Thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi):

Phương án nào cho việc kiểm soát và xử lý tài sản, thu nhập không rõ nguồn gốc?

NDO -

NDĐT – Trong buổi thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), nhiều đại biểu đã đóng góp ý kiến vào hai nội dung liên quan đến phương án kiểm soát tài sản, và về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý.

Các đại biểu tổ Hà Nội thảo luận.
Các đại biểu tổ Hà Nội thảo luận.

Tranh luận gay gắt về thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập

Phương án 1: Giao cho Thanh tra Chính phủ tiến hành kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên công tác tại tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Cơ quan thanh tra hoặc đơn vị phụ trách công tác tổ chức, cán bộ tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương (nơi không có cơ quan thanh tra), thanh tra cấp tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập đối với những người có nghĩa vụ kê khai khác công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình. Chính phủ lựa chọn phương án này.

Phương án 2: Đối với người có nghĩa vụ kê khai công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, chính quyền địa phương thì thực hiện như phương án 1.

Đối với người có nghĩa vụ kê khai công tác tại Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội thì giao cho cơ quan trung ương của các cơ quan, tổ chức này kiểm soát tài sản, thu nhập; đối với người có nghĩa vụ kê khai công tác tại Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ thì giao cho các cơ quan này kiểm soát; đối với người có nghĩa vụ kê khai là đại biểu Quốc hội chuyên trách thì giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiểm soát.

Trong buổi thảo luận, nhiều đại biểu băn khoăn nếu thực hiện theo phương án 1 về thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập, thì sẽ dẫn đến tình trạng giao quá nhiều việc cho một đầu mối và gây quá tải. Đại biểu Vũ Quốc Bình (Hà Nội) cho rằng, Thanh tra Chính phủ là cơ quan độc lập, nếu để Thanh tra Chính phủ thực hiện việc kiểm soát tài sản thu nhập thì chưa đúng về thể chế và gây "phình bộ máy".

Phương án nào cho việc kiểm soát và xử lý tài sản, thu nhập không rõ nguồn gốc? ảnh 1

Theo đại biểu Dương Ngọc Hải (TP Hồ Chí Minh - ảnh trên), phương án này giao cho thanh tra quá nhiều. Thanh tra có quyền kiểm soát tài sản các cơ quan tư pháp, cơ quan Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ là không phù hợp cơ cấu với mô hình cơ cấu tổ chức bộ máy của nhà nước. “Người xây dựng Luật này tham vọng muốn gom về một mối thành hệ thống cơ sở dữ liệu để dễ quản lý các đối tượng kê khai tài sản và dễ kiểm soát. Tôi cho rằng tính khả thi của phương án này không có”, đại biểu này nói.

Về việc giao thanh tra kiểm tra các đơn vị chủ thể ngoài nhà nước, Đại biểu Dương Ngọc Hải cho rằng, nếu thanh tra cả những đơn vị này sẽ là quá sức của cơ quan thanh tra. “Vì hiện nay cơ quan thanh tra kiểm tra các cơ quan nhà nước nhưng hiệu quả chưa đạt được như yêu cầu. Những vụ việc thanh tra phát hiện tham nhũng chuyển sang cơ quan điều tra để xử lý hình sự chưa phản ánh thực chất tình hình”. Đại biểu này đề nghị “Nên chăng, Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi quan tâm cải tiến các quy định luật này để làm tốt thanh tra trong khu vực nhà nước. Khu vực ngoài nhà nước có thể có cơ chế khác như có quy định pháp luật ràng buộc với khu vực này”.

Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Cường lại có lập luận ngược lại: “Về sự quá tải, tôi cho rằng không cần phải tăng thêm bộ máy mới, mà vẫn là cơ quan đó giải quyết công việc. Các cơ quan khác không phải xử lý về vấn đề này có thể giảm bớt biên chế. Tôi cho rằng, về lâu dài có thể thực hiện phương án 1”.

Chung ý kiến này, đại biểu Nguyễn Chiến phân tích, giả sử giao việc này cho Thanh tra Chính phủ sẽ tập trung và giải quyết được cả những đầu mối khác thuộc các cơ quan mang tính quyền lực. Còn nếu giao cho nhiều đầu mối như phương án 2 thì phải có sự kiểm tra chéo, chứ cơ quan đứng đầu của tổ chức, đơn vị đó lại làm nhiệm vụ kiểm soát tài sản thì không hiệu quả. Đối với việc có phình bộ máy hay không, luật sư Nguyễn Chiến cho rằng, có tăng cũng không ảnh hưởng, trong khi các cơ quan khác hiện nay nếu làm nhiệm vụ này đều phải tăng thêm ít nhất mỗi cơ quan một người. Đại biểu Nguyễn Chiến còn cho rằng, nếu áp dụng phương án 1 thì còn phải sửa luật khác nhiều hơn phương án 2.

Về đối tượng cần kê khai tài sản, thu nhập, nhiều đại biểu cho rằng cần thu hẹp đối tượng, quản lý chặt và chắc còn hơn là quản lý rộng mà không hiệu quả. Theo đại biểu Đào Thanh Hải (Hà Nội), cần tập trung vào một số đối tượng có vị trí quan trọng ở một số địa phương, hơn là tất cả đều kê khai, vừa khó kiểm soát, vừa không hiệu quả.

Phương án nào cho việc kiểm soát và xử lý tài sản, thu nhập không rõ nguồn gốc? ảnh 2

Đại biểu Thuận Hữu (Hải Phòng - ảnh trên) cho rằng, đối tượng điều chỉnh trước hết là công chức nhà nước, không bất kỳ chức vụ gì, đều phải là đối tượng điều chỉnh. Sang khu vực tư, khi phát hiện ra người liên đới trách nhiệm thì chịu điều chỉnh của luật khác chứ không phải ở luật này. Trên thực tế, các sân sau của các quan chức rất nhiều. Nếu không mở rộng ra thì tâm lý trong dân không yên tâm. Nhưng nếu mở rộng khó cho cơ quan quản lý.

“Thí dụ, khi nói tới đối tượng quản lý việc này, ta đã thấy mâu thuẫn trong Luật. Mở rộng ra, thanh tra nhà nước kiểm soát thu nhập từ Giám đốc Sở trở lên. Phần dưới đó, các cơ quan, bộ, ngành. Vậy phần tư này là ai, ai quản lý, kê khai không? Tôi thấy khi mở rộng đối tượng này cần cân nhắc. Mở rộng cần phải có giải pháp để bảo đảm chặt chẽ” - đại biểu Thuận Hữu ý kiến.

Lưu ý những doanh nghiệp tư nhân là “sân sau”

Về việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực ngoài nhà nước, nhiều đại biểu lưu ý đến thực tế có những doanh nghiệp tư nhân hiện đang là “sân sau” của tham nhũng. Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho rằng việc mở rộng phạm vi của dự thảo Luật này không ảnh hưởng đến các doanh nghiệp tư nhân làm ăn chân chính, thậm chí có thể còn là động lực cho tăng trưởng tốt hơn. Còn theo đại biểu Hoàng Văn Cường, "không có chuyện một doanh nghiệp đại chúng câu kết để tham nhũng, mà chỉ có công ty tư nhân mới là sân sau”.

Chung ý kiến này, đại biểu Nguyễn Chiến còn đề cập thêm đến đối tượng khác là các quỹ đầu tư. “Đây chính là nguồn cung cấp vốn cho các đơn vị có hoạt động tài chính lớn và có nguy cơ tham nhũng cao. Tuy nhiên không thấy trong dự thảo Luật đề cập đến các quỹ này mà lại nói đến khu vực đại chúng, các tổ chức có các khoản thu từ các hoạt động từ thiện”.

Xử lý kê khai tài sản không trung thực, không giải trình hợp lý

Đại biểu Dương Ngọc Hải (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, cả hai phương án mà Ủy ban Tư pháp đặt ra trong bản thẩm tra Luật Phòng, chống tham nhũng đối với tài sản kê khai không kê khai hoặc kê khai không trung thực đều khó khả thi. “Với công chức Việt Nam, ngoài lương còn tài sản khác, nhưng chưa chắc tài sản không kê khai đó do tham nhũng mà có. Có thể đây là tài sản do vi phạm mà có (thí dụ như buôn lậu mà có) thì phải được xử lý theo Luật khác”.

Đại biểu này chỉ ra bất cập, nếu xử lý theo phương án 1, sau khi đánh thuế thu nhập 45% với khối tài sản không kê khai, tài sản tăng thêm không giải trình được thì 55% tài sản còn lại được hợp thức hóa, được kê khai tài sản. “Như vậy, những người tham nhũng thật sự sẽ chọn phương án này để hợp thức hóa tài sản của mình”, đại biểu này nói.

Về phương án 2, nếu công chức không kê khai tài sản sẽ vi phạm hành chính nhưng Luật về xử lý hành chính chưa quy định vấn đề này. “Như vậy, sau khi phạt xong rồi, phần tài sản còn lại được hợp thức hóa, họ được kê khai tài sản và không còn là tài sản tham nhũng nữa. Cho nên tôi nghĩ cả hai cách đều không hợp lý”, đại biểu này nói thêm “Theo tôi cần xem thêm cách nào để thay thế xử phạt hành chính hay không?”

Phương án nào cho việc kiểm soát và xử lý tài sản, thu nhập không rõ nguồn gốc? ảnh 3

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Đức Sáu (TP Hồ Chí Minh - ảnh trên) tán thành quan điểm thu thuế 45% đối với tài sản này. Tuy nhiên, đại biểu cũng nhấn mạnh: “Việc xử lý phải thận trọng để không ảnh hưởng tới việc hợp thức hóa tài sản còn lại. Nếu sau khi xử phạt hành chính, khi cơ quan thanh tra phát hiện tài sản chung mà do phạm tội mà có, do liên quan đến tham nhũng thì sẽ xử lý lại toàn bộ tài sản trước đây. Nếu tài sản thông qua chức vụ quyền hạn hối lộ thì tài sản đó có thể trả lại cho chủ sở hữu là người dân, có thể tịch thu sung quỹ nhà nước”.

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (TP Hồ Chí Minh) tán thành quan điểm tiến tới kê khai, kiểm soát tài sản toàn dân. “Tôi ủng hộ quan điểm công chức phải kê khai tài sản, để cơ quan có thẩm quyền có cơ sở để kiểm soát tài sản từ đầu. Tán thành đối tượng kê khai là Giám đốc Sở trở lên và người có vị trí công tác dễ dẫn đến tham nhũng như: tài chính, nhân sự, dự án...”.

Về câu chữ “xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý”, nhiều đại biểu cho rằng, Luật cần có giải thích hoặc thay từ “hợp lý” bằng từ “hợp pháp” để có cơ sở pháp lý căn cứ, tránh được sự “tùy tiện” có thể xảy ra do chủ quan của người thực hiện thanh tra.

Phương án nào cho việc kiểm soát và xử lý tài sản, thu nhập không rõ nguồn gốc? ảnh 4

Đại biểu Đào Tú Hoa (Hà Nội).

Một số ý kiến đại biểu cho việc xử lý tài sản thu nhập liên quan đến quyền sở hữu tài sản của công dân. Đại biểu Đào Tú Hoa (Hà Nội) cho rằng, không thể coi tài sản không thể chứng minh được là tài sản do tham nhũng mà có, cũng không thể bắt người sở hữu chứng minh tài sản có vi phạm hay không, mà việc đó là của cơ quan điều tra.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội) cho rằng nghĩa vụ chứng minh tài sản có vi phạm hay không phù hợp với nguyên tắc chứng minh tội phạm, cần có quy định để chuyển hóa sang cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Theo đại biểu Thuận Hữu, khi thu hồi tài sản không tăng thêm, phải sửa một phần Luật Hình sự. “Tôi thấy thu hồi tài sản nhưng phải chặt chẽ, không thể làm bằng mọi giá. Muốn làm phải tính toán sửa Luật Hình sự, phải mở ngoặc trừ trường hợp tài sản không chứng minh được liên quan đến phòng, chống tham nhũng. Không khéo thì các cơ quan tố tụng đẩy toàn bộ trách nhiệm nguồn gốc chứng minh tài sản sang đối tượng chịu điều chỉnh”.

Nhiều đại biểu cũng lưu ý đến tính khả thi của Luật khi đi vào cuộc sống. Đại biểu Hoàng Văn Cường băn khoăn: “Chúng ta ban hành Luật nhưng có khả thi đi vào cuộc sống được hay không? Những người có trách nhiệm thực hiện như thế nào? Chẳng hạn như thời gian qua rất nhiều vụ thất thoát, tham nhũng được phát hiện, tại sao chúng ta có bao nhiêu cơ quan làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, kiểm soát lại không phát hiện ra? Trách nhiệm ở đâu? Dự thảo Luật chưa nói đến điều này”.