"Pin nước" - bước tiến trong hệ thống năng lượng tái tạo của Thụy Sĩ

Giám đốc nhà máy thủy điện Nant de Drance cho biết, cơ sở này có thể lưu trữ khoảng 20 gigawatt giờ (GWh), đồng nghĩa mỗi một "bình đầy" trong hồ chứa Vieux Emosson là đủ để sạc 400.000 pin xe điện.
0:00 / 0:00
0:00
Các tuabin trong nhà máy thủy điện Nant de Drance của Thụy Sĩ. (Ảnh: Reuters)
Các tuabin trong nhà máy thủy điện Nant de Drance của Thụy Sĩ. (Ảnh: Reuters)

"Pin nước" khổng lồ được xem là bước tiến lớn đối với hệ thống năng lượng tái tạo của Thụy Sĩ.

Với số tiền đầu tư 2,2 tỷ franc Thụy Sĩ (2,3 tỷ USD), nhà máy thủy điện Nant de Drance được bắt đầu đi vào hoạt động hồi tháng 7 như một khối pin khổng lồ dưới lòng đất, có khả năng lưu trữ năng lượng tương đương với 400.000 pin xe điện.

Nằm trên dãy Alps của Thụy Sĩ, Nhà máy thủy điện Nant de Drance được trang bị 6 tuabin với công suất 900 MW, được đặt trong một hầm ngầm ở độ sâu 600m dưới lòng đất giữa hai hồ chứa sẵn có Emosson và Vieux Emosson.

Những tuabin này hoạt động linh hoạt và có thể đảo chiều, giúp nhà máy có thể chuyển từ dự trữ năng lượng sang cung cấp điện năng.

Trong giai đoạn nhu cầu cao điểm, Nant de Drance sản xuất điện năng từ thủy điện. Tuy nhiên, khi nguồn cung từ các trại năng lượng gió và mặt trời vượt quá nhu cầu, nhà máy sẽ tích trữ lượng điện dư thừa bằng cách bơm nước vào hồ chứa Vieux Emosson.

Với 360m3/giây, lượng nước đi qua các tuabin của Nant de Drance tương ứng với dòng chảy của sông Rhone qua thủ đô Geneva vào mùa hè.

Giám đốc nhà máy Alain Sauthier cho biết lượng năng lượng thực sự có thể được lưu trữ trong cơ sở này vào khoảng 20 gigawatt giờ (GWh).

Điều này đồng nghĩa mỗi một "bình đầy" trong hồ chứa Vieux Emosson là đủ để sạc 400.000 pin xe điện cùng một lúc.

Thuỵ Sĩ mất 14 năm để hoàn thành dự án đồ sộ này. Thông thường, nhà máy bơm nước vào kho chứa vào buổi chiều, ban đêm và các ngày cuối tuần, sau đó tạo ra nguồn điện vào buổi sáng và buổi tối.

Nant de Drance được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định mạng lưới điện của châu Âu, trong bối cảnh "Lục địa già" chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.