cứ vào các tiêu chí cụ thể.

Đối với Tòa gia đình và người chưa thành niên là Tòa mới đối với nước ta có trong tổ chức của Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân sơ thẩm, nhưng trong Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao chưa thuyết trình rõ về sự cần thiết, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền của Tòa này để Quốc hội có cơ sở xem xét, quyết định. Vì vậy, Ủy ban Tư pháp đề nghị Tòa án nhân dân tối cao bổ sung nội dung này vào Tờ trình Quốc hội.

Đối với “Tòa giản lược”, về bản chất là việc Tòa án giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật, theo thủ tục đơn giản gồm một Thẩm phán. Vì vậy, Ủy ban Tư pháp cho rằng không nên thành lập thêm “Tòa giản lược” trong Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực, vì các loại việc nêu trong giải trình của Tòa án nhân dân tối cao sẽ tùy theo tính chất mà giao cho Tòa chuyên trách tương ứng giải quyết, vẫn bảo đảm hiệu quả và không làm cồng kềnh tổ chức bộ máy, phát sinh thêm biên chế.

Tính đến 30-6-2013, cả nước có 764 Tòa án nhân dân, bao gồm: Tòa án nhân dân tối cao, 63 Tòa án nhân dân cấp tỉnh và 700 Tòa án nhân dân cấp huyện (riêng huyện đảo Hoàng Sa và Trường Sa chưa có Tòa án). Nếu xét theo thẩm quyền xét xử, hệ thống Tòa án nhân dân có thể phân chia thành 763 Tòa án cấp sơ thẩm (bao gồm 700 Tòa án cấp huyện và 63 Tòa án cấp tỉnh), 66 Tòa án phúc thẩm (bao gồm 63 Tòa án cấp tỉnh và 3 Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao) và 69 cơ quan xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm (bao gồm 63 Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh, 5 Tòa chuyên trách của Tòa án nhân dân tối cao, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao).