1.
Nam Bộ không còn là một “vùng đất mới” như những suy nghĩ trước đây! Sau nhiều thế kỷ khai khẩn và cải tạo, kể từ khi những con người mọi vùng miền tụ tập về đây, biết bao gian lao vất vả, biết bao mồ hôi, nước mắt và cả máu nữa đã đổ xuống để biến một nơi hoang sơ ngập lầy đầy chướng khí thành vùng đất trù phú như ngày nay. Người Nam Bộ có quá trình dài thích nghi với phong thổ lạ kỳ, với lối sống “tứ hải giai huynh đệ”, tương thân tương ái hòa hợp với nhau.
Hành trình gian khổ hàng trăm năm ấy luôn được các thế hệ lưu truyền nhắc nhớ, kết tinh trong lối sống, phong tục tập quán… thể hiện rõ nhất là trong những ngày Tết Nam Bộ. Từ một vùng đất mà thực tế thiên nhiên không ưu đãi như ta vẫn tưởng, trải qua hàng trăm năm lao động gian khổ để biến thành vùng nông nghiệp lớn, Tết Nam Bộ trước hết mang ý nghĩa đánh dấu kết thúc một chu kỳ nông nghiệp, thời điểm của lễ tạ ơn trời đất gồm có cúng trời, cúng đất và cúng ông bà tổ tiên.
Sách Gia Định thành thông chí, một công trình địa chí về vùng đất Nam Bộ đầu thế kỷ 19 đã có những ghi chép cụ thể thật thú vị về sinh hoạt dịp Tết ở Gia Định.
Tục lệ Tết đầu tiên là nhớ đến ông bà, những người đã khai hoang lập ấp. “Người dân Gia Định vào tháng cuối năm thì cúng tảo mộ, quét dọn bồi đắp phần mộ tổ tiên, việc này là vâng theo điển lệ của nhà nước, bởi vì gần Tết Nguyên đán, nhà cửa mọi người còn làm cho khang trang, huống chi cái lễ con cháu thờ người chết cũng như khi còn sống”... Rồi sau đó là chuẩn bị cho người sống: Tục ở đây thường đến cuối năm thì lo may sắm quần áo mới, quét dọn sạch sẽ trong nhà, ngoài sân, treo dán liễn mới, sắp đặt bàn ghế, trang trí bàn thờ tổ tiên, trên đó trưng bày bình bông rực rỡ, nhiều bánh trái, những vật mới lạ tốt đẹp. Tục lệ mâm ngũ quả “cầu, dừa, đủ, xoài, sung/thơm” (cầu cho vừa đủ tiêu xài, sung túc, thơm tho) mong ước đủ đầy trọn năm còn lưu giữ đến ngày nay.
Để đánh dấu khoảng thời gian Tết Nguyên đán thì vào những ngày cuối năm, mọi nhà đều dựng cây tre trước cửa lớn, trên buộc cái giỏ bằng tre, trong giỏ đựng trầu cau vôi, bên cạnh giỏ treo giấy tiền vàng bạc... Đến ngày mùng 7 Tết thì hạ xuống. Trong mấy ngày Tết thì những khoản nợ nần đều không được đòi-hỏi, phải đợi sau ngày hạ nêu. Đến bây giờ vẫn còn tục lệ ngày 30 Tết trong nhà các lu nước, lu gạo, hũ mắm muối phải được đổ đầy, với mong muốn một năm đầy đủ, trọn vẹn, dư ăn, dư để. Ngày Nguyên đán, bất kể là sang hèn hay lớn nhỏ đều vui chơi, tuy người thôn quê nghèo hèn cũng có nề nếp.
2.
Không khí Tết Nam Bộ đầu tiên là việc nhà nhà rủ nhau lặt lá mai khoảng trước sau rằm tháng Chạp, để hoa nở đúng dịp Tết. Người nam thường trồng mai trước cửa hay trong vườn nhà, nay nhiều nhà vẫn còn những cội mai già hơn trăm tuổi. Ngày gần Tết, làng xóm rực rỡ, nhìn mai nở là biết người đi làm ăn xa sắp về.
Hầu như ở mỗi ngôi làng Nam Bộ đều có một nhà lồng chợ, đó là ngôi nhà xây nhiều gian có mái ngói và những hàng cột, bốn phía không có vách, có thể che thêm mái để mở rộng không gian “nhà lồng”. Đây là kiến trúc có từ nửa sau thế kỷ XIX mà ông Paul Doumer đã viết trong hồi ký của mình, đại ý là mỗi làng ở Nam kỳ đều tự hào với hai công trình của làng mình, là cái đình và nhà lồng chợ. Điều này cho thấy bên cạnh việc duy trì tín ngưỡng truyền thống thờ cúng các vị thần và tiên hiền, hậu hiền trong đình làng, người Nam Bộ còn có tư duy cởi mở, trọng thương nghiệp, kinh tế thị trường xuất hiện sớm và phát triển ở “miệt ruộng, miệt vườn” phong phú nông sản, những ghe thương hồ xuôi ngược từ sông lớn vào kinh rạch nhỏ.
Các chợ nhà lồng thường sát bến sông, hằng ngày ghe xuồng chở hàng hóa nông sản tấp nập. Những ngày giáp Tết trên bến dưới thuyền và quanh chợ không còn chỗ chen chân. Hàng hóa đủ loại từ các vùng miền, đồ ăn thức uống đầy ắp, ghe chở trái cây, đồ gốm bình bông, vải vóc quần áo, ghe than củi, ghe chở bếp lò, đủ loại đồ dùng… vây kín bến chợ. Tràn ngập hoa Tết, nhiều nhất là cúc vạn thọ và mai vàng.
Chở Xuân về nhà. |
Ở miền quê Nam Bộ, khi các dì các mẹ lo mua sắm Tết thì các cô gái cặm cụi làm những loại bánh mứt. Mứt dừa từng sợi, trắng-xanh-vàng-hồng từ mầu tự nhiên của cây lá quanh nhà, bánh in thơm bột nếp, bánh kẹp mỏng giòn tan, bánh bông lan nhỏ xíu mềm xốp thơm mùi trứng, bánh phồng, bánh thuẫn… Rồi mứt tắc từng quả vàng tươi trong veo, mứt gừng mỏng thơm cay ấm. Có loại mứt gừng dẻo từng sợi lẫn chuối khô, đậu phộng vừa bùi vừa béo ăn không bao giờ ngán. Rồi chuối khô, mứt mãng cầu, mứt khoai lang, mứt sen, mứt bí… Làng xóm xôn xao tiếng cười nói và thơm nức mùi bánh mứt. Mâm bánh mứt Tết còn là sự giới thiệu khéo léo về “con gái trong nhà”, Tết nhất thăm viếng nhau có khi cũng là kín đáo “coi mắt” đặng mà cưới dâu.
Ngày 23 Tết cúng ông Táo, nhà nhà nấu chè “trôi nước”, cúng cây mía và bánh kẹo để ông Táo ngọt giọng “nói tốt” cho gia chủ. Đốt giấy tiền vàng bạc, quần áo mới và không thể thiếu hình ảnh “cò bay ngựa chạy” - các con vật giúp ông Táo đi nhanh về nhanh trong một vùng sông nước mênh mông. Sau khi cúng xong, nhiều nhà đưa bếp lò quá cũ ra góc vườn để “ông lò” hóa thổ. Gia chủ sẽ dùng bếp lò mới, khởi đầu bằng việc đốt than đước và bỏ vào bếp nắm muối, tiếng nổ lách tách báo hiệu ông lò mới đã sẵn sàng chức phận của mình.
3.
Chợ Tết xưa không có nhiều thức ăn làm sẵn vì Tết là dịp người đàn bà Nam Bộ trổ tài nữ công gia chánh. Những ngày Tết, phụ nữ trong nhà thường lo cúng kiếng. Những mâm cơm cúng từ ngày 30, mùng Một “đón ông bà”, mùng Ba “đưa ông bà” rồi mùng Bảy “hạ nêu”. Mỗi ngày có thể thêm bớt vài món ngon, nhưng nhìn chung nhà nào cũng nấu các món truyền thống của mâm cơm Tết Nam Bộ.
Ngày 30 cúng rước ông bà về ăn Tết luôn có các món như: thịt kho hột vịt bằng nước dừa, dưa giá, dưa cải chua chua, dưa món mặn ngọt thơm thơm, tô canh khổ qua nhồi thịt hay tô canh măng tươi hầm chân giò, chả giò chiên giòn, các loại thịt nguội như thịt khìa, xá xíu, giò thủ, nem chua cùng các món xào nấu khác. Tất nhiên không thể thiếu bánh tét, bánh ít… Bánh tét Nam Bộ có cả loại nhân ngọt như chuối và nhân mặn đậu xanh, thịt mỡ… Đòn bánh tét được gói bằng lá chuối, tròn và chắc, nhân nằm chính giữa, khi “tét” (cắt) thành từng khoanh có thể thấy đầy đủ mầu nhân đậu vàng có cục mỡ trắng béo ngậy, lớp nếp trắng ngà dẻo rền xen những hột đậu đen bùi bùi.
Ngày mùng Ba cúng đưa ông bà mâm cơm đơn giản hơn, nhưng luôn phải có đĩa “tam sên” gồm một miếng thịt heo, hai quả trứng vịt và ba con tôm càng xanh đều được luộc chín - là đại diện cho các con vật sống trên cạn và dưới nước, cho loài vật tự nhiên và vật nuôi. Ngoài ra còn có cá kho tộ và tô canh chua, có món cuốn như gỏi cuốn, bì cuốn, gà xé phay trộn hoa chuối và cháo gà. Nhiều nhà nấu món “cù lao” (món lẩu nấu trong một dụng cụ ở giữa có chỗ để than giữ nóng lâu) với nhiều rau củ, dễ ăn sau những ngày Tết ăn nhiều chất đạm.
Năm 1976, lần đầu tiên về quê ngoại ở Cao Lãnh đón năm mới, tôi mới được biết và trải nghiệm phong tục Tết Nam Bộ còn lưu giữ đến lúc đó. Những phong tục này không quá cầu kỳ với các nghi thức lễ hội, nhưng vẫn thể hiện sự trang trọng, tươm tất, mang nét văn hóa dân dã độc đáo và ý nghĩa thực tiễn như tính cách người dân nơi đây. Nhiều phong tục tập quán còn được người Nam Bộ chăm chút giữ gìn đến ngày nay, góp phần vào sự đa dạng phong phú của văn hóa Việt.