Ngày 30-4-1975 vẫn luôn sống trong ký ức mỗi người dân đất việt, và mãi mãi vẫn là thời điểm “về nguồn” đầy tự hào của mỗi người dân Việt Nam.
Kỷ niệm 33 năm ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước(30-4-1975 - 30-4-2008), 35 năm ngày các chiến sỹ Cách mạng bị địch bắt tù đày được trả tự do, gần 200 đại biểu là những: “Chiến sỹ Cách mạng bị địch bắt tù đày” từ 17 tỉnh, thành phía bắc đã vượt hàng ngàn kilômét, hành quân trở về thăm lại chiến trường xưa, tại Khu di tích lịch sử nhà tù Phú Quốc (nhà lao Cây Dừa) ở thị trấn An Thới, huyện đảo Phú Quốc (PQ), tỉnh Kiên Giang nơi các cựu tù Chính trị CTCT một thời bị địch giam cầm.
Anh Lê Xuân Niêm – Giám đốc Trung tâm giáo dục truyền thống và lịch sự cũng cho rằng: Chuyến hành quân về nguồn do Trung tâm giáo dục truyền thống và lịch sử - Hội khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam phối hợp với Ban liên lạc tù binh Việt Nam - Đảo Phú Quốc tổ chức nhằm mục đích giúp các CTCT bày tỏ lòng tri ân đối với đồng đội đã yên nghỉ, là dịp hội ngộ, giao lưu gặp gỡ và cảm ơn đồng bào trên đảo Phú Quốc đã che chở, đùm bọc để các chiến sỹ được sống, được trả tự do hưởng niềm vui trọn vẹn, trong ngày thống nhất.
Nghĩa trang liệt sỹ PQ là nơi yên nghỉ của gần 1.900 anh hùng liệt sỹ của mọi miền của Tổ quốc anh dũng hy sinh qua hai cuộc kháng chiến, chống thực dân Pháp, chống Mỹ cứu nước và cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam.
Ông Nguyễn Quang Hưng, 59 tuổi, quê ở Bắc Giang, một cựu tù Chính trị Phú Quốc khi chứng kiến nơi yên nghỉ của các liệt sĩ được xây dựng trang nghiêm, bề thế, khang trang đã bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đến Đảng bộ và quân dân Phú Quốc đã thực hiện tốt đạo lý uống nước nhớ nguồn.
Tuy nhiên, điều làm ông Đặng Quang Hưng cũng như tất cả các CTCT cung chung suy tư có những suy nghĩ trăn trở là đồng chí, đồng đội mình khi chiến đấu ở các chiến trường đều có tên tuổi, nhưng khi hy sinh được quy tập về đây vẫn còn nhiều ngôi mộ liệt sỹ vô danh. Trong số hơn 4.000 chiến sỹ cộng sản hy sinh tại nhà lao Cây Dừa, hiện mới chỉ có gần 900 hài cốt được quy tụ về nghĩa trang Phú Quốc.
Nhà lao Cây Dừa là nơi tập trung những điển hình tội ác của bọn Mỹ Nguỵ và bè lũ tay sai bán nước, từng giam cầm 40.000 chiến sỹ cộng sản, qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Chính tại nơi đây đã cướp đi sinh mạng của hơn 4.000 chiến sỹ Cách mạng, trở thành vùng đất đã có một thời đẫm máu, luôn được nhắc đến như một địa chỉ đỏ của mỗi người dân đất Việt.
Trở lại nhà lao Cây Dừa, nhìn lại những hiện vật mà kẻ thù dùng dể tra tấn, khủng bố, đánh đập, đàn áp những người tù cộng sản, ông Nguyễn Trọng Cư, năm nay vừa tròn tuổi 60, quê ở huyện Yên Thành, Nghệ An kể lại: những năm 1969-1972, ông là bí thư chi bộ hoạt động trong nhà tù, đã tham gia lãnh đạo đồng đội đấu tranh với kẻ thù bằng nhiều hình thức: tuyệt thực, diệt mật báo, tự mổ bụng, đào hào vượt ngục tìm mọi cách trốn trại, bắt liên lạc với các cơ sở Cách mạng tiếp tục chiến đấu.
Chiến tranh đã kết thúc 33 năm, nhưng trên thân thể của ông vẫn còn 2 vết thẹo do tự mổ bụng; và hình ảnh những chiếc chảo gang , roi cá đuối, chiếc đinh, chuồng cọp của kẻ thù; những chiếc móc sắt của Bảy Nhu - tên cai ngục khét tiếng từng dùng để nhổ răng, lấy móng chân, móng tay tù binh; những di ảnh của những đồng đội kiên trung bị địch sát hại được sưu tầm trưng bày tại nhà tù Phú Quốc…vẫn hiển hiện, sống động một thời chiến đấu hy sinh, giữ vững khí tiết và phẩm chất người cộng sản từng giờ, từng phút.
Phú Quốc với tất cả những kỷ niệm sống chết một thời đã trở thành quê hương thứ hai của họ - các CTCT từng bị địch tù đày, giam cầm.
Chỉ có hai ngày ngắn ngủi, song được chứng kiến những cảnh Phú Quốc hồi sinh, cùng với tình cảm mật thiết mà Đảng bộ - Chính quyền và quân dân huyện đảo Phú Quốc dành cho đoàn, chuyến đi về nguồn của những cựu tù chính trị đã thực sự là cuộc hành hương đầy ý nghĩa, là thời gian hạnh phúc trong đời mỗi chiến sĩ đã từng gắn bó máu thịt với mảnh đất này