Phú Yên đầu tư phát triển công nghiệp

NDO - Hai mươi năm trước, Phú Yên là một tỉnh thuần nông ở miền trung, công nghiệp hầu như không có gì ngoài một vài cơ sở tiểu thủ công nghiệp nhỏ. Ngày nay, vùng đất này đã chuyển mình, kinh tế liên tục phát triển với tốc độ khá cao và chuyển dịch đúng hướng. Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 15 đã đề ra mục tiêu đến năm 2020, Phú Yên cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp.

Ðầu tư phát triển công nghiệp

Giám đốc Sở Công thương Phú Yên Ðào Tấn Cam cho biết: Tiềm năng phát triển công nghiệp của Phú Yên là rất lớn, những lĩnh vực công nghiệp trọng tâm được xác định là công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; công nghiệp hóa dầu - hóa dược; công nghiệp sản xuất bia và  nước giải khát; công nghiệp khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng và sản xuất điện năng. Trong đó, về lĩnh vực công nghiệp chế biến nông, lâm sản, quỹ đất cho sản xuất nông, lâm nghiệp chiếm tới 60% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Do đó rất thuận lợi cho phát triển công nghiệp chế biến ở nhiều nơi. Lợi thế này đã được tỉnh Phú Yên khai thác có hiệu quả, đơn cử như đã quy hoạch, phát triển vùng chuyên canh mía ở các huyện phía tây của tỉnh là Ðồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh, Tuy An..., với tổng diện tích từ 18 nghìn đến 20 nghìn ha. Tại những vùng này đã hình thành ba nhà máy đường với tổng công suất 7.500 tấn mía cây/ngày. Sản xuất chế biến mía đường đã thật sự làm chuyển dịch kinh tế vùng nông thôn miền núi Phú Yên. Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa Cao Minh Hòa cho biết, hiệu quả kinh tế từ sản xuất, chế biến mía đường đã làm thay đổi cách nghĩ cách làm của bà con theo hướng công nghiệp hiện đại. 

Ðể thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, Ðảng bộ, chính quyền tỉnh Phú Yên đã có nhiều chính sách phù hợp, nhằm huy động nội lực trong tỉnh, thu hút đầu tư bên ngoài. Ðồng thời, đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đã được phê duyệt; phát huy hiệu quả đầu tư và vai trò của các khu, cụm công nghiệp trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Hiện đã quy hoạch xây dựng ba khu công nghiệp (KCN) tập trung với diện tích 1.219,3 ha. Ðến nay, KCN Hòa Hiệp đã tiếp nhận 23 dự án đầu tư trong và ngoài nước; KCN An Phú có 24 dự án (trong đó có hai dự án 100% vốn đầu tư nước ngoài); KCN Ðông Bắc Sông Cầu có 21 dự án. Hiện nay, tại các KCN có 55 nhà máy, xí nghiệp đi vào hoạt động, thu hút hơn 6.300 lao động vào năm 2010, kim ngạch xuất khẩu đạt 105 triệu USD.

Ðối với các vùng khác trong tỉnh, bao gồm vùng núi cao phía bắc, phía nam, phía tây và vùng trung tâm các huyện Ðồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh, phía bắc thị xã Sông Cầu, phía nam huyện Ðông Hòa, Tây Hòa có lợi thế về vùng nguyên liệu nông, lâm, khoáng sản, vật liệu xây dựng và có tiềm năng lớn về thủy điện, phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm nghiệp, công nghiệp và sản xuất điện năng. Trên cơ sở này, tỉnh cũng đưa vào quy hoạch, xây dựng tám cụm, điểm công nghiệp tại các địa phương với quỹ đất dự kiến 770 ha. Ðến nay, đã có nhiều cụm, điểm công nghiệp được xây dựng hoàn chỉnh và đi vào hoạt động, như cụm công nghiệp Hòa An, huyện Phú Hòa; cụm công nghiệp Sơn Hà, huyện Sơn Hòa; cụm công nghiệp Long Hà, thị trấn La Hai, huyện Ðồng Xuân. Các làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống đang được khôi phục và tạo điều kiện để phát triển.

Ðặc biệt tỉnh đã thành lập Khu kinh tế Nam Phú Yên với diện tích 20.730 ha đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa chức năng; trong đó có hai dự án lớn đã được cấp giấy phép đăng ký là Khu công nghiệp Hòa Tâm với tổng vốn đăng ký 10 nghìn tỷ đồng và Dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô với mức đăng ký đầu tư 1,7 tỷ USD công suất 4 triệu tấn/năm (đang điều chỉnh nâng công suất lên 8 triệu tấn/năm).

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên  Phạm Ðình Cự cho biết, nhờ tập trung đầu tư có hiệu quả cho công nghiệp, kinh tế Phú Yên tăng trưởng nhanh, cơ cấu kinh tế Phú Yên đã chuyển dịch theo hướng tích cực, trong đó sản xuất công nghiệp được xem là hướng đột phá. Năm 2006-2010, tốc độ tăng trưởng GDP công nghiệp - xây dựng tăng bình quân hằng năm 18,39%, trong đó GDP công nghiệp tăng 18,46%/năm. Tỷ trọng GDP công nghiệp trong cơ cấu GDP tỉnh tăng từ 22,24% năm 2005 lên 30% năm 2010. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân hằng năm giai đoạn 2006-2010 tăng 18,68%/năm. Số lượng lao động công nghiệp tăng bình quân hằng năm 5,86%, giải quyết việc làm mới đến năm 2010 đạt 22 nghìn lao động trong tổng số 55 nghìn lao động toàn ngành công nghiệp. Giá trị kim ngạch xuất khẩu từ sản phẩm công nghiệp đạt tốc độ tăng bình quân hằng năm là 17,38%. Nếu trước năm 2000, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh chỉ đạt 16 triệu USD/năm, năm 2005 đạt 57 triệu USD, thì đến năm 2010 đạt 120 triệu USD.

Một trong những yếu tố quan trọng, góp phần chuyển dịch nền kinh tế Phú Yên theo hướng công nghiệp hiện đại là địa phương huy động được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển đúng hướng. Trong năm năm gần đây, tổng vốn đầu tư toàn xã hội hơn 26.525 tỷ đồng, bình quân tăng 22,1%/năm. Nhờ vậy, cơ sở hạ tầng ngày càng được hoàn thiện, nhất là mạng lưới giao thông, thủy lợi, điện, khu công nghiệp và đô thị...

Những mục tiêu, giải pháp phát triển

Theo Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 15, mục tiêu của tỉnh phấn đấu nâng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng từ 34,9% hiện nay lên 41,1% trong GDP. Phấn đấu, năm 2015, thu nhập bình quân đầu người đạt 38,4 triệu đồng/năm, gấp 2,43 lần so với năm 2010. Ðể đạt mục tiêu nêu trên, tỉnh Phú Yên đã và đang tập trung phát triển mạnh công nghiệp, xây dựng theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng theo hướng cạnh tranh. Ðẩy mạnh đổi mới máy móc, thiết bị và công nghệ các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Chú trọng thu hút đầu tư, hình thành các ngành công nghiệp có hàm lượng kỹ thuật và công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn. Phấn đấu phát triển công nghiệp xây dựng trở thành ngành kinh tế mạnh, giữ vai trò động lực trong phát triển kinh tế và quá trình CNH, HÐH. Ðồng thời phát triển các cơ sở sản xuất công nghiệp nhỏ và vừa với ngành nghề đa dạng, nhất là ở nông thôn; đẩy nhanh việc khôi phục các làng nghề truyền thống, làng nghề mới gắn với việc du nhập, nhân rộng nghề phù hợp với điều kiện địa phương nhằm thu hút lực lượng lao động nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, góp phần đẩy nhanh tiến trình CNH, HÐH nông nghiệp, nông thôn. Từng bước xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, trong đó chú trọng đến mạng lưới giao thông, hệ thống cấp, thoát nước. Ðầu tư hoàn chỉnh và khai thác có hiệu quả các KCN của tỉnh; tiếp tục phát triển mạng lưới cụm công nghiệp ở khu vực nông thôn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với tập trung khai thác những lợi thế, tiềm năng sẵn có, thành công của Phú Yên trong những năm qua là đã phát huy hiệu quả mối liên kết vùng, từng bước gắn phát triển công nghiệp của tỉnh với khu vực và cả nước, trọng tâm là khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên, hình thành vùng kinh tế động lực.

Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch đến năm 2020, Phú Yên xác định khu vực từ thành phố Tuy Hòa đến cảng Vũng Rô là vùng kinh tế động lực của tỉnh nhằm phát huy lợi thế từ sự liên kết giữa trung tâm hành chính tỉnh lỵ Phú Yên với KCN Hòa Hiệp, sân bay Tuy Hòa (Ðông Tác) và Cảng biển tổng hợp Vũng Rô. Tạo điều kiện khởi công và đưa nhà máy lọc dầu Vũng Rô vào hoạt động khoảng cuối giai đoạn 2011-2015; tiếp tục thu hút các nhà đầu tư để triển khai KCN hóa dầu Hòa Tâm theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Phát triển công nghiệp đóng tàu và cơ khí, tạo điều kiện để Nhà máy lắp ráp ô-tô JRD phát triển và xem xét cho phép đầu tư một số cơ sở đóng tàu thuyền, cơ khí phù hợp với quy hoạch chung. Hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng giai đoạn 1 Khu kinh tế Nam Phú Yên để phục vụ cho các dự án đang triển khai trong khu kinh tế; hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết các phân khu chức năng để làm cơ sở thu hút các nhà đầu tư...

Tỉnh sẽ tập trung phát triển công nghiệp lọc hóa dầu để tạo đột phá cho ngành công nghiệp tăng tốc trong giai đoạn tiếp theo, góp phần đưa nền kinh tế Phú Yên phát triển nhanh, bền vững.